Có một lần xem bức tranh tôi vẽ bà mẹ đang chăm hai đứa con nhỏ, Trang có nói: "Giống hệt cảnh của cháu, khi chồng bỏ đi". Thật ra là có đến vài cô gái hai con nói với tôi như vậy, có người thì tay dắt một đứa bé, tay kia ôm bụng nâng cái đứa nằm bên trong.
Cuộc sống vốn chẳng thơ mộng như văn học nghệ thuật, nên Pautopski có nói ông có cảm giác "những gì nhà văn viết ra có lúc hoàn toàn trái ngược với hoàn cảnh của họ". Văn học vừa là thực tế, vừa vẽ ra mơ ước. Trên cái nền rất nên thơ của văn học, đôi khi người ta quên mất sự thật cấu tạo nên nó không đẹp đẽ và may mắn gì.
Nguyễn Quỳnh Trang là nhà văn thế hệ 8X, một thế hệ rất ầm ĩ không chỉ ở văn học mà cả ở nghệ thuật đương đại, thế hệ hậu chiến, không biết mấy về chiến tranh và thời bao cấp nhọc nhằn, nhưng có những vấn đề riêng của một xã hội bùng nổ về dân số và môi trường, thời Internet, toàn cầu hóa, những thay đổi căn bản về đời sống nhân sinh.
Sách Tìm bến mục mơ. |
Truyện của Trang không có chút dính dáng và liên hệ nào với những nhà văn trong chiến tranh trước đó, đặc biệt ngay cả kết cấu câu chuyện, hệ thống nhân vật và tư duy văn học.
Những nhà văn như Trang có cái nhìn rất khác cha anh - những người không mấy quan tâm đến cảm xúc tính dục, sự va chạm, hay ít nhất không mấy khi diễn đạt nó bằng văn học. Cái libido (ham muốn tình dục) xưa bị đè xuống, dồn nén, cho đến mức mất hẳn đi, không còn gì, chỉ còn lại những suy tưởng tự nhiên và xã hội theo nghĩa rộng, có vẻ như văn học đều mang tinh thần lý tưởng xã hội và không khí chiến tranh, khi cái lý tưởng ấy mờ nhạt và đổ vỡ, văn học lại mang tính hồi tưởng và luyến tiếc quá khứ.
8X chú ý đến đời sống cá nhân, sự quanh quẩn của họ bên đời sống vật chất và thông tin rất chi tiết, và đi qua nó lại mang về cảm giác siêu hình, vì chính họ cũng không hiểu họ đang sống thực tế hay là đi theo thực tế ảo.
Đôi khi chúng ta cũng kinh ngạc về cảm thức của họ, chẳng hạn như cách diễn tả đứa bé trong bụng mẹ, mà không biết nó đang ở trong hay ở ngoài thân thể người đàn bà trẻ, và cô đang nói chuyện với người tình là đàn ông hay đàn bà (một tâm trạng đồng tính?).
Tôi đọc cuốn Tìm bến mục mơ này, tự mình đã chuẩn bị một tâm thế khác, so với việc đọc văn học xưa kia. Ở đây là một loạt truyện ngắn, nhưng hình như nó nối tiếp nhau, như một câu chuyện dài miên man được kể nhiều đoạn, theo cách khác nhau. Chúng không có đầu đuôi, tuyến nhân vật, không giải quyết cái gì cả, hỗn độn cả về tâm lý lẫn cảnh vật.
Nhà văn có thể là nhân vật tôi, hay chính cô nào, anh nào trong đó tự suy diễn về mình, các cảm giác về mình, trộn lẫn kinh nghiệm hàng ngày lẫn kinh nghiệm từ mạng xã hội, mà chính họ không phân biệt ranh giới. Đó là một cách thức văn học rất lạ, mơ hồ, tinh vi và cũng khắc nghiệt.
Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang. |
Các nhà văn trẻ và nghệ sĩ đương đại thường cố gắng gây sốc đối với người xem bằng các thủ pháp nghệ thuật, đôi khi họ cũng phóng đại các cảm giác vốn cũng thông thường. Ở những cuốn sách đầu tay, Quỳnh Trang cũng có những chỗ to tát như vậy, càng ngày càng điềm đạm hơn, nhìn mình trong sự trôi nổi của cuộc sống và giấu đi những lo lắng.
So với chính Trang, cuốn truyện này là một bước tiến lớn, cô đã nói chính xác về thế hệ mình, thân phận mình, bị lôi cuốn và tự níu kéo trở lại tâm thức riêng mình như thế nào.
Cuốn truyện làm cho tôi hiểu hơn nghệ thuật đương đại - thuộc về chuyên môn của tôi hơn (mỹ thuật), vì nó được sinh ra từ tâm trạng chung của những người trẻ trong vòng 30 năm qua. Cách thức của họ thực sự thay đổi cảm quan và ngôn ngữ nghệ thuật, cũng không nhất thiết quan trọng ở việc xác định một tác phẩm hay một nhà văn, nghệ sĩ, mà là cách sống với văn học nghệ thuật bằng cả tâm thân mình.