Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khởi nghiệp năm sáu tuổi và phần thưởng bị quên

Lên sáu tuổi, cô bé Cúc (tức Loan sau này) đã bước ra đời để kiếm tiền bằng việc bán kẹo kéo làm từ đường mía. Đây mới chỉ là bước đầu chập chững trước những bão giông sau này.

Lúc lên sáu tuổi, vào một buổi sáng tôi được bố gọi đến. Ông ra lệnh cho tôi xòe lòng bàn tay phải rồi thả ba đồng tiền xu vào. Tôi đứng đó, mắt mở tròn xoe mà không biết phải làm gì. Trước khi tôi kịp hỏi thì ông đã nói:

“Bây giờ đã tới lúc mày phải đi kiếm tiền rồi. Đây là ba đồng tiền xu. Mày đi mua đường rồi mang về cho mẹ. Mẹ sẽ chỉ cho mày cách làm kẹo kéo từ đường mía. Xong rồi thì mày đi ra thị xã Hà Tĩnh. Nhớ là phải bán lẻ từng cái! Hãy đứng ở nơi nào đông xe, đông người, trước rạp chiếu bóng hay cạnh chỗ lính gác trước cổng doanh trại. Rồi mang tiền bán được về cho bố. Nếu làm tốt và bán được hết hàng thì bố sẽ thưởng cho mày một đồng”.

Chao ôi, đó là cả một gia sản! Tôi coi tất cả những điều này là minh chứng của sự tin cậy, tim tôi tràn ngập cảm xúc tự hào. Tôi cầm chặt ba đồng tiền xu trong tay, lòng đầy sung sướng, chạy ngay đi mua đường ở cách đấy mấy nhà. Cuối cùng thì tôi cũng đã được giao một nhiệm vụ. Tôi thầm nhủ sẽ nhất định hoàn thành nó sao cho bố hài lòng.

Mẹ để tôi đo lượng đường và nước, trước khi chúng tôi đổ cả hai vào một nồi kim loại duy nhất mà gia đình tôi có để đun sôi. Mẹ chờ cho đến lúc chất lỏng màu vàng óng nguội đi một tí, sau đó chế biến khối đường dẻo với những động tác nhanh nhẹn. Vào ngày này tôi học cách làm sao để không bị bỏng và trước hết là tránh được cám dỗ của việc nếm kẹo. Không lâu sau thì món kẹo đã xong, chúng được xếp ngay ngắn trong một chiếc rổ đan bằng tre.

“Hai viên kẹo giá một xu. Phải rao thật to và rõ ràng chữ ‘Bonbon’ để người ta nghe được con! Mà cấm được ăn một chiếc nào trong đó và đừng đánh rơi một đồng xu nào cả!” “Bonbon” là từ ngoại quốc đầu tiên mà tôi học được. Bố tôi biết nói một ít tiếng Pháp.

Đường vào thị xã chẳng có gì nguy hiểm. Nền tư pháp An Nam của chúng tôi rất hà khắc với những phiên tòa xử nhanh và các bản án nặng nề được thi hành ngay lập tức. Ai phạm tội sẽ bị chặt ngón tay, bàn tay hay thậm chí bị chém đầu. Tất cả người dân sống ở đây đều biết rõ điều này. Và như vậy ai cũng có thể thoải mái đi lại vào cả lúc ban ngày và ban đêm mà không phải đề phòng.

Tôi lên đường một mình với rổ kẹo đã đậy kín. Đến thị xã Hà Tĩnh, tôi chọn cho mình chỗ đứng trước một rạp chiếu bóng. Hương vị kẹo thơm lừng trong mũi tôi và miệng thì ứa đầy nước dãi. Tôi tưởng tượng vị chiếc kẹo tan ra như thế nào trên lưỡi, nhưng không dám ăn dù chỉ một chiếc, vì sợ hãi hình phạt sẽ đến. Và như vậy tôi đành chỉ nuốt nước bọt và nguyền rủa thanh tre mảnh và dẻo đặt ở sau cửa ra vào được dùng làm roi đánh đòn ở nhà tôi.

Mỗi lần rao hàng tôi lại khuyến mại một nụ cười thật tươi, tôi bán cứ như chơi và chẳng mấy chốc tất cả số kẹo đã hết. Chiếc rổ mang theo nhẵn thín, còn túi quần của tôi bây giờ chứa những mười đồng tiền.

Tôi hớn hở chạy về nhà. Mẹ đang giũ lúa trên một tấm ván để tách hạt lúa khỏi nhành. Bà mỉm cười với tôi. Bố đến và cầm số tiền mà tôi đưa cho ông. Mẹ được bố đưa ngay hai đồng để đi mua một con gà. Bố đi vào nhà và lấy một ống bương hai đầu bịt da thú được dùng làm tráp đựng tiền của gia đình và bắt đầu ném các đồng tiền vào.

Tôi nín thở và nhẩm đếm theo. Năm, sáu, bảy… Trên tay ông còn lại một đồng tiền. Đồng tiền của tôi. Bây giờ đến lượt tôi được trả công, tôi nghĩ như vậy. Với một giọng nói ra mệnh lệnh không chấp nhận một sự trái ý nào, ông nói cụt lủn: “Đi mua cho tao một chai rượu!”.

Không một lời khen, và cũng chẳng có một lời nào khác nữa phát ra từ môi ông. Tôi cầm đồng tiền và rời khỏi nhà, trước khi bố có thể nhìn thấy nước mắt của tôi trào ra. Tôi thoáng tưởng tượng mình sẽ dùng cây hèo tre mảnh và dẻo đặt đằng sau cánh cửa vụt vào bố để trừng phạt cho sự lừa dối của ông, tuy nhiên ý nghĩ này chẳng có sức an ủi lâu. Thật buồn là nhiều ngày tương tự như vậy sẽ còn đến với tôi.

Isabelle Müller / NXB Tổng hợp TP.HCM

SÁCH HAY