Chiều 27/5, trang fanpage Bắc Giang 24h đăng tải câu chuyện một người dân ở Bắc Giang đi bán vải và bị "ép giá" xuống mức 2k/kg (2.000 đồng/kg - PV).
Sau khi bài viết được đăng tải, hàng loạt fanpage lớn đã dẫn lại câu chuyện này. Trên trang Theanh28 Entertainment, bài đăng nhận được 34.000 lượt like, 2.700 bình luận và gần 500 lượt chia sẻ.
Bài đăng được lan truyền trên mạng xã hội. |
Trao đổi với Zing chiều 27/5, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, cho biết đang chỉ đạo xác minh nội dung bài viết. Ông này khẳng định không có chuyện giá vải ở Bắc Giang bị rớt xuống mức 2.000 đồng/kg.
"Bắc Giang vẫn đang bán vải sớm với giá 20.000-25.000 đồng/kg. Đến nay đã xuất được 7.000 tấn. Không có chuyện bị ép giá xuống còn 2.000 đồng/kg", ông Tùng chia sẻ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp Bắc Giang cho biết các địa phương đã chuẩn bị sẵn lò sấy vải trong trường hợp vải ế tiêu thụ chậm. Nhưng đến nay chưa cần sử dụng đến lò sấy vì vải tươi vẫn tiêu thụ đều.
"Trường hợp vải chăm sóc không tốt, bị sâu đầu thì giá rẻ. Mà vải sâu đầu đôi khi cho cũng chẳng ai lấy, bán không ai mua chứ đừng nói là 2.000 đồng/kg", lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương chia sẻ thêm.
Lô vải sớm Bắc Giang được xuất đi Nhật Bản trong ngày 26/5. Ảnh: VNA. |
Cùng ngày, ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang, cũng khẳng định thông tin vải Bắc Giang bị ép giá còn 2.000 đồng/kg là sai sự thật. "Cuối ngày, Sở sẽ họp và tổng hợp các thông tin sai, nếu có vi phạm sẽ phối hợp với Bộ TT&TT để xử lý", ông Chiêu nói với Zing.
Sau khi xem thông tin trên mạng xã hội, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật Minh Bạch), nhận định nội dung trong bài viết chưa thể coi là hành vi ép giá. "Việc trả giá thấp để mua được hàng hóa không phải hành vi ép giá hay hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực cạnh tranh", ông Tuấn Anh chia sẻ.
Luật sư cũng cho biết trên thực tế pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về hành vi "ép giá". Theo cách hiểu đại chúng, ép giá là buộc bên mua hoặc bên bán chấp nhận cái giá cao hơn hay thấp hơn giá thị trường của loại hàng hóa đem bán. Đây là hiện tượng lợi dụng nhiều yếu tố mà bên mua hoặc bên bán buộc nhau phải thừa nhận một mức giá không tương ứng với chất lượng của một thứ hàng hóa nào đó.
Tính đến chiều 27/5, Bắc Giang ghi nhận 1.564 ca mắc Covid-19 chỉ sau 3 tuần dịch bệnh bùng phát. Tỉnh này đã thực hiện cách ly xã hội 6/9 huyện trực thuộc; giãn cách xã hội TP Bắc Giang; phong tỏa 157 thôn, tổ dân phố và 4 xã, phường, thị trấn; giãn cách xã hội 31 xã, phường, thị trấn và 18 thôn, tổ dân phố.
Do tình hình dịch bệnh, các thương lái Trung Quốc không thể vào địa bàn Bắc Giang để thu mua vải như mọi năm. Đổi lại, chính quyền địa phương đã cử 2 đoàn công tác lên cửa khẩu ở Lạng Sơn và Lào Cai để hỗ trợ thông thương.
Ngoài ra, các chuyến hàng xuất khẩu vải chất lượng cao đi Nhật Bản bắt đầu được thực hiện.