Khối ngoại tích cực chốt lời khi thị trường chứng khoán Việt khởi sắc. Ảnh: Nam Khánh. |
Trong phiên giao dịch cuối tuần này, chỉ số VN-Index đã tăng 7,2 điểm để áp sát mốc 1.210 điểm. Đây cũng là phiên thứ 5 liên tiếp chỉ số đại diện sàn HoSE được giao dịch tích cực, qua đó mở rộng thêm 37,15 điểm và tiến lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2023.
Bất chấp áp lực chốt lời, tâm lý cởi mở của nhà đầu tư vào thời điểm chuyển giao năm Âm lịch vẫn giúp thị trường giữ được sự sôi động. Thanh khoản bình quân trong 5 phiên gần nhất trên cả 3 sàn đạt 23.500 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD/phiên.
Cổ phiếu ngân hàng trở lại
Cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm thu hút tiền từ các nhà đầu tư trong nước. Trên thực tế, kể từ cuối năm ngoái đến nay, nhóm cổ phiếu này vẫn duy trì vai trò dẫn dắt chỉ số.
Trái với tuần giao dịch 29/1-2/2, giai đoạn cổ phiếu ngân hàng ghìm chân VN-Index do bị chốt lời ồ ạt, việc dòng tiền quay trở lại đã giúp nhiều cổ phiếu ngân hàng không những hồi phục mà còn thiết lập đỉnh giá mới.
Nhìn vào nhóm 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất lên chỉ số, nhóm ngân hàng đóng góp 6 cái tên gồm CTG, TCB, MBB, BID, VPB và ACB. Trong đó, cổ phiếu CTG đang được giao dịch ở mức cao nhất kể từ tháng 7/2021, TCB ở mức cao nhất kể từ tháng 9/2022, MBB ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 còn BID và ACB đang dao động quanh vùng đỉnh lịch sử.
Chỉ số VN-Index áp sát mốc 1.210 điểm. Ảnh: DNSE. |
Tuần này, VN-Index còn nhận được sự hỗ trợ từ một số cổ phiếu bất động sản như VIC, VHM hay GVR - doanh nghiệp nắm hàng nghìn ha đất công nghiệp nhờ chuyển đổi từ đất trồng cao su.
Với riêng GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, kể từ đầu năm nay, mã này đã tăng 33% và đang tạm dừng ở mốc 26.650 đồng/cổ phiếu, cao nhất kể từ tháng 7/2022.
Sự thăng hoa của cổ phiếu GVR xuất hiện trong bối cảnh mảng bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng đưa kết quả kinh doanh của tập đoàn phục hồi trở lại. Theo chiến lược phát triển bất động sản công nghiệp giai đoạn 2021-2030, tập đoàn này có kế hoạch lập mới và mở rộng hơn 39.000 ha từ chuyển đổi đất trồng cây cao su, bao gồm 48 khu công nghiệp (gần 37.400 ha) và 28 cụm công nghiệp (gần 1.800 ha).
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu tác động tiêu cực đến chỉ số tạo ra áp lực rất nhỏ và chủ yếu đến từ cổ phiếu VCB của Vietcombank. Kể từ phiên 19/1, thời điểm áp sát mức đỉnh lịch sử, VCB liên tục điều chỉnh và đã thu hẹp về mốc 89.600 đồng/đơn vị, tương đương giảm hơn 3%.
Khối ngoại chốt lời nhiều cổ phiếu ngân hàng
Trước đà tăng của thị trường chứng khoán, khối ngoại không bỏ lỡ cơ hội chốt lời. Trong 5 phiên gần nhất, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng cộng 1.279 tỷ đồng.
Tính riêng trên sàn HoSE, dòng tiền ngoại mua vào 252 triệu cổ phiếu và bán ra 280 triệu cổ phiếu, tương đương bán ròng 28 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch ròng 1.087 tỷ đồng.
Cổ phiếu VNM của Vinamilk dẫn đầu danh mục bán ròng của khối ngoại trên HoSE khi chiếm tới 31% tổng giá trị, tương đương 338 tỷ đồng. Tại phiên gần nhất 16/2, mã này đã bị bán ròng 123 tỷ đồng trong khi thị giá tăng 3,5% lên mốc 70.000 đồng/đơn vị, cao nhất kể từ giữa tháng 12 năm ngoái.
KHỐI NGOẠI CHỐT LỜI NHIỀU CỔ PHIẾU NGÂN HÀNG | |||||||||||
Nguồn: FiinTrade. | |||||||||||
Nhãn | CTG | MSB | FRT | VND | HAH | VNM | MWG | VRE | VCB | TPB | |
Giá trị mua/bán ròng của khối ngoại | tỷ đồng | 226 | 217 | 102 | 76 | 65 | -338 | -230 | -215 | -184 | -151 |
Cổ phiếu MWG xếp ngay sau khi bị khối ngoại bán ròng 230 tỷ đồng tuần này. Động thái này diễn ra trong giai đoạn thị giá MWG liên tục điều chỉnh và thu hẹp về mốc 46.300 đồng/đơn vị sau khi đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 10/2023.
Danh mục bán ròng của khối ngoại cũng có sự góp mặt của nhiều cổ phiếu ngân hàng như VCB (-184 tỷ đồng), TPB (-151 tỷ đồng), HDB (-97 tỷ đồng), LPB (-54 tỷ đồng) hay STB (-34 tỷ đồng).
Ngoài ra, dòng tiền ngoại cũng rút khỏi một số cổ phiếu bất động vốn đã có quãng thời gian phục hồi như VRE (-215 tỷ đồng), PDR (-120 tỷ đồng), VCG (-98 tỷ đồng), VHM (-70 tỷ đồng), NVL (-41 tỷ đồng).
Ở chiều mua, số ít cổ phiếu ngân hàng vẫn cho thấy khả năng thu hút dòng vốn ngoại, điển hình như CTG (+226 tỷ đồng), MSB (+127 tỷ đồng) hay VIB (+24 tỷ đồng). Bên cạnh đó, dòng tiền ngoại còn rót mạnh vào các cổ phiếu vận tải hàng hải như HAH (+65 tỷ đồng), PVT (+58 tỷ đồng) và VSC (+26 tỷ đồng).
Các cổ phiếu được khối ngoại đặc biệt quan tâm khác còn có FRT (+102 tỷ đồng), VND (+76 tỷ đồng), DBC (+51 tỷ đồng).
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.