Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Không ai dám lên tiếng vì đám đông quá hung hãn'

Người dân tại một ngôi làng ở bang Madhya Pradesh, Ấn Độ, công khai hạ nhục một cô bé 16 tuổi vì là nạn nhân bị cưỡng hiếp.

Thiếu nữ Ấn Độ bị một người hàng xóm khống chế, nhét vải vào miệng và cưỡng hiếp. Khi cô bé kể lại câu chuyện cho gia đình, họ đã truy tìm và đánh đập thủ phạm.

Song nạn nhân 16 tuổi cũng bị coi là nỗi xấu hổ của gia đình. Những người họ hàng đã dùng dây thừng để trói cô bé cùng thủ phạm. Cả hai bị bắt diễu hành công khai, trở thành mục tiêu để dân làng ném đá và nhổ nước bọt.

Hôm 28/3, nhiều đoạn video về cuộc diễu hành đã lan truyền trên mạng xã hội. Dư luận cảm thấy bất bình khi vụ việc nêu bật sự đau khổ, bất hạnh của nạn nhân khi bị quấy rối tình dục tại Ấn Độ.

Sự đau khổ của nạn nhân

“Mong rằng những tên tội phạm, ngay cả gia đình nạn nhân, phải trả giá đắt trước công lý vì đã gây ra vết sẹo trong cuộc đời của cô bé 16 tuổi này”, nữ diễn viên Raveena Tandon nêu quan điểm trên Twitter cá nhân.

Một người nông dân trong làng, ông Tilak Ram Bhilela chia sẻ với New York Times rằng ông cảm thấy kinh hoàng khi nhiều người cười cợt và dùng điện thoại ghi hình nạn nhân và kẻ đã cưỡng hiếp cô bé.

Theo ông Bhilela, người dân trong làng đã xếp hàng dài để xem màn diễu hành, một vài người đàn ông còn nhổ nước bọt vào mặt cô bé.

lam nhuc cong khai anh 1

Phụ nữ Ấn Độ biểu tình, cầm ảnh một nạn nhân bị cưỡng hiếp và sát hại. Ảnh: Irish Times.

Ông Bhilela nhớ lại: “Khi thấy họ làm như vậy với cô bé, tôi đã rơi nước mắt”. Ông Bhilela còn quan sát khoảnh khắc nạn nhân quay sang cầu cứu gia đình mình. “Không ai dám lên tiếng vì đám đông quá hung hãn”, ông nói.

Trước áp lực của dư luận, giới lãnh đạo trong làng cho biết họ mới bắt giữ 6 người vì công khai làm nhục nạn nhân. Trong số đó, có anh trai, chú và một người anh em họ của nạn nhân. Phía cảnh sát cũng bắt giữ người hàng xóm bị cô bé tố cáo cưỡng hiếp.

Tại Ấn Độ, tin tức về các vụ tấn công tình dục nhắm vào phụ nữ đã trở nên quen thuộc. Theo một số nghiên cứu, trung bình cứ 15 đến 20 phút mỗi ngày, Ấn Độ lại ghi nhận thêm một vụ cưỡng hiếp.

Song các vụ tấn công, quấy rối ngày càng công khai và nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây. Nhiều nhóm hoạt động vì quyền lợi phụ nữ đã liên tục cảnh báo về tình trạng này, đặc biệt là tư tưởng đổ lỗi cho nạn nhân.

Trong tuần này, Ủy ban Quốc gia Bảo vệ Quyền Trẻ em, một cơ quan thuộc chính phủ, đã chỉ đạo cảnh sát bang Madhya Pradesh gửi báo cáo trong vòng 24 giờ về vụ diễu hành và làm nhục công khai nạn nhân 16 tuổi.

Hôm 31/3, cảnh sát địa phương cho biết họ đang điều tra thêm những người bị nghi là có liên quan đến vụ diễu hành, hay có đánh đập và hành hung cô bé.

Bà Ranjana Kumari, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở thủ đô New Delhi, cho biết bang Madhya Pradesh đã ghi nhận nhiều vụ tấn công tình dục với phụ nữ, có tính nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây.

“Hơn 95% người xem cuộc diễu hành là nam giới”, bà Kumari đề cập đến vụ làm nhục công khai nạn nhân 16 tuổi. “Điều này đã phản ánh xã hội của chúng ta, phản ánh cách chúng ta nhìn nhận tội ác đối với phụ nữ ”.

Tội ác với phụ nữ tại Ấn Độ

Theo các nhà hoạt động vì quyền lợi phụ nữ, nhiều người Ấn Độ, nhất là tại vùng nông thôn, thường coi nạn nhân bị cưỡng hiếp là người mang đầy nỗi ô nhục và không nên kết hôn. Khi muốn lên tiếng tố cáo, nhiều nạn nhân bị gia đình từ bỏ, hoặc bị gây áp lực để giữ im lặng.

Các nhà hoạt động cũng cho biết chỉ số ít thủ phạm trong các vụ hiếp dâm bị chính thức truy tố, dù hàng năm Ấn Độ ghi nhận hàng chục nghìn vụ việc như vậy.

Năm 2019, chính phủ Ấn Độ cung cấp số liệu thống kê cho biết mỗi ngày nước này có trung bình 87 vụ cưỡng hiếp. Song số liệu thực tế vẫn cao hơn nhiều, do hầu hết nạn nhân không dám lên tiếng.

lam nhuc cong khai anh 2

Người dân Ấn Độ biểu tình chống nạn quấy rối tình dục. Ảnh: Wall Street Journal.

Bà Ranjana Kumari cho biết vấn đề này đang trở nên trầm trọng hơn ở nhiều vùng nông thôn. Tại các khu vực này, thành viên trong hội đồng xử lý khiếu nại thường là nam giới.

Bà Kumari, cũng giữ chức giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội, cho biết: “Ở Ấn Độ, việc làm nhục nạn nhân đã trở nên quá phổ biến. Thủ phạm thường nghĩ hắn sẽ thoát tội nếu nhắm vào phụ nữ”.

Năm 2018, một thiếu nữ ở miền Trung Ấn Độ đã bị thiêu sống, sau khi gia đình tiết lộ rằng nhiều người đàn ông đã cưỡng hiếp tập thể cô bé. Cũng vào năm 2018, một bé gái 11 tuổi ở Chennai bị cưỡng hiếp tập thể song dư luận lại đổ lỗi cho mẹ của nạn nhân.

Ngay cả những tòa án cấp cao nhất tại Ấn Độ cũng đưa ra phán quyết mang tính gia trưởng, khiến phụ nữ phải chịu thiệt thòi. Cụ thể, một thẩm phán tối cao đã hỏi thủ phạm cưỡng hiếp rằng hắn có chịu kết hôn với nạn nhân, nhằm kết thúc vụ án hay không.

Sau đó, thẩm phán này bị kêu gọi từ chức. Phán quyết của ông cũng vấp phải làn sóng chỉ trích kịch liệt từ dư luận.

Bài hát chống hiếp dâm của Chile gây sốt khắp thế giới Bài hát về nữ quyền có tên Un Violador en Tu Camino được phụ nữ trên khắp thế giới hô vang phản ánh nạn hiếp dâm và sự bất bình đẳng về giới tính.

Biểu tình nổ ra khắp Bangladesh, phản đối thủ tướng Ấn Độ đến thăm

Bạo lực nổ ra khắp Bangladesh, nhiều tòa nhà trụ sở chính phủ, đền thờ đạo Hindu trở thành mục tiêu tấn công của những người Hồi giáo cực đoan.

Biểu tình ở Bangladesh để phản đối thủ tướng Ấn Độ, 4 người thiệt mạng

Bốn người ủng hộ một nhóm Hồi giáo cực đoan bị bắn chết ở Bangladesh vào ngày 26/3, sau khi bạo động nổ ra để phản đối chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, theo AFP.

Ấn Độ phát hiện biến chủng virus corona 'đột biến kép'

Nhà chức trách Ấn Độ phát hiện một biến chủng virus corona mang theo "đột biến kép" trên hơn 200 mẫu bệnh phẩm, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 ở nước này tăng mạnh trở lại.

Uyên Uyên

Bạn có thể quan tâm