Những ngày đầu tháng 5/2022, anh Nguyễn Thành Nhân (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) có việc phải đến một địa chỉ ở phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM. Trước khi đi, anh cẩn thận lên Google Maps tra địa chỉ. Yên tâm với hướng dẫn tìm đường, anh chạy xe trên đường Tân Kỳ Tân Quý rồi rẽ trái vào đường Gò Xoài, đến ngã ba đường Gò Xoài - đường số 4 (địa chỉ anh cần đến ở đường số 4, phường Bình Hưng Hòa A), anh rẽ trái vào đường số 4.
Đi hàng giờ mới tìm được địa chỉ nhà
Thế nhưng, anh Nhân chạy xe nhiều lần trên con đường này vẫn không thể tìm được nhà... Mãi cho đến gần trưa với nhiều cuộc điện thoại và hỏi thăm nhiều người dân, anh Nhân mới đến được địa chỉ cần tìm.
"Khi đến đây, tôi mới biết ở phường Bình Hưng Hòa A có đến 3 đường số 4 và muốn tìm được đúng địa chỉ thì ngoài việc biết được số nhà, tên đường, phường, quận còn phải biết nhà đó ở khu phố mấy. Việc trùng tên đường đã gây khó khăn và mất thời gian cho người dân khi có việc phải tìm địa chỉ. Nhà nước cần sớm rà soát, quy hoạch tên đường để người dân bớt khổ", anh Nhân nói.
Phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM có 3 đường có tên đường số 4. |
Đường trùng tên không chỉ là nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi tìm địa chỉ mà ngay cả tài xế xe ôm, taxi, những người giao hàng có kinh nghiệm về đường sá cũng có lúc phải chào thua. "Tôi khá rành đường ở TP.HCM nhưng có những lúc cũng "bó tay" vì nhiều con đường trùng tên. Nhiều đơn hàng khi tìm được con đường đã mất 2-3 giờ. Tưởng tìm được rồi, đứng trước cửa nhà, gọi điện thoại và chờ hoài vẫn không có người ra nhận hàng, sau mới biết không đúng địa chỉ do trùng tên đường", anh Nguyễn Văn Hùng, một người giao hàng, cho hay.
Theo khảo sát của phóng viên, không chỉ ở phường Bình Hưng Hòa A có nhiều đường trùng tên mà một tên đường ở TP.HCM còn xuất hiện ở nhiều phường, quận, huyện, TP Thủ Đức. Cụ thể, tên đường Lê Lợi có ở quận 1 và quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn; đường Quang Trung có ở quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức; đường Phan Văn Trị có ở quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận 5; đường Cao Thắng có ở quận 3, quận Phú Nhuận; đường Phan Đình Phùng có ở quận Phú Nhuận, quận Tân Phú... Hay tên đường Lý Thường Kiệt kéo từ quận Tân Bình qua quận 10 và 11 lại còn được đặt ở 2 huyện Gò Vấp, Hóc Môn...
Sớm đổi tên đường
TS Huỳnh Văn Sinh, Học viện Cán bộ TP.HCM, cho hay hiện thành phố có khoảng 300 con đường trùng tên. Việc trùng tên đường có thể là cùng một nhân vật nhưng có tên gọi khác nhau, có thể là một tên đường được sử dụng ở nhiều quận, huyện, TP Thủ Đức.
Có một số nguyên nhân khiến tên đường trùng như do lịch sử để lại. Trước đây, tỉnh Gia Định, TP Sài Gòn, TP Chợ Lớn là 3 đơn vị hành chính khác nhau nên khi thành phố được thành lập dựa trên việc hợp nhất 3 đơn vị này mới phát sinh việc trùng tên đường.
Bên cạnh đó là do tốc độ đô thị hóa nhanh tại TP.HCM. Liên tiếp những khu đô thị mới hình thành, kéo theo sự xuất hiện nhiều khu dân cư mới, nhiều tuyến đường mới theo cách đặt của chủ đầu tư.
"Việc trùng tên đường, tên đường tạm đã gây khó khăn cho người dân trong việc tìm địa chỉ nhà nên thành phố cần đặt lại, thay đổi tên đường bị trùng, tên đường tạm (CN1, D1, D2...), những tên đường nghe lạ tai (đường Kênh Nước Đen, Lò Lu, Cống Lở...), tên đường sai chính tả... Tuy nhiên, việc thay đổi tên đường phải lấy ý kiến người dân, nhà quản lý, nhà khoa học và thực hiện có lộ trình để tránh gây xáo trộn cho người dân", TS Huỳnh Văn Sinh đề xuất.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng địa chỉ nhà không chỉ phục vụ việc quản lý nhà nước mà còn là quan hệ dân sự trong nhân dân. Người dân muốn đến nhà ai phải biết địa chỉ mà địa chỉ không rõ ràng thì rất phiền hà. Vì vậy, các cơ quan chức năng liên quan cần phối hợp và thống nhất trong việc đặt tên đường để tránh trùng lắp. "Nhà nước muốn quản lý người dân, quản lý bất động sản tốt thì địa chỉ nhà, tên đường phải thống nhất, khoa học và không trùng lắp", TS Võ Kim Cương nói.
Trong khi đó, một số chuyên gia đô thị đề xuất nếu trong mỗi quận, huyện, TP Thủ Đức có nhiều con đường trùng tên thì địa phương nên có phương án thay đổi để tránh trùng lắp. Đối với những tên đường đã ăn sâu vào tiềm thức người dân, tên đường là nhân vật lịch sử, văn hóa, anh hùng dân tộc thì cân nhắc khi thay đổi.
Nguyên tắc về đặt tên đường
Thông tư 36 ngày 20/3/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định 91 của Chính phủ quy định:
Nguyên tắc về đặt tên đường, phố và công trình công cộng đối với danh nhân có tên gọi khác nhau (điều 6 của quy chế): Trong lịch sử có một số danh nhân có các tên gọi khác nhau (ví dụ: Nguyễn Huệ, Quang Trung; Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh...), việc đặt tên được thực hiện theo nguyên tắc sau: Không đặt tên đường, phố hoặc công trình công cộng bằng các tên gọi khác nhau của một danh nhân trên cùng một địa bàn đô thị, trừ các trường hợp sau đây: Địa phương là quê hương của danh nhân (ví dụ: TP Vinh có thể đặt tên đường, phố hoặc công trình công cộng bằng tên gọi Nguyễn Sinh Cung, Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Địa phương gắn bó trực tiếp với các mốc lịch sử cụ thể trong cuộc đời hoạt động của danh nhân (ví dụ: TP Quy Nhơn, TP Huế có thể đặt tên đường, phố hoặc công trình công cộng bằng tên gọi Nguyễn Huệ, Quang Trung).
Căn cứ vào ý nghĩa lịch sử, loại đô thị, vị trí, quy mô đường, phố hoặc công trình công cộng lớn hay nhỏ để đặt tên cho tương xứng với tầm vóc của danh nhân...