"Theo tôi, hộ chiếu vaccine là giải pháp cần thiết để cứu sống ngành du lịch", ông Nguyễn Như Nam, Giám đốc điều hành Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch TP Đà Nẵng, khẳng định sau khi đọc đề xuất nối lại đường bay quốc tế của Cục Hàng không Việt Nam.
Nhưng đối với các hãng hàng không, bay thương mại đón khách quốc tế là câu chuyện rất khác so với bay giải cứu công dân. Nếu giá vé quá đắt và trải nghiệm không hấp dẫn, khách du lịch sẽ gác nhu cầu "xê dịch" lại.
Dễ cho người hồi hương, khó cho khách du lịch
Ngoài các chuyến bay giải cứu công dân, các hãng hàng không Việt Nam được Chính phủ cho thực hiện một số chuyến bay thương mại đưa chuyên gia, nhà ngoại giao nước ngoài nhập cảnh. Có những tập đoàn thuê riêng một chuyến bay để chở vài chục người sang làm việc.
Tuy nhiên, các chuyến bay thường lệ đưa khách du lịch đến Việt Nam vẫn chưa được khôi phục. Quy trình không đơn giản như chỉ cần tiêm vaccine Covid-19 là có thể được miễn cách ly. Nhà chức trách đang đánh giá hiệu quả của hộ chiếu vaccine và cơ chế công nhận lẫn nhau giữa từng quốc gia.
Hai du khách nước ngoài dạo phố cổ Hà Nội vào ngày 15/3/2020. Mười ngày sau, Việt Nam dừng toàn bộ đường bay quốc tế thường lệ để chống dịch Covid-19. Ảnh: Phương Lâm. |
Trao đổi với Zing, lãnh đạo một hãng hàng không cho rằng quy định cách ly vẫn là rào cản lớn nhất ngăn khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch.
"Phải cách ly, dù tập trung hay tại nơi cư trú thì đều khó hấp dẫn được khách du lịch. Không thể bắt họ tự cách ly trong nhà 1-2 tuần. Chỉ khách công vụ, khách thăm thân thì mới chấp nhận như vậy", ông nhận định.
Thời tiết nắng lên, chuẩn bị bước vào dịp cao điểm du lịch hè, bộ phận nghiên cứu thị trường của các hãng hàng không đang tích cực làm việc. Đối với thị trường du lịch Đông Nam Á, các điểm đến của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia, Singapore... nơi nào có giá cả phải chăng và chính sách nhập cảnh thông thoáng sẽ có lợi thế trong thu hút du khách.
"Không chỉ các hãng hàng không, các doanh nghiệp du lịch cũng đang theo dõi sát đề xuất của Trung ương về việc mở lại đường bay", ông Nguyễn Như Nam, Giám đốc điều hành Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch TP Đà Nẵng, cho biết.
Đối với Đà Nẵng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Khi chưa có dịch bệnh, cơ cấu khách quốc tế vượt trội hơn khách nội địa cả về số lượng lẫn sức chi tiêu (xuất khẩu tại chỗ). Hiện nay, khách quốc tế không còn, khách nội địa thì bị cạnh tranh với nhiều điểm đến khác.
Trong các đường bay đến Đà Nẵng, tấp nập nhất vẫn là chặng bay từ Hà Nội và TP.HCM. So với thời điểm chưa có dịch, lãnh đạo Quỹ Xúc tiến du lịch cho biết số chuyến bay nội địa đến Đà Nẵng mới mở lại được khoảng 50%.
Theo ông Nam, bên cạnh yêu cầu cách ly, chi phí xét nghiệm và tiêm chủng cũng là một rào cản lớn ngăn khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch. Chi phí xét nghiệm ở một số nước không hề rẻ. Như tại Nhật Bản, mỗi lần xét nghiệm có thể mất tới 10 triệu đồng.
Để được tiêm vaccine cũng là một vấn đề. Nhu cầu "xê dịch" thường tập trung cao ở nhóm người trẻ tuổi và khỏe mạnh, trong khi họ thường bị xếp cuối trong danh sách ưu tiên tiêm chủng ở các quốc gia.
"Các nước có thể xem xét hỗ trợ khách du lịch một phần chi phí xét nghiệm, tiêm chủng... Tuy nhiên tại Việt Nam, với nguồn ngân sách dành cho xúc tiến du lịch chưa lớn thì rất khó hỗ trợ du khách", ông Nam nói.
Khe cửa hẹp từ du lịch sân golf
Qua nghiên cứu, một nhóm khách du lịch đặc biệt có thể chấp nhận cách ly sau khi đến Việt Nam. Đó là du khách chơi golf.
Sau khi xuống máy bay, nhóm khách này sẽ được đưa thẳng đến khách sạn có sân golf và các tổ hợp giải trí khép kín, không tiếp xúc với bên ngoài. Khách có thể ở đó 1-2 tuần để nghỉ dưỡng mà không cảm thấy như đang bị cách ly. Đây là cách làm đã được áp dụng ở Thái Lan và rất thành công.
"Vì khách có nhu cầu nên tôi cho rằng khi triển khai sẽ khả thi. Tuy nhiên, ý tưởng này vẫn cần nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước", ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways, nhận định.
Khách Tây còn xuất hiện tại các điểm du lịch của Việt Nam chủ yếu là những người đã ở Việt Nam từ trước khi bùng dịch. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn. |
Từ vị trí của một tổ chức xúc tiến du lịch cho TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Như Nam cũng cho rằng điểm đến này sẽ thỏa mãn được nhu cầu "du lịch sân golf" của khách nước ngoài. Hiện nay, nguồn khách du lịch từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Nga vẫn sẵn sàng đến Đà Nẵng. Họ muốn đi để giải tỏa nhu cầu bị dồn nén lại sau thời gian dài dịch bệnh.
"Trong trường hợp phải cách ly tại nơi cư trú 7-14 ngày như phương án của Cục Hàng không, nhiều khách Hàn Quốc vẫn sẽ chấp nhận. Họ sẽ chọn những khu nghỉ dưỡng có sân golf, quán bar và các hoạt động giải trí trọn gói để vừa cách ly, vừa nghỉ dưỡng", ông Nam chia sẻ.
Vấn đề đặt ra là nguồn khách dạng này sẽ không lớn, không chắc đủ lợi nhuận để duy trì một đường bay. Về phía các hãng hàng không, một chuyến bay thường phải đạt tỷ lệ lấp đầy ghế tối thiểu 60% thì mới khả thi về mặt lợi nhuận.
Ngoài ra, thế mạnh của du lịch Việt Nam vẫn là các danh lam thắng cảnh và văn hóa truyền thống - những trải nghiệm khó thực hiện được nếu bị cách ly. Loại hình du lịch khép kín với khách sạn và sân golf sẽ đáp ứng được yêu cầu cách ly của du khách nhưng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với nhiều quốc gia đã làm rất tốt mô hình này.
"Hiện, nhiều quốc gia trong khu vực đang nghiên cứu giải pháp hộ chiếu vaccine để khôi phục ngành du lịch. Nếu Việt Nam chậm hơn các nước thì sẽ là một sự thiệt thòi. Khách du lịch sẽ chọn các điểm đến khác dễ hơn", ông Nguyễn Như Nam nhận định.
Giữa tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt phương án triển khai áp dụng hộ chiếu vaccine cho người nhập cảnh.
Đến cuối tháng, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất lộ trình áp dụng hộ chiếu vaccine cho việc mở lại các đường bay quốc tế. Theo đó, dự kiến đến tháng 9, khách nhập cảnh vào Việt Nam sẽ không phải cách ly tập trung nếu có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và có giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 được Việt Nam công nhận. Tuy nhiên, du khách vẫn phải cách ly tại nơi cư trú 7-14 ngày.
Bình luận