Công Phượng vẫn là lựa chọn hàng đầu ở U22 Việt Nam trước thềm SEA Games. Ảnh: Quốc Bảo. |
Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng có xu hướng sử dụng các cầu thủ HAGL, vốn giàu kỹ thuật. Điều này rất dễ nhìn ra nếu chiểu theo quân số đội bóng phố núi được triệu tập lên tuyển dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng. Từ cấp độ trẻ đến ĐTQG, ở các trận đấu giao hữu hay chính thức, con số này luôn dao động trên dưới 10 cầu thủ.
Lấy ví dụ gần nhất như đợt tập trung ở Hà Nội chuẩn bị cho Vòng loại U23 châu Á 2018 hiện nay, thành phần đội tuyển U22 Việt Nam sau khi đã bỏ qua tiền vệ Xuân Trường (đang khoác áo Gangwon United), đội bóng của bầu Đức vẫn có tới 8 cầu thủ góp mặt.
Sự ưu ái của Hữu Thắng đối với HAGL còn thể hiện ở việc, trong nhiều thời điểm dù khó xác định được phong độ do phải dự bị thường xuyên, những gương mặt nổi bật nhất của đội bóng phố núi vẫn giành suất lên tuyển. Số này đủ cả 3 cái tên “hot” nhất: Xuân Trường, Tuấn Anh và Công Phượng.
“Đẳng cấp của Xuân Trường đã được khẳng định”, đây là giải thích của ông Thắng cho quyết định của mình. Giới chuyên môn rất dễ để “vặn” ngược lại, là đẳng cấp một cầu thủ và phong độ ở thời điểm được triệu tập là không đồng nhất. Chuyện không hề hiếm khi một cầu thủ xuất sắc, vào thời điểm nào đó lại không có tên ở ĐTQG tại bất kỳ nước nào do vấn đề phong độ. HAGL hẳn nhiên không ngoại lệ.
Người trong cuộc và cả công chúng đều đã nói nhiều tới vai trò của bầu Đức đối với việc Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) thanh lý hợp đồng với HLV Toshiya Miura, mở đường cho HLV Hữu Thắng lên thay. Nhưng nếu nhìn đơn thuần hơn ở góc độ chuyên môn, có thể cho rằng xuất phát bởi định hướng xây dựng lối chơi của đội tuyển Việt Nam, việc Hữu Thắng ưu ái cầu thủ HAGL là chuyện “tất lẽ dĩ ngẫu”.
Cựu trung vệ xứ Nghệ muốn đội tuyển Việt Nam chơi bóng ngắn, phối hợp nhỏ dựa trên nền tảng những cầu thủ kỹ thuật cao. Cầu thủ HAGL đáp ứng được đòi hỏi này. Bằng cách nào để khắc phục điểm yếu về thể lực của Xuân Trường hay Tuấn Anh là vấn đề khác, ông Thắng bắt buộc phải nghĩ tới trong quá trình vận hành.
Công Phượng, sở hữu kỹ thuật, tốc độ và kỹ năng dứt điểm tốt, dĩ nhiên là một phần quan trọng của HAGL, và các đội bóng dưới tay HLV Hữu Thắng.
Vòng loại U23 châu Á sớm được VFF xác định là “bước đệm” của đội tuyển U22 Việt Nam cho SEA Games 29, giải đấu có tính chất đặc biệt quan trọng, với cả Việt Nam và cá nhân HLV Hữu Thắng. Hai tám cầu thủ được triệu tập lần này vì vậy, qua quá trình sàng lọc, cạnh tranh lẫn nhau, những người tốt nhất sẽ có nhiều cơ hội dự SEA Games 29.
HLV Hữu Thắng luôn dành nhiều sự ưu ái cho nhóm cầu thủ HAGL. Ảnh: Thanh Hà. |
Trên hàng tiền đạo, HLV Hữu Thắng triệu tập 4 cầu thủ, gồm: Công Phượng (HAGL), Hà Đức Chinh (Đà Nẵng), Lê Thanh Bình (Thanh Hoá) và Hồ Tuấn Tài (SLNA).
Nhìn qua 4 cái tên kể trên, không khó để thấy Công Phượng là chân sút giàu kinh nghiệm nhất. Đây là một lợi thế lớn, ở một giải đấu nhiều áp lực, cạnh tranh quyết liệt như SEA Games.
Chân sút “con cưng” của bầu Đức kinh qua nhiều giải trẻ trong các năm 2013, 2014, cả trong nước lẫn quốc tế. Công Phượng cũng từng tham dự Vòng loại U23 châu Á 2015, và chơi đặc biệt xuất sắc dưới sự dẫn dắt của HLV Toshiya Miura. Anh kiến tạo cho đồng đội, và tự mình ghi 4 bàn, góp công lớn vào thành tích đoạt vé tới VCK U23 châu Á 2016 của đội tuyển U23 Việt Nam.
Phượng cũng đã thử lửa ở SEA Games 28 (Singapore), và cũng chơi rất nổi bật. So với thời điểm 2 năm trước, tiền đạo HAGL hiện nay ắt trưởng thành hơn nhiều. Ở HAGL, Công Phượng thường xuyên ra sân trong đội hình chính tại V.League.
Giới chuyên môn đã đề cập nhiều tới nhược điểm của Công Phượng: lạm dụng kỹ thuật, dẫn tới quá rườm ra trong các pha xử lý bóng. Nhưng bằng vào những cơ sở kể trên, đặt bên cạnh 3 cái tên còn lại, tiền đạo HAGL vẫn có nhiều lý do để khiến HLV Hữu Thắng “đặt cược” vào mình.
Vấn đề lúc này có lẽ chỉ là, HLV Hữu Thắng sẽ sử dụng Công Phượng như thế nào, để anh phát huy được tối đa những phẩm chất cá nhân xuất sắc. Cho tới lúc này, ông Toshiya Miura là người duy nhất sử dụng Công Phượng một cách hiệu quả nhất.