Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Khối vuông kỳ ảo' của Pháp và ngày bóng đá đẹp chiến thắng

Trong lịch sử túc cầu thế giới, không nhiều lần bóng đá đẹp đi cùng chiến thắng. Chức vô địch EURO 1984 của Pháp thuộc về lần hiếm hoi đó khi bóng đá đẹp mang lại quả ngọt.

Lịch sử bóng đá thế giới không xuất hiện nhiều những bộ tứ cầu thủ xuất sắc. Cổ động viên Manchester United từng mơ về "bộ tứ huyền ảo" Ronaldo - Rooney - Tevez - Berbatov. Tuy nhiên, họ chỉ chơi cùng nhau trong thời gian ngắn và không để lại dấu ấn đậm nét.

Những năm đầu tiên của thế kỷ 21, người Brazil trình làng "bộ tứ siêu đẳng" gồm Ronaldo, Ronaldinho, Kaka và Adriano. Tuy nhiên, bốn cái tên kể trên chưa bao giờ thật sự đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ, mà kỳ World Cup 2006 là dấu chấm cuối cùng buồn nhất, khi Brazil thất bại trước tuyển Pháp của Zinedine Zidane.

Khái niệm về bộ tứ cầu thủ xuất chúng của bóng đá thế giới có lẽ đã dừng lại mãi mãi ở năm 1984, khi những ngôi sao tấn công của người Pháp tạo ra thứ bóng đá cống hiến, đẹp mắt và mang lại chiến quả cuối cùng: Đó là chức vô địch EURO.

tuyen Phap anh 1

Bộ tứ xuất sắc của bóng đá Pháp (từ trái sang) gồm Platini, Tigana, Giresse và Fernandez. Ảnh: Getty.

"Khối vuông kỳ ảo"

Michel Platini, Luis Fernandez, Jean Tigana và Alain Giresse được mệnh danh là "bộ tứ ma thuật" hay "khối vuông kỳ ảo" của bóng đá thế giới.

Những năm 80 của thế kỷ trước, người Pháp sở hữu một đội hình tài năng, nhưng điều đặc biệt là họ luôn phối hợp ăn ý với nhau trên sân cỏ để đưa đội tuyển của mình chiến thắng. Trong một lần cao hứng, "khối vuông kỳ ảo” của tuyển Pháp thậm chí từng tuyên bố ngay cả khi nhắm mắt họ cũng có thể chuyền bóng chính xác cho nhau.

Khi Michel Hidalgo, HLV huyền thoại của bóng đá Pháp, qua đời ở tuổi 87, người đã nói nhiều về "khối vuông kỳ ảo" của ông. Cả sự nghiệp HLV, Hidalgo chỉ giành được 1 danh hiệu lớn là EURO 1984. Tuy nhiên, tên tuổi của ông sẽ luôn được bóng đá thế giới ghi nhớ với tư cách HLV đã vô địch bằng thứ bóng đá mỹ miều nhất lịch sử.

Và với người Pháp, khối vuông kỳ ảo gồm Platini - Fernandez- Tigana - Giresse sẽ mãi là bộ tứ xuất chúng nhất trong lịch sử.

Ngày 29/2/1984, tại sân Parc des Princes, tuyển Pháp đấu giao hữu với tuyển Anh. "Những chú gà trống Gaulois" muốn vượt qua bóng ma ám ảnh trên đất Tây Ban Nha vài năm trước. Lần đầu tiên trong lịch sử, người Pháp có 4 cầu thủ ma thuật ở hàng tiền vệ để làm điều đó.

Platini và Giresse là hai "số 10" cổ điển của bóng đá Pháp, Jean Tigana - một người da màu - sở hữu nguồn năng lượng và lối chơi ngẫu hứng mang hơi hướm châu Phi ở vị trí tiền vệ con thoi, chịu trách nhiệm phòng ngự và dọn dẹp cho bộ tứ là Luis Fernandez, một tiền vệ phòng ngự thường xuyên ghi bàn cho PSG ngày đó.

Dưới sự chứng kiến của hơn 45.000 khán giả, Pháp vùi dập "Tam sư" khi Platini làm lu mờ Bryan Robson ở khu trung tuyến. Tiền vệ người Pháp ghi cả hai bàn thắng sau những pha ban bật và phối hợp "như có mắt đằng sau" với ba cái tên khác ở hàng tiền vệ.

Người Anh không tin nổi vào mắt mình. Khái niệm "khối vuông kỳ ảo" chính thức ra đời kể từ ngày đó.

tuyen Phap anh 2

Giresse, số 10 xuất chúng của tuyển Pháp trong trận chung kết EURO 1984 gặp Tây Ban Nha. Ảnh: Getty.

Thiên nga trỗi dậy từ tro tàn

Mùa hè năm 1982, người Pháp vào tới bán kết World Cup Espana cũng với bốn cầu thủ tuyệt vời là Platini - Fernandez - Giresse - Tigana. Tuy nhiên, đã không có đoạn kết có hậu cho thứ bóng đá mỹ miều của người Pháp.

Trong trận bán kết kinh điển của lịch sử bóng đá thế giới, "Les Bleus" bị Tây Đức loại trên chấm luân lưu. "Đó là nỗi cay đắng", Platini hồi tưởng. Người Pháp đã dẫn đối thủ đến 3-1 trong hiệp phụ, nhưng rồi vẫn để thua 4-5 trên chấm 11 m. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử World Cup, hai đội phải giải quyết thắng - thua bằng loạt sút luân lưu 11 m.

Cũng trong kỳ World Cup đó, tuyển Brazil của Socrates, Falcao, Zico cũng gục ngã. Đó là đội Brazil từng được nhiều CĐV coi là chơi thứ bóng đẹp nhất trong lịch sử.

Rất nhiều người hâm mộ xứ sở Samba cho rằng Brazil 1982 là "Selecao" đáng xem nhất kể từ sau năm 1970, trên cả đội hình đã vô địch World Cup 1994 và 2002. Lý do rất đơn giản: Selecao 1994 và 2002 chơi quá thiên về phòng ngự chứ không thi đấu phóng khoáng, quyến rũ đến mê ly như đội bóng của năm 1982 do Socrates làm thủ quân.

Espana 82 đã chứng kiến cái chết của "hai con thiên nga", cái chết của thứ bóng đá đẹp trước sự thực dụng và lỳ lợm.

Người Pháp đã mang nỗi uất hận ấy đến 2 năm sau, trong kỳ EURO được tổ chức trên sân nhà. Dưới bàn tay của Hidalgo, người Pháp vẫn không từ bỏ bóng đá đẹp. "Tôi luôn thích sơ đồ 4-3-3 nhưng khi bạn không có 3 tiền đạo giỏi có thể chơi ở hai cánh và trung tâm, ban phải thay đổi. Tôi có 4 tiền vệ xuất sắc và họ sẽ chơi tấn công", Hidalgo nói.

Platini từng gọi Hidalgo là người mơ mộng. "Ông ấy đã tạo ra tập thể chơi thứ bóng đá tự do và đẹp đẽ, giống như cách ông ấy luôn mơ về điều đó", Platini nói.

Hidalgo khẳng định rằng mấu chốt chính trong lối chơi của tuyển Pháp khi đó là "kỹ thuật" chứ không phải "tốc độ hay sức mạnh". Khi người Pháp có những "số 10" hào hoa như Platini hay Giresse, họ cần được chơi bóng đúng nghĩa.

Người Pháp gần như thống trị EURO 1984 với 5 trận toàn thắng. Platini và các đồng đội đã tạo nên một trong những giải đấu hay nhất lịch sử EURO. Họ tạo ra màn rượt đuổi tỷ số nghẹt thở kéo dài 120 phút với Bồ Đào Nha ở bán kết, rồi sau đó cuốn phăng Tây Ban Nha ở chung kết.

Tuyển Pháp cuối cùng có danh hiệu bóng đá lớn đầu tiên cho mình. Cho dù, chính những người Pháp là người đã khai sinh ra các giải bóng đá danh giá nhất thế giới, từ World Cup đến EURO và cúp C1.

tuyen Phap anh 3

Tuyển Pháp vô địch EURO 1984 bằng thứ bóng đá đẹp với HLV Hidalgo và Platini. Ảnh: Getty.

Ngày bóng đá đẹp chiến thắng

Với 9 bàn thắng chỉ trong 5 trận đấu năm đó, Platini đi vào lịch sử bóng đá châu Âu khi trở thành chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất trong một kỳ EURO 1984. Cho tới bây giờ, chỉ có Cristiano Ronaldo bắt kịp thành tích ghi bàn ở EURO của Platini. Thế nhưng, chân sút người Bồ Đào Nha ghi được 9 bàn sau 4 kỳ EURO và 21 trận đấu.

"Chúng tôi đã chơi bóng với những đôi mắt nhắm", Fernandez mô tả về khối vuông kỳ ảo của tuyển Pháp năm đó. "Tôi là lính gác, người giữ vị trí và thu hồi bóng, chống lại các cuộc tán công của đối thủ. Tigana luôn hướng về phía trước, qua người và tham gia hỗ trợ tấn công. Giresse với kỹ thuật, trí thông mình là người tổ chức trận đấu. Và Platini, một tài năng xuất chúng, một số 10 nhưng ghi bàn nhiều như một số 9".

Bóng đá với Fernandez khi đó là niềm vui. Anh cùng 3 đồng đội hợp nhau từ sân bóng đến ngoài đời. Họ cười cùng nhau, chơi bài cùng nhau, chia sẻ cùng nhau mọi thứ. "Điều quan trọng là chúng tôi luôn vui vẻ khi thi đấu", Fernandez nói.

Một điều khác khiến "khối vuông kỳ ảo" này trở nên nổi bật, còn là sự linh hoạt trong lối chơi của 4 cầu thủ. Ai cũng có thể sáng tạo khi cần. HLV Hidalgo bảo rằng ông luôn nói với họ nghĩ về những ý tưởng. "Là một cầu thủ hay HLV, bóng đá với tôi phải đẹp như một bài thơ", ông nói.

Những đường chuyền trực diện và đầy bất ngờ của Tigana trong trận chung kết với Tây Ban Nha nói lên điều đó.

"Hidalgo, khối vuông kỳ ảo và chức vô địch EURO 1984 mãi là chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Pháp", huyền thoại Jean-Marc Furlan nói. "Chúng tôi đã chiến thắng mà không phản bội lại triết lý bóng đá đẹp của mình. Chúng tôi đã chơi thứ bóng đá hào hoa của người Pháp, và chiến thắng".

Năm 1982, thất bại của tuyển Pháp ở World Cup từng được nhà báo Pierre-Louis Basse gọi như một "bi kịch Hy Lạp cổ đại", khi tập thể chơi thứ bóng đá mỹ miều đã thất bại trước sự lạnh lùng của người Đức. Hai năm sau, người Pháp chứng minh cho cả thế giới thấy, bóng đá đẹp vẫn có thể chiến thắng.

'Khối vuông huyền ảo' của bóng đá Pháp Michel Platini, Jean Tigana, Alain Giresse và Luis Fernandez là hàng tiền vệ hoàn hảo một thời, giúp "Les Bleus" vô địch EURO lần đầu tiên trong lịch sử vào hè 1984.

Vĩnh biệt vị HLV lãng mạn nhất của bóng đá Pháp

Michel Platini từng gọi Hidalgo là người mơ mộng. "Ông ấy đã tạo ra tập thể chơi thứ bóng đá tự do và đẹp đẽ, giống như cách ông ấy luôn mơ về điều đó", Platini nói.

Hồng An

Bạn có thể quan tâm