Ngày 27/11, trang fanpage chính thức của bóng đá Thái Lan có tên Changsuek đã chặn IP đến từ Việt Nam. Vì thế, các tài khoản Facebook ở Việt Nam không thể tìm kiếm và truy cập được trang này.
Khi thay đổi địa chỉ IP sang một số quốc gia khác như Mỹ, Singapore hay Nhật Bản, người viết vẫn có thể truy cập vào trang fanpage bóng đá có hơn 844.000 lượt theo dõi của Thái Lan.
Phía Thái Lan không lên tiếng về lý do chặn IP đến từ Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng cổ động viên Việt Nam quá khích và thường “làm náo động” trên fanpage cũng như trang cá nhân của các cầu thủ Thái Lan.
Chỉ cần thấy cầu thủ đối phương phạm lỗi hay có phát ngôn không hay về đội nhà, nhiều dân mạng lập tức "đấu phím" với cổ động viên Thái Lan. Việc hùa nhau "làm loạn" trên mạng xã hội của cầu thủ đối phương ít nhiều khiến hình ảnh fan Việt trở nên xấu xí.
Tối 8/11, trang chủ CLB Sint-Truidense (STVV) đăng bản danh sách 22 cầu thủ sẽ góp mặt ở trận đấu làm khách của Cercle Brugge tại vòng 15 giải vô địch quốc gia Bỉ. Kịch bản quen thuộc xảy ra khi Nguyễn Công Phượng tiếp tục không được HLV Marc Brys đăng ký thi đấu.
Nhiều tài khoản Việt Nam chúc mừng trên fanpage của STVV dù đội này thua trận. |
Đây là trận thứ 10 liên tiếp, Công Phượng không có tên trong danh sách thi đấu ở đội chính Sint-Truidense. Từ khi gia nhập đội bóng Bỉ, tiền đạo quê Nghệ An mới ra sân vỏn vẹn 20 phút. Lần gần nhất anh được trao cơ hội vào sân vào ngày 3/8.
Chứng kiến Công Phượng tiếp tục không được thi đấu, nhiều người hâm mộ Việt Nam bày tỏ sự phẫn nộ trên fanpage STVV. Một số người kêu gọi anh về nước thi đấu.
“Ở Hà Lan tuy họ không cho Văn Hậu vào đá nhưng cách làm đáng được tôn trọng hơn STVV. Các bạn không xứng đáng STVV. Có thể HLV STVV ghét Công Phượng”, tài khoản Minh Hoàng bình luận.
Sau khi trận đấu kết thúc với chiến thắng 1-0 nghiêng về Cercle Brugge, nhiều fan Việt đã vào Fanpage của STVV và để lại hàng loạt bình luận chúc mừng dù đội này thua cuộc.
Các cổ động viên Việt Nam còn cho rằng do không có sự xuất hiện của Công Phượng nên STVV thua là điều xứng đáng.
Trước đó, tối 19/11, trận đấu Việt Nam - Thái Lan trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 diễn ra đầy kịch tính. Trọng tài bắt chính người Oman Ahmed Al-Kaf có nhiều quyết định gây tranh cãi.
Ít giờ sau khi trận đấu này, rất nhiều tài khoản người Việt ở các trang mạng xã hội truy lùng trang cá nhân của trọng tài Ahmed Al-Kaf. Trang Instagram cá nhân từng được ông Ahmed đăng tải hình ảnh đội nón lá check-in Hồ Gươm đã chuyển sang chế độ riêng tư sau khi hứng chịu làn sóng công kích của cư dân mạng Việt Nam.
Trên Facebook, một tài khoản không được xác minh mang tên trọng tài trận Việt Nam - Thái Lan cũng nhận hàng loạt bình luận khiếm nhã của cư dân mạng Việt.
Bên cạnh một bộ phận dân mạng quá khích, nhiều cổ động viên cũng bình luận khuyên mọi người nên bình tĩnh, không chửi bới, mạt sát các cầu thủ nước bạn, giữ thái độ tôn trọng.
Tuy nhiên, điều này dường như đã trở thành "thói quen" khó bỏ. Tại Việt Nam nói riêng và trong làng thể thao thế giới nói chung, các hành vi phá hoại, ảnh hưởng đến thể thao fair play như đốt pháo sáng, ném đồ vào cầu thủ, ném đá xe bus chở đội bóng... đều bị xử phạt bằng các chế tài.
Tuy nhiên, những hành vi quấy rối trên mạng xã hội rất khó kiểm soát, vẫn chưa có hình thức xử lý nào cụ thể và hiệu quả.