Môi trường kinh doanh và pháp lý
Ít khi nào tôi được đọc những bình luận đầy đủ, những phân tích sâu sắc về môi trường kinh doanh trên nước sở tại trước khi khởi nghiệp, trong khi đó những đặc thù của môi trường thực sự đóng một vai trò quan trọng.
Thử lấy Cộng hòa Pháp làm ví dụ, thì hiển nhiên ai ai cũng đều nhận định là khó lòng mở một start-up thành công tại nước này, bởi lẽ thủ tục hành chính quá nặng nề, hành lang pháp lý rất ngoắt ngoéo, chi phí phải bỏ ra trước khi công ty thành hình là rất cao.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Pixabay/Pexels. |
Đã thế, tại Pháp công đoàn lao động và các nhân viên đều coi chủ doanh nghiệp là kẻ thù số một. Hễ có vấn đề gì ra tòa xét xử, thì chủ doanh nghiệp gần như cầm chắc phần thua vì các thẩm phán và quan tòa rất thiên vị những nhân viên được thành kiến là kẻ yếu, thậm chí số đông thẩm phán bên Pháp được gọi là “quan tòa đỏ”, màu đỏ biểu tượng cho phe tả, chuyên bênh vực kẻ yếu, mà dưới con mắt họ, ông chủ tư bản chỉ có thể là những người khai thác lao động.
Tóm lại, bạn chưa kịp dựng công ty của bạn thì môi trường kinh doanh đã bày sẵn cho bạn một cái bẫy, trong đó mọi đối tác là kẻ thù và chính trọng tài cũng thiên vị phía bên kia một cách hệ thống.
Ngược lại tại Mỹ thì các start-up có cơ hội nở lên như hoa mùa xuân.
Tại Mỹ, truyền thống làm giàu đã có sẵn trong ADN. 90% dân số Mỹ đều mơ làm giàu và tích cực làm giàu. Tất cả các đạo luật hành chính, thuế vụ đều triệt để nêu cao chủ nghĩa tư bản. Người giàu là người đã thành công, người thành công bắt buộc phải giàu.
Thành công là giàu có, giàu có là thành công. Tiền không có mùi, đồng đô-la được tôn vinh. Trong xã hội đó không bao giờ có một sự hiểu lầm về việc làm giàu. Ai cũng có cơ hội làm giàu. Và khi có ý muốn làm giàu, ai cũng được giúp đỡ, hỗ trợ, vì toàn thể quốc gia này tin tưởng rằng khi cá nhân làm giàu thì đất nước cũng giàu theo.
Chẳng trách, mở start-up bên Mỹ quá dễ. Tuy nhiên, chính vì quá dễ, chính vì truyền thống là mọi người đổ xô vào làm giàu nên mới khiến môi trường cạnh tranh vô cùng gay gắt.
Mô hình kinh doanh:
Tôi lại xin lấy vài ví dụ liên quan đến hai nước Pháp và Mỹ để minh họa sự cần thiết của một mô hình kinh doanh đơn giản.
Tại Pháp xưa kia, người ta đã chế ra dịch vụ Minitel hai chục năm trước khi Google ra đời. Ai cần bất cứ thông tin gì thì cứ vào Minitel để tham khảo.
Tôi không muốn so sánh chất lượng của hai dịch vụ Minitel và Google vì khi Minitel xuất hiện thì mạng Internet chưa ra đời và laptop hoặc personal computer cũng chưa ra đời nốt. Dịch vụ Minitel là một sự phối hợp giữa máy điện thoại bàn và một màn hình tivi.
Điều đáng chú ý là mỗi khi bạn vào Minitel để mua một dịch vụ thì bạn phải trả ngay lệ phí qua hệ thống điện thoại. Đây là một góc cạnh khá đặc trưng bên Pháp, ai dùng thì nấy trả tiền trực tiếp cho dịch vụ, và phải thanh toán trước.
Mô hình của Pháp khác hẳn với mô hình kinh doanh tại Mỹ. Tại Mỹ hầu hết các dịch vụ trên mạng Internet đều free (miễn phí). Và nếu khi nào có dịch vụ phải trả phí thì những thủ tục để thanh toán lệ phí vô cùng đơn giản và an toàn.
Theo tôi, một trong những lý do Google và mọi dịch vụ Internet khác thành công và nhanh chóng tỏa ra đại chúng là do tính miễn phí của dịch vụ, và khi có phí thì việc thanh toán vô cùng đơn giản. Hệ thống quảng cáo toàn cầu đóng một vai trò thực sự quan trọng khi chính quảng cáo đã trang trải hết chi phí của mọi dịch vụ trên mạng Internet.
Thử tưởng tượng xem nếu Minitel của Pháp cũng miễn phí, thì có lẽ số mạng của Minitel đã khác hẳn. Đây là một góc cạnh các start-up nên chú ý. Vào một thời kỳ mà ở Việt Nam thẻ tín dụng chưa nhiều và cách sử dụng thẻ cũng chưa an toàn cho mấy, tất nhiên dịch vụ trên Internet sẽ khó lòng phát triển mạnh. Còn ý niệm dịch vụ miễn phí ở Việt Nam thì có lẽ đây còn là chuyện hoang đường. Rào cản là đây, khó khăn cũng là đây.
Cũng vì lý do đó mà các start-up Việt Nam có thêm một vấn đề để giải quyết. Một việc có thể làm là nghiên cứu thêm những phương án cộng tác trực tiếp với các start-up bên Mỹ.
Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa chuyện đó là có thể. Cả triệu công ty và tư nhân trên toàn thế giới tích cực viết phần mềm cho các ứng dụng của Apple, hoặc khai thác những cơ hội trên YouTube mà không cần phải sang Mỹ bàn bạc. Đây cũng là một hướng đi khả thi.
Còn nếu bạn nào mở start-up để bán cà phê, áo quần, giầy dép thì việc làm đơn giản hơn, rủi ro sẽ nhỏ hơn nhiều, vốn cần ít hơn, hành lang pháp lý ít đáng quan tâm hơn. Nhưng ngược lại, tiềm năng phát triển “vỡ bờ” sẽ rất hiếm nếu không nói là không có. Chuyện triệu hay tỷ đô-la là phải quên đi!