Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước quý 1/2016 chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ, trong đó thu từ dầu thô chỉ bằng 45,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Thu nội địa tăng 10%
Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 3/2016 ước đạt 70,4 nghìn tỷ đồng; luỹ kế thu quý I/2016 đạt 230,5 nghìn tỷ đồng, bằng 22,7% dự toán, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó: Thu nội địa tháng 3 ước đạt 54,7 nghìn tỷ đồng, luỹ kế thu quý I đạt 193,8 nghìn tỷ đồng, bằng 24,7% dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015 (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 9,3%); thu về dầu thô tháng 3 ước đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, luỹ kế thu quý I/2016 ước đạt 8,9 nghìn tỷ đồng, bằng 16,4% dự toán, bằng 45,9% so với cùng kỳ năm 2015; thu từ xuất nhập khẩu tháng 3 ước đạt 21 nghìn tỷ đồng, tăng 45,8% so với tháng trước; luỹ kế thu quý I đạt 54,6 nghìn tỷ đồng, bằng 20,2% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (27 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN từ xuất nhập khẩu tháng 3 ước đạt 12,8 nghìn tỷ đồng, lũy kế quý I ước đạt 27,6 nghìn tỷ đồng, bằng 16% dự toán, bằng 81,3% so cùng kỳ năm 2015.
Xăng dầu giảm giá khiến ngân sách gặp khó |
Trước biến động của giá dầu ảnh hưởng đến thu ngân sách, trả lời câu hỏi liệu có dự định tăng thu khi giá dầu giảm hay không, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN Đào Xuân Tuế cho biết, ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách do Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao. Việc dự báo các khoản thu của ngân sách dựa trên cơ sở các luật thuế. Giá dầu thô dựa trên cơ sở sản lượng và giá theo thời điểm hiện tại và tham khảo thông tin từ các tổ chức quốc tế cũng như các chuyên gia kinh tế trong nước để đưa ra giá hợp lý.
Ông Tuế cũng nhận định, giá dầu từ cuối năm 2014, đầu năm 2015 phức tạp, khó dự báo và diễn biến giá dầu có tác động trực tiếp đến NSNN nên phải có phương án phù hợp. Và Luật Ngân sách cho phép nếu NSNN biến động quá lớn, ảnh hưởng đến dự toán đã được Quốc hội quyết định thì phải điều chỉnh ngân sách (phương án xấu nhất); còn lại phải đưa ra kịch bản giá dầu ở các thời điểm khác nhau.
“Năm 2016 giá dầu liên tục biến động, tuy nhiên việc điều chỉnh chính sách thu phải theo luật hiện hành chứ không phải vì biến động mà điều chỉnh…”, ông Tuế khẳng định; đồng thời cho biết, tới đây Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ ra chỉ thị tiếp tục điều hành ngân sách chặt chẽ hơn trong điều kiện giá dầu đang giảm, có những giải pháp kích thích môi trường kinh doanh ổn định và phát triển từ đó có nguồn thu.
Chuyển thuế môn bài sang lệ phí - Để lại địa phương 100%
Trước câu hỏi việc thuế môn bài chuyển sang lệ phí môn bài với mức tăng lên ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp? Việc điều chỉnh này có phải xuất phát từ ngân sách khó khăn hay không, Thứ trưởng Mai cho biết thuế môn bài thu theo Nghị định 75/2002/NĐ-CP ngày 30/8/2002.
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phí và Lệ phí có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, trong đó theo danh mục kèm theo Luật này thì thuế môn bài chuyển thành lệ phí môn bài. Vì vậy, việc ban hành Nghị định quy định về lệ phí môn bài là cần thiết tạo khung pháp lý đầy đủ và đồng bộ với các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Phí và Lệ phí.
Thứ trưởng Mai cho biết, mức thu theo Nghị định 75/2002/NĐ-CP đã áp dụng được hơn 14 năm với nhiều mức thu khác nhau nay không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Mức môn bài hiện hành khi xây dựng căn cứ theo mức lương tối thiểu năm 2002 là 290.000 đồng/tháng. Hiện mức lương tối thiểu đã lên 1.150.000 đồng.
Do đó, việc xác định bậc thuế môn bài hiện nay không phù hợp với sự thay đổi của tiền lương. Bên cạnh đó, quy mô vốn đăng ký và thu nhập hộ kinh doanh đã có nhiều thay đổi so với thời điểm năm 2002 khi Chính phủ ban hành Nghị định 75/2002/NĐ-CP.
“Vì vậy, những thay đổi trong quy định về lệ phí môn bài trong lần sửa đổi này nhằm khắc phục những tồn tại trên và đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Bộ Tài chính đang tập hợp, lắng nghe ý kiến đóng góp của bộ, ngành, doanh nghiệp, cá nhân. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ nghiên cứu, tiếp thu, ý kiến nào chưa hợp lý sẽ có báo cáo giải trình nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định và trình Chính phủ ban hành để triển khai Luật Phí và Lệ phí có hiệu lực từ ngày 1/1/2017…”, bà Mai cho biết.
Thứ trưởng Mai cũng khẳng định: “Hoàn toàn không có chuyện ngân sách gặp khó khăn mà tăng thu, mức thu được xác định để phù hợp với tình hình kinh tế. Toàn bộ khoản thu về lệ phí môn bài này sẽ được cân đối cho ngân sách địa phương 100%”.
Bộ Tài chính cho biết, đến hết quý I/2016, cơ quan thuế đã thanh, kiểm tra 6.510 doanh nghiệp, tổng số tiền thuế tăng thu qua thanh, kiểm tra là 1.629 tỷ đồng; tính đến tháng 3/2016, tổng số tiền nợ thuế năm 2015 đã được thu hồi là 10.850 tỷ đồng. Hải quan đã thực hiện 546 cuộc kiểm tra sau thông quan, quyết định truy thu 245,03 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách (gồm thu nợ những năm trước) 197,93 tỷ đồng.