Tại cuộc họp báo chiều 9/5, ông Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch thường trực Hội Luật gia Việt Nam cho biết với tôn chỉ hoạt động dựa trên cơ sở lẽ phải, công bằng, đạo đức, Hội sẽ gửi bản Tuyên bố của mình sang Hội Luật học Trung Quốc.
Ông Lê Minh Tâm - Phó Chủ tịch thường trực Hội Luật gia Việt Nam đọc Tuyên bố của Hội luật gia Việt Nam về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam. |
Trả lời câu hỏi của phóng viên nêu phía Trung Quốc có gợi ý đề nghị Việt Nam rút hết tàu thuyền đang làm nhiệm vụ trên vùng biển tranh chấp sau đó mới đàm phán, luật sư Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nói đây là đề nghị không bình thường, không muốn nói là nực cười. Bởi lẽ, theo ông Trục, vị trí giàn khoan HD-981 đang nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
"Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam và các tàu thuyền hoạt động trên vùng biển này là hoạt động bình thường, đương nhiên, không có chuyện Việt Nam rút tàu thuyền trước khi đàm phán. Việt Nam chủ trương đàm phán hòa bình. Đây là thái độ gây sức ép, không bình thường, chắc chắn Việt Nam không làm điều vô lý như vậy”, ông Trục nói.
Quang cảnh buổi họp báo chiều 9/5. |
Với băn khoăn Việt Nam cần áp dụng chế tài Công ước Liên hợp quốc Luật biển 1982 (UNCLOS) như thế nào với vi phạm này, ông Trục nêu quan điểm, hành động của Trung Quốc nhằm biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp và đạt âm mưu độc chiếm Biển Đông.
"Công ước đã đề cập đến các chế tài, chế định, thủ tục để các bên với tư cách là thành viên có thể đưa lên cơ quan tài phán. Chúng ta hoàn toàn có thể làm điều đó. Philippnes đã làm và nhận được sự đồng tình của dư luận trong khu vực, thế giới. Để làm được điều này, không phải nói mà làm ngay được, cần phải có sự chuẩn bị chu đáo bởi nếu làm phải nắm chắc phần thắng", ông Trục nói.
“Đây là thái độ gây sức ép, không bình thường, chắc chắn Việt Nam không làm điều vô lý như vậy”, luật sư Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nói. |
Ông Trục cũng khẳng định, một khi đưa được vụ việc ra tòa án quốc tế thì Việt Nam sẽ thắng lợi bởi có đầy đủ các căn cứ pháp lý, cơ sở để để kiện.
Tuy nhiên, việc khởi kiện lên tài phán có những thủ tục, không đơn thuần về việc pháp lý, mà còn nhiều vấn đề khác như thái độ của các đương sự, ủy viên tham gia vào hội đồng xét xử, các cuộc lobby phải chuẩn bị.
"Chúng ta cần phải kiên trì, Việt Nam có niềm tin với chân lý của Công ước Quốc tế”, ông Trục nói.
Luật sư Trục phân tích, khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào Việt Nam, họ đã tính toán thời điểm tình hình quốc tế đang có nhiều vấn đề. Mỹ, EU và Nga đang có những tranh chấp khác nhau ở Ukraina. Mặt khác, các nước trong khu vực còn một số yếu tố chia rẽ. Trung Quốc đặt mũi khoan vào thời điểm này là hết sức nguy hiểm.