Thị trường lao dốc bất chấp bối cảnh kinh tế vĩ mô đang được cải thiện. Ảnh: Nam Khánh. |
Trong khi chứng khoán Mỹ thăng hoa với các chỉ số lập kỷ lục mới, thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngày 17/7 lại có diễn biến trái ngược.
Sắc đỏ chiếm phần lớn bảng điện tử và lan tỏa ra nhiều nhóm ngành khác nhau, nặng nề nhất là sản xuất, vận tải, công nghệ và bất động sản. Đối trọng duy nhất ngăn cản VN-Index trượt xa khỏi vùng tham chiếu là nhóm ngân hàng, nơi các mã chứng khoán đều có biên độ tăng ấn tượng.
Tuy nhiên, thế giằng co chỉ duy trì đến giữa phiên chiều. Trước khi bước vào phiên ATC, áp lực bán tháo bất ngờ tăng đột biến khiến chỉ số có thời điểm giảm hơn 20 điểm. Dòng tiền bắt đáy nhân cơ hội nhập cuộc, song không thể cứu VN-Index thoát một phiên giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 6.
Kết phiên, VN-Index giảm 12,52 điểm (-0,98%) xuống 1.268,66 điểm; HNX-Index giảm 4,01 điểm (-1,64%) xuống 240,9 điểm; UPCoM-Index giảm 0,98 điểm (-1%) xuống 97,27 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường được đẩy lên mức cao nhất trong gần 1 tháng qua, đạt 33.500 tỷ đồng. Tổng cộng 3 sàn ghi nhận 664 mã giảm (gồm 37 mã giảm sàn), 751 mã giữ tham chiếu và chỉ có 190 mã tăng giá (gồm 14 mã tăng trần).
Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ khi ghi nhận 17 mã giảm (gồm GVR và POW giảm kịch biên độ), 4 mã đứng giá và 9 mã tăng.
Nhóm cổ phiếu bảo vệ chỉ số hôm nay đều thuộc ngành ngân hàng. Với mức tăng cao nhất VN30, cổ phiếu TCB (+4,4%) dẫn đầu các mã cùng ngành gồm MBB (+4%), BID (+1,8%), CTG (+1,5%), ACB (+1,7%), HDB (+1,8%), LPB (+1,3%), STB (+1,7%), NAB (+5,9%), VIB (+1,4%).
Ở chiều ngược lại, GVR cùng loạt cổ phiếu trụ gồm HVN (giảm sàn), MSN (-3%), FPT (-1,6%), VHM (-1,6%), PLX (-4,5%), SAB (-3,2%), POW (kịch sàn), VIC (-1,1%), HPG (-0,9%) đóng góp hơn 8 điểm giảm vào chỉ số chung.
VN-Index bị bán mạnh trong phiên 17/7. Ảnh: TradingView. |
Về góc độ nhóm ngành, trừ ngân hàng, sắc đỏ đều phủ kín bảng điện tử. Các cổ phiếu tài chính đầu ngành như SSI (-0,7%), VND (-3,4%), VCI (-2%), HCM (-2,2%), SHS (-1,7%), FTS (-4,7%), PVI (-0,7%), BIC (-1,3%), VNR (-1,5%) cũng không phải ngoại lệ.
Cổ phiếu công nghệ với FPT (-1,5%), CTR (-2,5%), CMG (-6,3%) cũng bị nhà đầu tư rút tiền để phòng thủ. Diễn biến này tương tự với nhóm ngành tăng "nóng" thời gian qua là bán lẻ, điển hình như MWG (-0,9%), PNJ (-1,2%), FRT (-0,9%).
Cổ phiếu nhựa và hóa chất là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất phiên, các mã đầu ngành như DCM (-5,3%), DPM (-5%), PHR (-5,5%), NTP (-2,3%) đều giảm gần sàn.
Cổ phiếu HVN có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp và rơi về mốc 29.100 đồng/cổ phiếu, thấp nhất kể từ giữa tháng 6. Trên thực tế, kể từ đầu tháng 7, cổ phiếu của Vietnam Airlines liên tục có dấu hiệu điều chỉnh sau khi duy trì ở vùng quá cao suốt 2 tháng.
Các mã vận tải biển không thoát khỏi phạm vi ảnh hưởng chung của thị trường dù giá cước vận tải biển vẫn duy trì mức cao, điển hình PVT (-4,6%), HAH (-4,1%), VSC (-5,5%), VOS (kịch sàn).
Điểm sáng hiếm hoi trong phiên 17/7 là động thái giải ngân bắt đáy của khối ngoại với quy mô gần 500 tỷ đồng. Dòng tiền tập trung chủ yếu tại các mã trụ đang có định giá hấp dẫn như MWG (+162 tỷ đồng), VCB (+137 tỷ đồng), FPT (+111 tỷ đồng), TCB (+101 tỷ đồng).
Trái ngược, khối ngoại vẫn chốt lời MSN 104 tỷ đồng, bán VHM (-44 tỷ đồng), VND (-41 tỷ đồng).
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.