Trong tuần giao dịch này, chỉ số VN-Index kết thúc tuần ở mốc 1.103,06 điểm, tăng vỏn vẹn 0,76 điểm dù ghi nhận tới 4/5 phiên đóng cửa trong sắc xanh. Thực tế, trong các phiên vừa qua, chỉ số thường ngụp lặn dưới ngưỡng tham chiếu và chỉ được kéo lên vào những phút cuối cùng. Biên độ tăng cũng rất hạn chế, không quá 0,41%/phiên.
Cả phe mua lẫn phe bán đều không đưa ra động thái cụ thể trong bối cảnh thị trường rơi vào vùng trống thông tin. Tính chung cả 3 sàn, thanh khoản bình quân thu hẹp xuống còn 14.700 tỷ đồng/phiên, giảm 17% so với tuần trước đó và đồng thời là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 5.
Khối ngoại bán ròng 7 tuần liên tiếp
Điểm đáng chú ý trên thị trường chứng khoán tuần qua là các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục nối dài chuỗi bán ròng lên tuần thứ 7 liên tiếp. Chuỗi bán ròng tính theo từng phiên cũng đã được nâng lên con số 18.
Tính riêng trên HoSE, khối ngoại mua vào tổng cộng 315,2 triệu cổ phiếu và bán ra 417,3 triệu cổ phiếu, tương đương xả ra thị trường 102,1 triệu cổ phiếu với giá trị khoảng 2.688 tỷ đồng. So với tuần trước, giá trị bán ròng đã giảm 23%.
Trong đó, cổ phiếu HPG của Hòa Phát dẫn đầu danh mục bị bán ròng bởi khối ngoại với giá trị 353 tỷ đồng. Kể từ đầu tháng, khối ngoại đã bán ròng gần 1.000 tỷ đồng cổ phiếu HPG. Động thái này xuất hiện sau khi thị giá HPG hồi phục hơn 17% so với cuối tháng 10 và đang đi ngang quanh ngưỡng 27.000 đồng/cổ phiếu trong 2 tháng trở lại đây.
KHỐI NGOẠI BÁN RÒNG 18 PHIÊN LIÊN TIẾP | |||||||||||||||||||
Nguồn: VNDirect: Tổng hợp. | |||||||||||||||||||
Nhãn | 29/11 | 30 | 1/12 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 11 | 12/12 | 13 | 14 | 15 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22/12 | |
Bán ròng | tỷ đồng | 29 | 497 | 319 | 29 | 1625 | 563 | 808 | 450 | 397 | 267 | 863 | 328 | 1493 | 747 | 463 | 432 | 558 | 478 |
Bên cạnh HPG, danh mục cổ phiếu bị dòng tiền ngoại rút đi xuất hiện nhiều cái tên đến từ nhóm chứng khoán, ngân hàng như EIB của Eximbank (-276 tỷ đồng), STB của Sacombank (-222 tỷ đồng), SSI của chứng khoán SSI (-183 tỷ đồng), VND của chứng khoán VNDirect (-174 tỷ đồng) hay HCM của chứng khoán HSC (-161 tỷ đồng). Ngoài ra còn nhiều mã khác như VCB, VPB, CTG...
Cổ phiếu VNM của Vinamilk là doanh nghiệp sản xuất hiếm hoi đứng đầu trong danh mục bán ròng với giá trị 227 tỷ đồng. Kể từ cuối tháng 9 đến nay, giá cổ phiếu VNM vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi và đã giảm 18% xuống còn 67.600 đồng/đơn vị.
Trong khi đó trên sàn HNX, khối ngoại gom vào tổng cộng 18 tỷ đồng, giảm 88% về giá trị so với tuần trước. Mã IDC của Idico tiếp tục được mua vào nhiều nhất với khoảng 13,4 tỷ đồng, kế đó là PVS (+1,7 tỷ đồng), NRC (+1,2 tỷ đồng).
Ở chiều bán, dòng tiền ngoại tạm dừng rót vào cổ phiếu CEO, thay vào đó bán nhẹ 1,8 tỷ đồng, SHS (-5 tỷ đồng).
Thị trường UPCoM có diễn biến tương tự HoSE khi khối ngoại bán ròng 11 tỷ đồng.
Tin vui với Thế Giới Di Động
Nhìn vào chiều mua của khối ngoại trên HoSE, nhà đầu tư có thể thấy tín hiệu tích cực đã bắt đầu tìm đến cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động (TGDĐ) khi được dòng tiền ngoại rót vào gần 200 tỷ đồng tuần này.
Trong nhiều năm, MWG luôn nằm trong danh mục cổ phiếu được các nhà đầu tư ngoại ưu ái, room ngoại cũng thường xuyên ở trạng thái kín chỗ. Để “săn” được cổ phiếu MWG, một số quỹ thậm chí từng chấp nhận trả mức giá chênh lệch (premium) lên đến 45% so với thị giá.
Thế nhưng, việc hoạt động kinh giảm sút khiến các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu thay đổi khẩu vị. Tính đến ngày 15/12, cổ phiếu của doanh nghiệp này bị bán ròng 3.287 tỷ đồng, room ngoại theo đó hở ra gần 5% và thu hẹp xuống còn 44,2%, mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Tuần vừa rồi, cổ phiếu MWG được khối ngoại “chọn mặt gửi vàng” 4 phiên liên tiếp và thường xuyên lọt top cổ phiếu có giá trị mua ròng cao nhất phiên, qua đó nâng room ngoại lên 44,56%. Giá trị bán ròng tính từ đầu năm thu hẹp về 3.085 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu MWG đang ghi nhận dấu hiệu hồi phục. Ảnh: DNSE. |
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu MWG bắt đầu hồi phục trở lại sau gần 2 tháng đi ngang. Với thị giá 42.350 đồng/đơn vị, cổ phiếu MWG vẫn thấp hơn mức cao nhất của năm 2023 khoảng 28%.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt dự báo tình hình kinh doanh của MWG sẽ dần cải thiện. Ngoài ra, việc đóng cửa hàng loạt cửa hàng hoạt động kém hiệu quả sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng dài hạn của công ty.
Công ty chứng khoán tin rằng diễn biến không thuận lợi trong năm 2023 sẽ tạo nền tảng thấp cho giai đoạn 2024, mở đường cho sự tăng trưởng mạnh mẽ. Hoạt động mua hàng của người tiêu dùng sẽ cải thiện vào cuối năm 2024, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ ngành hàng điện thoại và điện máy.
Dự báo năm 2024, doanh thu và lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ TGDĐ sẽ đạt lần lượt 132.323 tỷ đồng (+8%) và 1.278 tỷ đồng (+203% so với ước tính năm 2023).
Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...