Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một tuần giao dịch giằng co với các nhịp tăng giảm mạnh xen kẽ, tâm lý thận trọng bao trùm trước những căng thẳng địa chính trị và chính sách lãi suất trên thế giới.
VN-Index ngay đầu tuần đã đột ngột giảm gần 30 điểm trước đà bán tháo của cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên chỉ số sau đó đã lấy lại đà tăng để vượt ngưỡng quan trọng 1.500 điểm.
Tính chung cả tuần VN-Index tăng nhẹ 3,13 điểm (0,21%) lên gần 1.505 điểm, trong khi HNX-Index tích cực hơn với mức tăng 2,04% đạt mức 435,6 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp khi tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng. Giá trị giao dịch bình quân trên sàn HoSE đạt gần 21.326 tỷ đồng/phiên và sàn HNX quanh mức 1.979 tỷ đồng/phiên.
GIÁ TRỊ KHỐI NGOẠI MUA RÒNG LŨY KẾ TUẦN 14-18/2 | ||||||
Nhãn | 14/2 | 15/2 | 16/2 | 17/2 | 18/2 | |
Mua/Bán ròng | Tỷ đồng | -276 | 727 | 678 | 1479 | 1544 |
Tuy nhiên, điểm nhấn của thị trường là khối ngoại đã giao dịch tích cực hơn khi mua ròng trở lại 1.544 tỷ đồng (tuần trước đó nước ngoài vẫn còn bán ròng 915 tỷ đồng).
Cụ thể, dòng vốn này vào 175 triệu cổ phiếu có giá trị 8.383 tỷ đồng và bán ra 151 triệu cổ phiếu với trị giá 6.839 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 23,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 1.544 tỷ đồng.
Riêng sàn HoSE, khối ngoại mua ròng 3/5 phiên với giá trị lớn áp đảo 2 phiên bán ròng. Tổng giá trị mua ròng cả tuần đạt 1.552 tỷ đồng hay 24,2 triệu cổ phiếu.
Trong đó, MSN của Masan Group là tâm điểm gom hàng của nước ngoại với giá trị mua ròng đạt 304 tỷ đồng. Động thái này góp phần đưa cổ phiếu bluechip này tăng giá tích cực 9% lên 163.300 đồng và là mã có tác động tích cực nhất lên VN-Index.
Các mã được mua ròng giá trị lớn tiếp theo là KBC của Đô thị Kinh Bắc, GAS của PV Gas và STB của Sacombank đều đạt giá trị trên 200 tỷ đồng.
Trong khi đó HPG của Hòa Phát bị nước ngoài xả mạnh nhất với giá trị rút ròng 249 tỷ đồng. Đại diện ngành ngân hàng là HDB của HDBank bị bán ròng 235 tỷ đồng, tiếp đến là VIC của Vingroup (-199 tỷ) và VNM của Vinamilk (-101 tỷ).
TOP CỔ PHIẾU ĐƯỢC KHỐI NGOẠI MUA/BÁN RÒNG LỚN NHẤT | |||||||||||||||||||||
Nhãn | MSN | KBC | GAS | STB | GMD | DXG | VHM | SAB | GEX | PNJ | DIG | FRT | DPM | TNG | DCM | VRE | VNM | VIC | HDB | HPG | |
Mua/Bán ròng | Tỷ đồng | 304 | 238 | 237 | 236 | 196 | 174 | 138 | 113 | 107 | 103 | -32 | -36 | -42 | -64 | -69 | -78 | -101 | -199 | -234 | -249 |
Đối với sàn niêm yết HNX, khối ngoại lại diễn biến tiêu cực khi quay sang bán ròng hơn 39 tỷ đồng (trước có chuỗi 5 tuần mua ròng liên tiếp). Sàn này có quy mô nhỏ nên biến động thường thấp, mã được mua ròng mạnh nhất với giá trị gần 41 tỷ đồng là THD của Thaiholdings.
Ở chiều ngược lại, TNG bị bán ròng mạnh nhất sàn này với gần 64 tỷ đồng. Ngay sau đó là PVS và VCS cũng bị rút ròng lần lượt 25 tỷ và 13 tỷ đồng.
Tại sàn giao dịch UPCoM, khối ngoại có tuần mua ròng thứ 3 liên tiếp nhưng giá trị đã suy giảm chỉ còn đạt gần 31 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 1,35 triệu cổ phiếu.
BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn được khối ngoại quan tâm nhất mua ròng mạnh với giá trị 14 tỷ đồng. Trong khi chiều ngược lại thì ABI của Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp bị rút ròng lớn nhất với chỉ 4,4 tỷ đồng.