Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không có chuyện dồn chuyến vì hãng bay tính lời lỗ?

Dù thừa nhận đã nghe nhiều hành khách phản ảnh, nhưng ông Võ Huy Cường, cục phó Cục Hàng không VN, cho rằng khó có chuyện các hãng hàng không dồn chuyến, hủy chuyến.

Ông Cường nói:

- Không giống các phương tiện giao thông đường bộ, không thể có chuyện máy bay chờ để dồn chuyến, dồn khách vì các hãng hàng không thường xếp lịch bay cho toàn bộ máy bay từ vài tháng trước thời điểm xuất phát, sau đó mới bán vé máy bay cũng trước vài tháng.

Hành khách làm thủ tục lên máy bay.

Hành khách làm thủ tục lên máy bay.

- Cơ sở nào để ông khẳng định rằng không có chuyện hàng không dồn chuyến vì lý do thương mại?

- Trong một ngày, máy bay thường phải đảm nhiệm lịch bay đi/đến vài điểm, thông thường từ 4-5 chuyến bay/ngày (tức 8-10 chặng bay cất - hạ cánh), chứ không hẳn chỉ từ A đến B là xong.

Chẳng hạn, máy bay A sẽ chở khách từ TP.HCM đến Hà Nội rồi chở khách đi ngược lại. Về đến TP.HCM, máy bay tiếp tục nhận khách để bay tiếp Đà Lạt rồi quay lại TP.HCM, trả khách ở đây xong lại bay đi tiếp Đà Nẵng hoặc có thể bay đi quốc tế nếu hãng có lịch...

Hơn nữa, mỗi máy bay trị giá vài chục triệu USD, phần lớn các hãng phải vay mới có tiền mua máy bay (thuê hoặc mua), nên các hãng đều mong muốn đưa máy bay bay trên trời càng nhiều càng tốt, trừ khi phải vào xưởng bảo dưỡng kỹ thuật và nghỉ bay vào ban đêm vì không có khách.

Ông Võ Huy Cường,

Ông Võ Huy Cường,

Đặc biệt, máy bay nằm ở sân bay các hãng cũng mất tiền, trung bình cứ một phút nằm ở sân bay hãng mất 100 USD nên hãng phải bảo dưỡng thật tốt để có thể bay cả ngày, bảo dưỡng vào ban đêm để sáng bay tiếp.

- Nếu không có chuyện chậm, hủy chuyến vì lý do thương mại, tại sao trong báo cáo của cục gửi Bộ GTVT đã yêu cầu các hãng hàng không phải loại bỏ việc chậm, hủy chuyến vì lý do thương mại, thưa ông?

- Trong báo cáo này, cục khẳng định trong thời gian giám sát đặc biệt vừa qua, các hãng hàng không đều không có việc hủy chuyến vì lý do thương mại.

Tuy nhiên, trong quá trình xếp lịch bay của các hãng hàng không, dù đã làm trước vài tháng nhưng cũng có thể vì lý do thay đổi cấu hình máy bay, thay vì dùng máy bay lớn để bay lại chuyển sang máy bay nhỏ (hoặc ngược lại), hoặc nhìn thấy chuyến bay có thể thiếu khách mà thay đổi lịch bay và họ gọi là hủy vì lý do thương mại.

Lâu nay có thể đã có chuyện đến gần giờ bay thì hãng mới báo cho khách, nhưng nay hãng phải báo cho khách kế hoạch thay đổi của mình trước 24 giờ (so với giờ khởi hành dự kiến) và đề nghị bố trí chuyến bay gần nhất có thể để khách chủ động kế hoạch của họ.

Cục đã phải khuyến cáo các hãng tuyệt đối không được thay đổi lịch bay vì lý do thương mại mà chỉ có thể thay đổi vì lý do kỹ thuật, máy bay về trễ vì thời tiết...

- Nhưng thực tế có tình trạng khách mua vé của chuyến bay khởi hành lúc 10h lại bay chung với khách của chuyến bay dự kiến xuất phát lúc 8h và cả hai hành khách này đều phải bay chuyến 11h30 của hãng đó?

- Chính vì vậy hãng hàng không mới có cụm từ “giờ bay dự kiến”. Vài tháng trước giờ khởi hành dự kiến, hãng đã lên lịch các chuyến bay của ba hành khách này theo thời gian bay dự kiến vào ngày đó sau khi đã nhập các thông số về điều kiện thời tiết, tình trạng máy bay, lượng phi công, tiếp viên...

Nhưng đến đúng ngày bay hoặc trước đó một vài ngày bay, các thông số này bị thay đổi, hãng phải điều chỉnh lại lịch bay của các máy bay dự kiến sẽ cho ba hành khách này, tất nhiên các hành khách sẽ ngồi trên các máy bay chở ba vị khách này cũng bị thay đổi theo dây chuyền.

Chẳng hạn, chuyến bay của khách bay 10g lẽ ra sử dụng máy bay B nhưng vừa rồi máy bay B bị hành khách mở cửa thoát hiểm, hãng phải đưa máy bay vào sửa chữa và điều chỉnh lịch bay, điều máy bay khác bay thay thế.

Máy bay của khách bay chuyến 8g bay về trễ vì lý do thời tiết (thường không lường trước được và thay đổi từng giờ) đến 7g20 sáng mới hạ cánh nên không kịp quay vòng nhận khách để chở đi điểm kế tiếp như lịch dự kiến...

- Đánh giá về đợt kiểm tra vừa rồi của Cục Hàng không về tình trạng chậm, hủy chuyến thế nào?

- Các hãng đã có những chuyển biến đáng kể, mỗi hãng đều đã giảm vài phần trăm số chuyến bay chậm, hủy chuyến. Tuy chưa đạt kỳ vọng nhưng đã có chiều hướng tốt hơn nhờ sự phối hợp giữa các bên, từ quản lý nhà nước đến cung ứng dịch vụ.

Tới đây, cục sẽ nghiên cứu kỹ từng trường hợp muộn để giải quyết từ chuyện nhỏ nhất, mỗi khâu giảm được vài phút chờ đợi để giúp cả quy trình nhanh hơn.

Chẳng hạn, mở rộng khu chờ ở cửa 8-9 sân bay Đà Nẵng để có chỗ cho hơn 100 khách chờ sẽ giảm tải việc ra máy bay trễ, đồng ý để vừa tra nạp xăng dầu vừa cho khách lên/xuống máy bay cũng tiết kiệm cho hãng 10-15 phút chờ...

"Khó có chuyện các hãng hàng không cố để máy bay chờ nhằm bán vé giờ chót thu thêm tiền, bởi chi phí thu vào không đáng so với số tiền mà hãng phải trả để đậu lại. Ngay cả VNA có bán được vé hạng thương gia đến 6 triệu đồng/chặng thì hãng cũng phải mất 5-10 phút để khách từ chỗ mua vé chạy vào máy bay, chi phí đậu lại cao hơn nhiều số tiền vé thu của khách"

http://tuoitre.vn/kinh-te/621724/khong-co%C2%A0chuyen%C2%A0don-chuyen-vi-hang-bay-tinh-loi-lo.html

Theo Lê Nam/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm