Nếu chịu thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường, giá xăng sẽ tăng làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp |
Nhiều chuyên gia đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh câu chuyện thuế phí hiện nay, đặc biệt là việc tăng lệ phí môn bài lên 2-3 lần cũng như đề xuất nghiên cứu tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mới đây.
Ba tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 20.000 doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất kinh doanh, tăng trên 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu cứ “nghiên cứu” tăng thuế, không chỉ người tiêu dùng bị ảnh hưởng mà hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn bởi giá xăng dầu tăng sẽ khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng theo, hàng hóa khó cạnh tranh hơn
Ông Vũ Vĩnh Phú
Ông Vũ Vinh Phú (chuyên gia kinh tế):
Ông Vũ Vĩnh Phú. |
Nguồn thu cần được nuôi dưỡng
Mục đích của thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng, trong đó có xăng dầu, để điều chỉnh sản xuất tiêu dùng theo hướng tiết kiệm, khuyến khích sản xuất, sử dụng năng lượng sạch...
nhiên, mức thu tuyệt đối 3.000 đồng/lít hiện nay đã quá cao. Theo tôi, đừng nên tìm cách tăng thu thêm mà Bộ Công thương và Bộ Tài chính cần phải thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu, trong đó có quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Cũng đừng lấy lý do giá dầu thô sụt giảm, ngân sách khó khăn để tìm cách tận thu.
Bởi trong năm 2015 dù số thu từ dầu thô giảm mạnh, nhưng tổng số thu ngân sách cả nước vẫn tăng thêm hơn 85.000 tỉ đồng so với kế hoạch đặt ra. Cũng không nên “nhân cơ hội” chỉ số giá tiêu dùng thấp mà tranh thủ tăng các loại thuế, phí.
Thay vào đó nên nuôi dưỡng nguồn thu bằng cách giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh bởi doanh nghiệp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Một loạt câu hỏi đặt ra quanh câu chuyện lỗ hổng thuế nhập khẩu xăng dầu khiến năm 2015 Bộ Tài chính phải hoàn thuế cho doanh nghiệp xăng dầu hơn 3.500 tỉ đồng. Nếu báo chí vừa qua không lên tiếng, dư luận không ồn ào, doanh nghiệp xăng dầu sẽ được hưởng lợi trong khi chính người tiêu dùng bị thiệt hại.
Bộ Tài chính, Bộ Công thương chịu trách nhiệm về việc này như thế nào dư luận đến nay chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Trong khi đó để tăng thu ngân sách, Bộ Tài chính lại tính đến chuyện tăng thu với người tiêu dùng là điều khó chấp nhận. Tuy nhiên tôi tin rằng Chính phủ mới sẽ xem xét thấu đáo, thận trọng việc có nên tiếp tục tăng thu sắc thuế này hay không.
* TS Nguyễn Sơn (Viện Kinh tế và chính trị thế giới):
Tiến sĩ Nguyễn Sơn. |
Phải quyết liệt tìm cách giảm chi
Tôi có cảm giác ngành tài chính đang “tranh thủ” bối cảnh lạm phát thấp được một thời gian để tăng giá các loại hàng hóa dịch vụ. Thực tế việc tăng thuế, phí sẽ ảnh hưởng, gây thiệt hại cho nền kinh tế bằng cách này hay cách khác.
Phải thấy rằng dù đã có một vài dấu hiệu khá lên, nhưng sức khỏe của nền kinh tế vẫn còn rất yếu. Chỉ có khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phát triển khá mạnh, còn lại khu vực tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước chưa thấy sự khởi sắc đáng kể.
Vì vậy việc tăng thuế phí sẽ ảnh hưởng không tốt đến doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh VN đã ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do, nhiều hiệp định lớn bắt đầu vào giai đoạn thực thi. Doanh nghiệp trong nước cần có khoản hỗ trợ để tăng khả năng cạnh tranh sẽ rất khốc liệt trong thời gian tới.
Ngân sách và đầu tư của VN vốn dựa rất lớn vào giá xăng dầu, nguồn thu từ đất đai và vốn ODA. Mấy năm nay giá dầu, giá đất ảm đạm nên nguồn thu không còn xông xênh. Nhưng cách chi của chúng ta vẫn cơ bản không thay đổi.
Mất cân bằng là khó tránh. Gần đây, cảm giác nhiều loại thuế phí tăng, nhìn thấy hằng ngày là phí đường bộ tăng nhiều, các loại phạt hành chính cũng tăng. Trong khi theo tôi, càng khó khăn càng nên cân nhắc rất kỹ việc tăng thuế, phí bởi ảnh hưởng tới sự phát triển.
Điều quan trọng nhất hiện nay là phải quyết liệt tìm cách giảm chi chứ không phải tăng thu, nhất là các nguồn thu liên quan đến tiêu dùng hằng ngày của người dân.
Bộ máy của chúng ta rất khổng lồ, có những cơ quan nhất thiết cần đưa ra khỏi diện lấy tiền ngân sách trả lương, chi phí. Nếu tăng thu để tiền đó quay lại kích thích phát triển sẽ không thành vấn đề. Nhưng tăng mà vẫn chỉ đủ chi thường xuyên và trả nợ thì không ổn.
Phải giảm biên chế. Cứ để bộ máy lớn, chồng chéo, hoạt động hiệu quả không cao thì không biết tăng thu bao giờ cho đủ.
* TS Lưu Bích Hồ (nguyên viện trưởng Viện Chiến lược phát triển):
Tiến sĩ Lưu Bích Hồ |
Đừng “đẻ” thêm thuế, phí để tăng thu
Theo tôi, mức thuế 3.000 đồng/lít xăng và 1.500 đồng/lít dầu hiện nay đã quá cao rồi. Việc tăng thu thuế bảo vệ môi trường đối với các sản phẩm này có thật sự để bảo vệ môi trường hay sử dụng khoản tiền thu được này để chi tiêu cho những chuyện khác?
Cũng không phải VN đang quyết tâm bảo vệ môi trường nhiều hơn nên phải tăng thuế, mà thật ra vì ngân sách thiếu hụt nên cơ quan quản lý tìm cách tăng nguồn thu.
Tóm lại, việc tăng thêm này chủ yếu đáp ứng nhiệm vụ thu ngân sách chứ không có lý do thuyết phục.
Tôi cho rằng trong lúc ngân sách khó khăn, lẽ ra phải giảm bớt, thắt chặt chi tiêu thay vì tìm cách tăng thu. Theo định hướng phát triển kế hoạch năm năm tới, VN phải giảm bớt tỉ lệ thu ngân sách trên GDP xuống 20-21% so với mức 23-24% hiện nay.
Ngay cả khi tình hình kinh tế ổn định, chưa nói đến khó khăn, các nước thường có xu hướng cắt giảm nguồn thu để khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển.
khi đó VN luôn ở thế phải tăng nguồn thu, điều này không khuyến khích được doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khu vực dân doanh, có động lực phát triển.
* TS Ngô Trí Long (chuyên gia kinh tế):
Tiến sĩ Ngô Trí Long |
Sẽ tạo áp lực tăng giá lên nhiều sản phẩm
Thứ trưởng Bộ Tài chính đã lên tiếng phủ nhận việc đề xuất tăng thu thuế môi trường nhưng như Tuổi Trẻ phản ánh, đề xuất đó đã có rồi và vấn đề chưa được đồng ý mà thôi. Cũng có thể sau này khi tăng họ mới thông báo.
Theo tôi, nếu sòng phẳng ra, Bộ Tài chính nên đưa vấn đề công khai dự định tăng thuế với những lý do và phân tích cụ thể. Nếu hợp lý, tôi tin người dân sẽ ủng hộ, tránh việc cứ âm thầm làm, thậm chí đôi khi không xác nhận nhưng sau đó lại quyết định đúng như người ta đồn đoán, dân dễ thấy có cái gì đó không ổn, chưa hợp tình hợp lý nên mới phải làm vậy.
Về thuế bảo vệ môi trường tăng, tôi nghĩ Bộ Tài chính tập trung vào thuế này cũng dễ hiểu. Dù không hẳn nguồn thu này sẽ dành toàn bộ cho bảo vệ môi trường nhưng với cách gọi như thế, dễ có sự chia sẻ hơn.
Và để tăng thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp thì phải sửa luật, rất khó và mất thời gian. Nên họ tập trung vào thuế môi trường còn dư địa tăng 1.000 đồng/lít, dễ và nhanh hơn.
Chúng ta đã đưa ra nguyên tắc hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Mà khi người tiêu dùng mua mỗi lít xăng, Nhà nước đã thu về hơn một nửa nên không thể tăng thêm nữa.
Đặc biệt, giá xăng dầu là đầu vào rất nhiều ngành, nếu tăng thuế sẽ tiếp tục tạo hiệu ứng dây chuyền tăng chi phí, tạo áp lực tăng giá lên nhiều ngành, sản phẩm trong khi đời sống người dân chưa thật sự được cải thiện nhiều.
Ngay châu Âu, theo tôi biết, cũng không nhiều nước đánh thuế môi trường trên xăng dầu. Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh trong năm qua đã được hưởng lợi hơn 3.500 tỉ đồng từ chênh lệch thuế mà lẽ ra người tiêu dùng được hưởng, nên cơ quan quản lý cần tính toán để người tiêu dùng đừng bị thiệt thòi hơn nữa với chuyện tăng thuế đối với xăng dầu.
* Ông Nguyễn Văn Cẩn (một tài xế tại xã Phú Hòa Đông, Củ Chi, TP HCM):
Ông Nguyễn Văn Cẩn |
Vừa tăng 300%, sao lại tăng nữa?
Trong giá xăng hiện nay, chỉ riêng các khoản thuế phí đã chiếm hơn 50%. Như vậy mỗi khi mua một lít xăng, người tiêu dùng đã phải chi hơn một nửa số tiền cho thuế, phí.
Trong đó, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hiện gần đụng trần, lên tới 3.000 đồng/lít xăng và 1.500 đồng/lít dầu. Nếu tiếp tục tăng đụng trần, thêm 1.000 đồng/lít xăng và 500 đồng/lít dầu, người tiêu dùng lại phải móc hầu bao thêm nộp cho ngân sách, trong khi không biết số tiền đó có thật sự phục vụ việc bảo vệ môi trường hay vào mục đích gì, có hiệu quả không?
Gần đây nhất vào tháng 5/2015, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng đã tăng lên đến 300% (từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít), nhưng người dân chẳng biết khoản tiền này dùng cho những dự án cụ thể gì để giúp môi trường tốt hơn.
Trong thực tế chỉ thấy một điều là khói, bụi trên đường phố càng nhiều, chưa được kiểm soát. Tóm lại, người dân đã phải đóng nhiều loại thuế, phí lắm rồi nên không thể vì lý do ngân sách thiếu hụt mà tiếp tục móc túi người tiêu dùng.
Quang Khải ghi