Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Liên minh sản xuất chip Texas, California với châu Á

Singapore, Hong Kong, Malaysia, Đài Loan dần tham gia và chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Mỹ. Từ đó, cơ cấu nền kinh tế tại các nước này đã dần thay đổi.

Không phải chỉ riêng Đài Loan nghĩ rằng các chuỗi cung ứng chất bán dẫn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố ổn định chính trị. Năm 1973, nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu của Singapore nói với Tổng thống Mỹ Richard Nixon rằng ông đang dựa vào xuất khẩu để "giảm thiểu tình trạng thất nghiệp" ở Singapore. Với sự hỗ trợ của chính phủ Singapore, TI và National Semiconductor đã xây dựng các cơ sở lắp ráp tại quốc gia nhỏ bé này. Nhiều nhà sản xuất chip khác cũng đã làm theo.

Vào cuối thập niên 70, hàng chục nghìn công nhân quốc tế, chủ yếu là ở Hàn Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á. Một liên minh quốc tế mới đã xuất hiện giữa các nhà sản xuất chip Texas và California, các nhà lãnh đạo chuyên quyền châu Á, và những công nhân thường là người gốc Hoa đang làm việc cho các cơ sở lắp ráp chất bán dẫn ở châu Á.

chip ban dan anh 1

Một sông nhân Singapore làm việc trong nhà máy sản xuất chip. Ảnh: asiatimes.

Ngành công nghiệp bán dẫn đã tái cấu trúc nền kinh tế và chính trị tại các quốc gia bằng hữu của Mỹ trong khu vực. Những thành phố từng là nơi nuôi dưỡng chủ nghĩa cực đoan chính trị đã biến chuyển bởi những công nhân dây chuyền lắp ráp siêng năng, sẵn lòng đánh đổi tình trạng thất nghiệp hay hình thức canh tác tự cung tự cấp lấy công việc được trả lương cao hơn trong các nhà máy.

Vào đầu thập niên 1980, ngành công nghiệp điện tử chiếm 7% GNP của Singapore và một phần tư số việc làm trong lĩnh vực sản xuất của nước này. Trong lĩnh vực sản xuất điện tử, 60% sản phẩm là thiết bị bán dẫn và còn lại phần lớn là hàng hóa không thể hoạt động nếu không có chất bán dẫn.

Ở Hong Kong, sản xuất đồ điện tử tạo ra nhiều việc làm hơn bất kỳ lĩnh vực nào ngoại trừ dệt may. Tại Malaysia, sản xuất chất bán dẫn bùng nổ ở Penang, Kuala Lumpur và Melaka, các công việc sản xuất mới mang đến việc làm cho phần lớn lao động trong số 15% người lao động Malaysia rời bỏ trang trại và chuyển bỏ trang trại và chuyển đến các thành phố giai đoạn từ năm 1970 đến 1980.

Những đợt di cư lớn như vậy thường gây bất ổn chính trị, nhưng Malaysia vẫn giữ được tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp do có nhiều việc làm trong lĩnh vực lắp ráp thiết bị điện tử được trả lương tương đối cao.

Bản đồ các cơ sở lắp ráp chất bán dẫn trải dài từ Hàn Quốc đến Đài Loan, Singapore đến Philippines, nhìn rất giống bản đồ các căn cứ quân sự của Mỹ trên khắp châu Á.

Vào cuối thập niên 1970, thay vì ngả theo phe đối lập chính trị như trong trò domino, các đồng minh của Mỹ ở châu Á thậm chí còn hội nhập sâu hơn với Mỹ.

Năm 1977, Mark Shepherd (Giám đốc điều hành TI - Texas Instruments) trở lại Đài Loan và gặp lại Lý Quốc Đỉnh (lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Tài chính của Đài Loan), sau gần một thập niên kể từ cuộc gặp gỡ đầu tiên. Đài Loan vẫn phải đối mặt với nguy cơ xung đột với Trung Quốc, nhưng Shepherd nói với Lý, "Chúng tôi xem rủi ro này là thứ sẽ được bù đắp bởi sức mạnh và sự năng động của nền kinh tế Đài Loan. TI sẽ ở lại và tiếp tục phát triển tại Đài Loan," ông hứa hẹn.

Hiện nay, công ty vẫn còn các cơ sở trên hòn đảo này. Và Đài Loan đã trở thành đối tác không thể thay thế của thung lũng Silicon.

Chris Miller/NXB Thế Giới & Nhã Nam

SÁCH HAY