Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không cà thẻ vẫn mất tiền

Chủ thẻ đang ở TP.HCM bỗng nhiên nhận thông báo có phát sinh giao dịch ở Mỹ, thẻ lại không có chức năng thanh toán qua mạng.

Chỉ trong ba phút, số tiền giao dịch lên đến 2.400 USD với sáu lần cà, phía ngân hàng cho biết đang kiểm tra.

Kể câu chuyện trên của mình, ông Hồ Lê Phong (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết, trong khi đang chờ thủ tục tra soát từ nơi ông sử dụng thẻ là Ngân hàng Quốc tế (VIB), ông được yêu cầu thanh toán số tiền trên, nếu không muốn bị phạt lãi theo quy định.
Nhiều ngân hàng khuyến cáo các chủ thẻ phải luôn giữ thẻ bên người và thường xuyên kiểm tra thông tin trên thẻ. Ảnh: T.T.D.
Nhiều ngân hàng khuyến cáo các chủ thẻ phải luôn giữ thẻ bên người và thường xuyên kiểm tra thông tin trên thẻ. Ảnh: T.T.D
Tin nhắn lúc 3 giờ sáng

Phải thường xuyên kiểm tra thẻ

Hiện nay để tránh bị mất tiền oan, các ngân hàng đều cảnh báo trong quá trình sử dụng thẻ, chủ thẻ cần cất kỹ thẻ tín dụng vào ví cá nhân, không chuyển cho người khác xem, không nhờ người khác giao dịch hộ hoặc cho mượn thẻ vì có thể bị lộ thông tin trên thẻ tín dụng. 

Thường xuyên kiểm tra sự tồn tại của tấm thẻ sau mỗi lần sử dụng hoặc một thời gian dài không sử dụng để có thể phát hiện ngay khi thẻ bị thất lạc và thông báo kịp thời đến ngân hàng để khóa thẻ.

Rạng sáng 20/10, chỉ trong bốn phút khi còn đang ngủ tại nhà mình ở TP.HCM, ông Phong nhận được một loạt tin nhắn SMS báo thẻ của mình có nhiều giao dịch, mỗi lần giá trị khác nhau: 100 USD, 500 USD, 300 USD...

Tổng số tiền hết 2.400 USD, tất cả đều tại một trung tâm thương mại ở Mỹ.

“Lúc đầu tôi nghĩ giao dịch này trên thẻ phụ do vợ tôi đang sử dụng ở Mỹ, nên sau khi nhận tin nhắn, tôi lập tức điện thoại báo trung tâm thẻ của VIB để khóa thẻ này.

Không lâu sau, trung tâm thẻ điện lại thông báo, giao dịch trên được thực hiện trên thẻ của tôi (thẻ chính) và đề nghị sáng 20/10 ra bất kỳ chi nhánh nào của VIB để làm thủ tục tra soát và nộp lại thẻ chính của tôi”, ông Phong kể.

Sáng cùng ngày, ông Phong đến VIB để nộp thẻ chính, nhân viên giao dịch cho biết, có thể thẻ của ông Phong bị đánh cắp thông tin khi giao dịch trên mạng.

Ông Phong khẳng định thẻ không thể giao dịch trên mạng, vì ông đã loại bỏ chức năng này khi đăng ký làm thẻ.

Tiếp nhận trường hợp của ông Phong, ngày 14/11 đại diện VIB xác nhận các giao dịch với tổng trị giá 2.400 USD khách hàng phản ảnh được thực hiện qua máy POS tại điểm thanh toán chấp nhận thẻ ở Mỹ, không phải giao dịch thanh toán trực tuyến.

Vì vậy, VIB đã yêu cầu ngân hàng thanh toán ở Mỹ cấp chứng từ chứng minh các giao dịch này, chậm nhất là ngày 20/11, VIB sẽ nhận được các chứng từ liên quan.

Ông Phong cho biết tháng 6/2014, ông cũng đã có thực hiện giao dịch tại hệ thống cửa hàng này khi đi Mỹ. Tuy nhiên, đại diện VIB cho rằng, để xác định các giao dịch mà ông Phong phản ảnh có phải giả mạo hay không và hướng giải quyết như thế nào phải dựa trên các chứng từ từ ngân hàng thanh toán, và chưa thể đưa ra kết luận trong thời điểm hiện nay.

Thẻ bị đánh cắp thông tin?

Theo đại diện VIB, ngân hàng này cũng thường xuyên kiểm tra các giao dịch của khách hàng, và đưa ra cảnh báo, trong trường hợp phát hiện những giao dịch bất thường hay có nguy cơ bị lộ thông tin.

Đối với ông Phong, vào ngày 24/9, VIB đã phát hiện có nguy cơ bị lộ thông tin và đã cảnh báo trực tiếp đến khách hàng, đồng thời tư vấn khách hàng thực hiện thay thẻ mới (nếu còn nhu cầu sử dụng), hoặc hủy thẻ (nếu không còn nhu cầu sử dụng thẻ) càng sớm càng tốt.

Giám đốc một ngân hàng thương mại có trụ sở ở Q.1, TP.HCM cho biết, trường hợp khách hàng bị mất tiền trong thẻ tín dụng do kẻ gian đánh cắp thông tin trên thẻ để phục vụ những mục đích riêng là không ít. Tuy nhiên quy trình bảo mật, xử lý thông tin trên thẻ tín dụng của mỗi ngân hàng là khác nhau.

Đại diện Ngân hàng Đông Á cho biết, để hạn chế rủi ro cho khách hàng, ngân hàng này có thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để giám sát, phát hiện kịp thời các giao dịch gian lận, hỗ trợ khách hàng hạn chế rủi ro khi sử dụng thẻ.

Nhiều ngân hàng cho biết, khi nhận thấy có giao dịch lạ, tổng đài ngân hàng sẽ liên hệ với chủ thẻ để kiểm tra khách có thực hiện giao dịch đó hay không. Khách cũng được khuyến cáo khi đi nước ngoài cần thông báo với tổng đài để được hỗ trợ.

Theo ông Mai Đình Khang, một chuyên gia thẻ, về nguyên tắc ngân hàng sẽ có đường dây để truy lại các giao dịch. Khi giao dịch phát sinh ở nước ngoài, nếu chủ thẻ khiếu kiện, ngân hàng sẽ phải kiểm tra thông tin từ trung tâm phát hành thẻ, ngân hàng kết nối với máy POS ở nước khách thực hiện giao dịch. Sau khi đối chiếu chứng từ, nếu xác nhận không hợp lệ, khách chứng minh được mình không phải là người thực hiện giao dịch thì ngân hàng sẽ phải trả lại tiền cho khách hàng.

Ông Khang cho biết, trước đây khách chỉ biết giao dịch của mình sau khi hóa đơn gửi về nhà vào cuối tháng, nên việc phát hiện bị đánh cắp rất chậm trễ. Hiện các ngân hàng đều có dịch vụ tin nhắn thông báo ngay khi phát sinh giao dịch nên dễ phát hiện những giao dịch đáng ngờ, thường là giao dịch không do khách hàng thực hiện, giao dịch phát sinh ở nước khác.

Ngoài ra, khách cũng nên đăng ký hạn mức giao dịch tối đa/ngày của thẻ phù hợp với nhu cầu của bản thân.

 

Chị Phan Ngọc Nga, ngụ Q.Bình Thạnh, cho biết trong lần đi Mỹ gần đây, chị sử dụng thẻ visa để mua chiếc máy tính bảng, cà lần thứ nhất giao dịch báo thành công. Tuy nhiên, khi chị muốn mua chiếc thứ hai có cùng giá trị món hàng đó thì không thể thanh toán được.

Do ở nước ngoài, chị không liên lạc được với tổng đài ở VN. Sau khi về khách sạn, kiểm tra email chị nhận được thư từ ngân hàng thông báo kiểm tra về các giao dịch. “Ngân hàng muốn kiểm tra liệu tôi có cà nhầm, và họ ngăn chặn giao dịch thứ hai lặp lại để tránh rủi ro cho khách”, chị Nga kể.

 

 

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20141116/khong-ca-the-van-mat-tien/672353.html

Theo Như Bình / Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm