Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không có chỗ nào cho trẻ em

Khi em bé 20 ngày tuổi bị giết vì trò mê tín của người thân, cậu nhỏ chết vì nhát dao của người bảo vệ dân phố, tôi tự hỏi chỗ nào dành cho những đứa trẻ?

Những đứa trẻ nghèo, con của những công nhân làm việc quanh khu công Tân Tạo, huyện Bình Chánh, TP.HCM, không được đến trường mầm non, chúng tự tìm niềm vui với nhau. Ảnh: Tùng Tin.

T

ôi ngồi sau xe một người lái xe Uber. Ông tên Hòa. Ông kể lái xe như vầy mỗi ngày giúp ông kiếm thêm 200-300 nghìn đồng. Số tiền đó đủ đóng học phí cho con gái của ông đang học mẫu giáo và tiền học thêm cho đứa con trai lớn.

- Vậy mỗi đứa học hết bao nhiêu chú?

- Con bé học mẫu giáo, mới ba tuổi thôi, phải 4 triệu/tháng, thằng lớn thì học thêm 2 môn, 2 triệu.

Chuyện không của riêng ông Hòa

M

ột người thợ hồ như ông Hòa, những ngày mưa không có việc làm, bèn xách xe máy ra chạy xe ôm để kiếm đủ tiền học cho con. Gầy gò. Đen đúa. Tôi hiểu rằng, với người cha ấy, cô bé gái nhỏ ba tuổi giờ là trung tâm của cả gia đình.

Hẳn chúng ta ai cũng hiểu cảm giác một em bé trong gia đình được sinh ra, như món quà người thân quen đều tò mò thương mến hết lòng. Với ông Hòa, tình cảm đó là niềm kỳ vọng con bé có được một lớp mầm non tốt. Ông sẽ cắn răng chạy xe trong cơn mưa lạnh nhặt thêm đồng tiền công cho bé ngủ ngon và ăn tốt. 

Với những người bố như ông Hòa, nỗ lực cuối cùng mà ông có thể làm được là kiếm từng đồng còm cõi để con gái đến trường mẫu giáo.

Khải Đơn

Nhưng khi phóng chiếu bao tưởng tượng tốt lành của ông ra, tôi lại cảm thấy cay đắng khi nhìn những ông bố, bà mẹ khóc trên màn ảnh truyền hình, vì họ nhìn thấy con mình bị người giáo viên tát vào mặt, dùng đồ vật đánh vào đầu, vào chân tay. Những đứa bé thu lu ngồi nép vào tường, như một trại huấn luyện mà chúng bị bố mẹ giam lỏng để rảnh tay đi làm.

Những phụ huynh đó, hẳn có người giống hoàn cảnh ông Hòa. Họ không có điều kiện của một bà mẹ sung túc tạm dừng việc để ôm con cho cứng cáp. Họ không có lựa chọn bớt một tay kiếm tiền để dành thời gian đút cháo cho con. Họ thuộc một tầng lớp, mà đổi lấy lần dứt sữa con, trao tay bảo mẫu, để có thể đi làm lo cho từng hộp sữa nó uống. 

Nếu bắt những bà mẹ đó chọn ở nhà ôm con cho an toàn, hay gửi bé ở nhà trẻ để đi làm kiếm thêm, lựa chọn đó hóa thành một đánh đổi phần nhiều ác độc. Miếng ăn không thể thỏa hiệp. Bé không thể đói. Và mẹ phải nắm tay tiễn con ở cổng trường, không biết (hay không đủ can đảm để nghĩ) những điều tàn bạo nào có thể xảy ra sau cánh cửa trường mẫu giáo. 

Nhưng khoan đã, tôi giở lại những bài báo ra đọc, chỉ để thấy rằng số giáo viên mầm non mà TP.HCM còn thiếu đến 11.014 người, riêng giáo viên mầm non ở công lập còn thiếu đến 3.319 người. Vậy những đứa bé ở lớp mẫu giáo Mầm Xanh đã được ai dạy dỗ, chăm sóc?

Con số đó sẽ tiếp tục lý giải cho hàng chục cơ sở mầm non nào đó có thể mọc ra giữa cái thành phố này, đon đả bắt tay những cha mẹ vất vả như ông Hòa, dắt bé vào lớp, và đánh chúng cho đến buổi chiều tan trường.

Nó lý giải vì sao suốt 7 năm trời, từ sau vụ một bảo mẫu ở Biên Hòa xuất hiện trong clip của Đài truyền hình Đồng Nai với những đòn thù tàn bạo với con trẻ, thì giờ đây chúng vẫn xuất hiện y hệt như thế. Những chai nước đánh vào mặt. Tấm vải giằng co quất lên người. Thật nhiều những em bé co rúm ngồi khóc. 

Nếu không ngồi đó, các em sẽ ngồi ở đâu? 

cái thành phố này, ngoài những biểu ngữ xum xuê giăng mắc ngoài phố “Trẻ em là tương lai đất nước”, “Toàn dân đưa trẻ đến trường”,… nó lại lờ đi những đứa trẻ mới được sinh ra, chậm chạp và rề rà chọn lựa những cô giáo đỡ đầu giấc ngủ cho bé. Và thậm chí, số tiền lương của một người sẽ chăm sóc 45-50 đứa bé mỗi ngày, trung bình của thành phố là 2 triệu đồng/tháng. Nếu không ngồi trong những lớp học tối om và liên tục bị tát vào mặt, những em bé đó cũng chẳng có nơi nào để đi cả. 

Cả một thành phố khổng lồ thiếu 11.014 người để làm cô giáo được đào tạo và trông giữ các em. Hệ thống giáo dục đã quay lưng, phớt lờ những đứa trẻ mới ra đời, phớt lờ những kế hoạch lâu dài để có đủ những cô giáo mới muốn làm việc và gắn bó với nghề chăm sóc trẻ.

Thay vào đó, nó dồn lên cổ những giáo viên đã đứng tuổi với 45-50 em/người, nó nhắm mắt làm ngơ cho những kẻ có chút tiền mở rộng căn nhà và thuê bất cứ ai về, gắn biển hiệu “lớp mầm non” và nhét những em bé vào để lấy tiền cha mẹ. 

Chúng ta đang nhốt các em sau song sắt để chúng được an toàn. Song sắt của trường. Song sắt của gia đình. Vậy mà chẳng thể bảo vệ được những thiên thần.

Khải Đơn

“Giữ em” đã bị nhìn nhận như công việc hèn mọn của người lao động vất vả với tiền công rẻ mạt, thay vì được coi trọng như những bậc sư phạm sẽ săn sóc cả thân thể và nhận thức đầu đời của trẻ. Hai đến năm triệu đồng cho một bảo mẫu, đó chỉ là công việc của một công nhân trong một cái xưởng cực kỳ nhỏ và thô sơ.

Đó không phải là biểu hiện của một hệ thống giáo dục muốn những em bé an toàn, có người chăm sóc và có quyền được khỏe mạnh, an toàn. 

Nếu không ngồi trong lớp học mẫu giáo đó - các em sẽ đi đâu? 

Một ngày cuối tháng Tám, tôi đứng trên một cù lao ở miệt An Giang, sau lưng là chừng hai mươi em nhỏ từ 4-10 tuổi chạy theo chơi cùng. Không em nào có bố mẹ ở nhà.

Em ở với ông bà. Em ngủ nhà dì. Em ở với chú. Ba má em bỏ nhau đi làm công nhân nên ông nội nuôi em. Chúng được gửi về quê cho ông bà, họ hàng nuôi, xa cha mẹ từ thuở lọt lòng, để mẹ khóc trong những ngày tăng ca thèm hơi con.

Chúng cũng chính là đứa bé xuất hiện trong báo cáo trẻ em bị xâm hại, mỏng manh, bất lực và trở thành trung tâm của bất cứ sự bất nhân nào xung quanh trỗi dậy. Chúng là thế hệ bị bỏ lại sau lưng. 

bao hanh tre em anh 3
Tác giả Khải Đơn.

Những ngày buồn của tuần này, khi em bé 20 ngày tuổi bị giết vì trò mê tín dị đoan của người thân, cậu nhỏ sáu tuổi chết vì nhát dao của người bảo vệ dân phố và những bảo mẫu tát vào mặt nhiều em bé khóc, tôi tự hỏi chỗ nào dành cho những đứa trẻ? Chúng bị sát hại ngay giữa mái nhà, bị cưỡng hiếp bởi người thân, bị đánh đập bởi ngôi trường.

Và chiều nay, khi đi bộ qua một trường tiểu học, ba đứa bé đứng nhìn tôi qua chấn song cổng trường và tôi chợt hiểu: Chúng ta đang nhốt tất cả các em sau song sắt để chúng được an toàn. Song sắt của trường. Song sắt của gia đình. Song sắt của giờ tập thể dục. Vậy mà vẫn chẳng thể bảo vệ được những thiên thần. 

Toàn bộ hệ thống giáo dục và chăm sóc trẻ chưa bao giờ dành một chỗ nào đủ lớn cho chúng được lớn lên an toàn. Nhưng với những người bố như ông xe ôm tên Hòa, nỗ lực cuối cùng mà ông có thể làm được là kiếm từng đồng còm cõi để con gái đi trường mẫu giáo.

Lạy trời may rủi, bé sẽ được ai đó xót thương thay vì những cái giẻ quật đến bật khóc? 

Khải Đơn (tên thật Phạm Lan Phương) là cây viết quen thuộc trên các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên. Cô là tác giả của những cuốn sách Đừng tháo xuống nụ cười, Sài Gòn - Thị thành hoang dại, Ta có bi quan không, Gập ghềnh tuổi 20.

Các cơ quan bảo vệ trẻ em hoạt động như thế nào? Một trẻ em ở Việt Nam có hơn chục cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ. Tuy nhiên, khi trẻ em bị xâm hại lại không biết gọi ai.

Giáo dục gia đình tràn ngập bạo lực sẽ sinh ra các bảo mẫu ác độc

Nếu giáo dục gia đình tràn ngập bạo lực thì hệ quả sẽ sinh ra những con người ác độc, dùng bạo lực với người khác, đánh trẻ dã man như các cô bảo mẫu.

Khải Đơn

Bạn có thể quan tâm