Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố một đoạn video ngắn cho thấy tác động toàn cầu của khói được tạo ra từ các vụ cháy rừng gần đây ở Australia. Mỗi màu sắc đại diện cho một sol khí khác nhau.
Aerosol hay các sol khí, là những vi hạt lơ lửng trong không khí ở dạng keo có kích thước lớn hơn 0,2 micromet (sương mù là một ví dụ cho aerosol). Chúng thường có tác hại cho sức khỏe con người nhiều hơn là có lợi.
Theo NASA, bên cạnh các vụ cháy rừng ở Australia, cơn bão Dorian hay một số đám cháy lớn tại Indonesia và Nam Mỹ cũng là nguyên nhân tạo ra hiện tượng trên. Các màu sắc được sử dụng trong video gồm màu cam đại diện cho bụi, màn xanh là muối biển, hồng là nitrat và đỏ là carbon. Màu sắc đậm hơn cũng thể hiện lượng aerosol lớn hơn tại khu vực đó.
Đoạn video của NASA cho thấy khói từ các vụ cháy rừng ở Australia đã lan rộng ra khắp thế giới. Khói đã xâm nhập vào tầng đối lưu và tầng bình lưu.
Theo Slashgear, dù đã bị lan rộng ra nhiều nơi nhưng lượng khói chủ yếu vẫn tập trung ở khu vực Nam Mỹ và trải dài khắp Thái Bình Dương. Nhiều nơi tại Australia cũng có chất lượng không khí cực kỳ kém do khói bụi và các loại khí khác từ cháy rừng.
Cháy rừng tại Australia đã bắt đầu từ tháng 9 và liên tục kéo dài. Các đám cháy hiện đã thiêu rụi hơn 56.000 km vuông đất, khiến hàng nghìn người phải sơ tán và ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Phạm vi diễn ra cháy rừng cũng rất lớn. New South Wales đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 trong vài tháng gần đây. Hai lần trước là vào tháng 11 và tháng 12/2019, mỗi lần kéo dài 7 ngày. Ngày 2/1, hàng nghìn người đã phải sơ tán khỏi bờ biển phía nam của bang New South Wales.