Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Khơi dậy khát vọng phát triển thủ đô

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng Hà Nội phát triển không chỉ cho riêng mình mà còn phải nêu gương, có trách nhiệm với cả nước.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng Hà Nội phát triển không chỉ cho riêng mình mà còn phải nêu gương, có trách nhiệm với cả nước.

Trong buổi làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác chuẩn bị Đại hội XVII Đảng bộ TP, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn.

Ông nhấn mạnh TP phải đi đầu, mẫu mực, làm gương về tất cả mọi phương diện. Nói đến Hà Nội phải nói đến toàn diện các lĩnh vực, phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng cũng phải chú trọng văn hóa.

Vừa phát triển kinh tế, nhưng cũng chú trọng văn hóa cũng là nội dung được đề cập nhiều trong dự thảo văn kiện chuẩn bị trình Đại hội XVII Đảng bộ TP.

Trước thềm Đại hội Đảng bộ TP, ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, chia sẻ sâu hơn về công tác chuẩn bị và những nội dung lớn trong văn kiện.

- Thưa ông, quá trình chuẩn bị văn kiện của Đảng bộ Hà Nội đã diễn ra như thế nào? Kết quả thu được từ những lần lấy ý kiến góp ý ra sao?

- Để chuẩn bị cho xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố, Thành ủy đã ban hành kế hoạch về việc xin ý kiến góp ý văn kiện. Chúng tôi đã tổ chức 10 hội nghị để xin ý kiến các giới, các ngành, các cơ quan trực thuộc thành phố cũng như là các cơ quan trung ương. Ngoài ra, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, đăng trên các báo của Hà Nội, các trang tin điện tử của thành phố trong vòng một tháng. Chúng tôi cũng lấy ý kiến góp ý từ đại hội các cơ sở.

Trên cơ sở như vậy thì tiểu ban văn kiện đã chắt lọc, tiếp thu những ý kiến đóng góp. Trong đó, nổi lên có 3 nhóm vấn đề.

Thứ nhất, các cơ quan trung ương, các bộ ngành, ban đảng, Ban cán sự Đảng Chính phủ… đều mong muốn báo cáo chính trị của Hà Nội phải thể hiện được quyết tâm cao, phải khơi dậy khát vọng của thủ đô. Trong quá trình phát triển vừa qua, nhất là từ sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính thì tầm vóc và vị thế của Hà Nội đã có thay đổi rất lớn, không những là quy mô mà còn chất lượng, đóng góp chung cho sự phát triển của cả nước ngày càng quan trọng.

xay dung van kien dai hoi dang o Ha Noi anh 1

Hà Nội đã thật sự trở thành nơi giao lưu và hợp tác quốc tế mạnh mẽ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế như vậy, nhất là trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì Hà Nội có những lợi thế mà các địa phương khác không có và phải đặt quyết tâm cao hơn, mục tiêu phấn đấu cao hơn.

Thứ hai, các giải pháp Hà Nội đặt ra vừa phải mang tính khả thi cho nhiệm kỳ này và vừa tạo tiền đề cho các giai đoạn tiếp theo. Chính vì thế mà ngay từ đầu, dự thảo báo cáo chính trị của thành phố không chỉ đặt mục tiêu cho 5 năm tới mà còn định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn cho đến năm 2045.

Với cách đặt vấn đề như vậy, các giải pháp vừa cụ thể vừa khả thi cho giai đoạn trung hạn, phải tạo tiền đề tạo động lực cho giai đoạn tiếp theo. Các mục tiêu trong dự thảo báo cáo chính trị được các cơ quan Trung ương đồng tình và ủng hộ. Chúng tôi cũng tham mưu các chính sách để Hà Nội phát triển không chỉ cho riêng Hà Nội, mà với tư cách là thủ đô, là trung tâm kinh tế chính trị lớn, là động lực phát triển của vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Thứ ba, liên quan đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thành phố. Các ý kiến góp ý đều có mong muốn, phát huy truyền thống đoàn kết và bản lĩnh của Đảng bộ Hà Nội.

Hiện tại, một nguồn lực rất quan trọng của Đảng bộ TP Hà Nội là về trí tuệ, tri thức. Nơi đây có số lượng đảng viên đông và chất lượng cao. Do đó, phải làm thế nào đó để huy động được những nguồn lực đó, phục vụ tốt hơn cho công cuộc xây dựng và phát triển Hà Nội.

- Ông đánh giá thế nào về cơ hội phát triển của Hà Nội trong nhiệm kỳ tới và tầm nhìn đến 2045?

- Rất nhiều ý kiến đánh giá Hà Nội đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển tốt, dù có nhiều thách thức và khó khăn. Đảng bộ được thành lập từ rất sớm, ngày 17/3/1930, chi bộ đầu tiên của cả nước cũng ra đời tại đây. Do đó, Đảng bộ Hà Nội có truyền thống lâu đời và gắn liền với sự phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đứng trước những thuận lợi như hiện nay thì dự thảo văn kiện mong muốn phải tận dụng được điều đó để phát triển.

Tiếp theo là vai trò gương mẫu. Gương mẫu ở đây là gương mẫu của Đảng bộ Hà Nội, lãnh đạo Hà Nội, cán bộ đảng viên Hà Nội và cả người dân. Vì nó gắn liền với một nguồn lực rất quan trọng của Hà Nội, đó là nguồn lực văn hóa, nguồn lực truyền thống nghìn năm văn hiến.

Hà Nội ngoài danh hiệu thủ đô nghìn năm văn hiến, thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình còn có thêm danh hiệu mới: Thành phố sáng tạo. Có nhiều yếu tố cần phải được phát huy cao độ trong giai đoạn hiện nay, để tận dụng được thời cơ, đó là vị thế đất nước đang nâng cao, thời cơ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Đã có góp ý đề nghị Hà Nội đặt mục tiêu là trung tâm sáng tạo của Đông Nam Á trên một số lĩnh vực. Ngoài ra, trong nghị quyết của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP, nhưng có ý kiến đề nghị tỷ trọng này ở Hà Nội ít nhất 30%.

Tại cuộc làm việc của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Hà Nội phải tăng mục tiêu thu nhập bình quân đầu người vào năm 2025 là 8.300-8.500 USD/người, thay vì mức cũ là 8.100-8.300 USD/người, vốn đã là mức cao.

Trên cơ sở đó, căn cứ vào điều kiện thực tế của Hà Nội, căn cứ vào định hướng mới, Đảng bộ TP sẽ đánh giá cái nào tiếp thu được sẽ tiếp thu một cách tối đa. Nguyên tắc là phải đảm bảo phù hợp, có tính khả thi, thống nhất và đảm bảo tính tổng thể. Nói cách khác, 3 yếu tố nhiệm vụ chính là phát triển kinh tế; đảm bảo an ninh quốc phòng, đối ngoại và xây dựng Đảng, phải gắn kết với nhau.

xay dung van kien dai hoi dang o Ha Noi anh 2

- Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến kinh tế - xã hội trên cả nước. Vấn đề này được nhận diện ra sao trong văn kiện của Đảng bộ Hà Nội?

- Có ý kiến góp ý cần phải đánh giá sâu sắc hơn về kết quả phòng, chống dịch Covid-19 cũng như tác động của dịch đối với Hà Nội. Tiểu ban Văn kiện tiếp thu ý kiến này.

Dịch bệnh gây ra những tác động rất lớn, tiêu cực, đặc biệt với ngành du lịch, dịch vụ, ảnh hưởng đời sống nhân dân. Nhưng nó cũng tạo ra những cơ hội, có những ngành tăng trưởng 400-500%. Đây là tiền đề, thúc đẩy chuyển đổi số phải mạnh mẽ hơn, quyết tâm cao hơn.

Cũng có ý kiến cho rằng liệu cần điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng 2020 của Hà Nội hay không. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, thành phố quyết tâm thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phải đảm bảo chống dịch vừa phải phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội.

Qua 6 tháng, tốc độ phát triển kinh tế của Hà Nội tăng 3,39%, gần gấp đôi cả nước. Chỉ số phát triển công nghiệp tăng 4% (cả nước 2,4%), giúp TP có căn cứ từ thực tiễn để thực hiện được mục tiêu với quyết tâm cao.

Chủ trương của thành phố là tích cực thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế mới. Còn nhiệm vụ phòng, chống dịch vẫn đặc biệt quan trọng.

- Dự thảo văn kiện của Hà Nội đặt ra nhiều vấn đề lớn như chuyển đổi số, quy hoạch 2 bờ sông Hồng, xây dựng chính quyền đô thị, thành phố sáng tạo… Theo ông, giải pháp quan trọng nhất để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng đó là gì?

- Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, dự báo tình hình, dự thảo nêu ra 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, dự thảo xác định 3 mục tiêu lớn cho 3 giai đoạn là đến năm 2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045.

Về 3 đột phá, Hà Nội xác định thứ nhất là vấn đề thể chế. Đột phá thứ hai là tăng cường đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối giữa trung tâm với đô thị vệ tinh, các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Dự thảo đặt quyết tâm phấn đấu hoàn thành đô thị vệ tinh Hòa Lạc và thành phố thông minh khu vực phía bắc sông Hồng, tạo động lực phát triển, bên cạnh đó quan tâm đầu tư phát triển đồng đều hơn.

Đột phá thứ ba là nguồn nhân lực, tận dụng khai thác nguồn lực trí tuệ, nhân lực chất lượng cao, của cơ quan Trung ương, các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn. Hà Nội sẽ tận dụng nguồn lực này, lấy khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Ba đột phá này vừa mang tính trung hạn, có những cái là tiền đề cho các giai đoạn sau.

Dự thảo cũng các định 3 việc quan trọng trong thời gian tới. Thứ nhất, đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch Hà Nội. Thứ hai, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội điều chỉnh bổ sung Luật Thủ đô để Hà Nội phát triển đúng với mong muốn và vị thế. Thứ ba, trong phạm vi Hà Nội, tăng cường phân cấp ủy quyền, gắn với thí điểm chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn.

- Hà Nội có bề dày về truyền thống văn hóa, lịch sử. Kế hoạch sắp tới sẽ tận dụng nguồn lực này như thế nào để góp phần vào sự phát triển của TP?

- Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, là đại diện tiêu biểu cho văn hóa của quốc gia. Hà Nội mở rộng, bên cạnh Hà Nội cũ, có vùng nông thôn rộng lớn nhưng cũng có truyền thống văn hóa rất lâu đời và phong phú là văn hóa xứ Đoài, văn hóa xứ Đông, cộng với văn hóa Thăng Long.

TP xác định văn hóa cùng với con người Hà Nội vừa là mục tiêu hướng đến vừa là động lực to lớn để phát triển bền vững. Tạo dựng bản sắc Hà Nội dựa trên nền tảng nghìn năm văn hiến, đồng thời cập nhật và hòa mình vào dòng chảy chung của thế giới.

Thứ hai là phát triển công nghiệp văn hóa, coi đây là thế mạnh của thủ đô. Hà Nội đã tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo và nhìn thấy cơ hội đến từ nền tảng văn hóa.

Từ trước đến nay, chúng ta chỉ tư duy về phát triển kinh tế rồi hỗ trợ để phát triển văn hóa. Nhưng qua kinh nghiệm thế giới, nếu biết cách khai thác văn hóa, theo hướng công nghiệp văn hóa, đó chính là một cách tuyên truyền quảng bá, đối ngoại văn hóa ngay tại chỗ, xuất khẩu văn hóa rất hiệu quả để phát triển kinh tế.

- Dự thảo văn kiện đặt ra nhiều mục tiêu, đồng nghĩa Hà Nội sẽ phải huy động nguồn lực rất lớn để hiện thực hóa. TP sẽ huy động các nguồn lực như thế nào trong 5-10 năm tới? Theo ông, nguồn lực tư nhân sẽ có vai trò ra sao?

- Huy động nguồn lực xã hội là chủ trương rất lớn và Hà Nội sẽ tập trung làm. Muốn làm được việc này, cần nhiều yếu tố.

Thứ nhất, Hà Nội sẽ tạo ra một môi trường thu hút, thông thoáng. Doanh nghiệp và người dân phải có điều kiện thuận lợi nhất để phát triển kinh tế.

Thứ hai, Hà Nội sẽ tạo ra môi trường an ninh, an toàn, ổn định để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba là tiếp tục thực hiện cải cách hành chính nhiều hơn. Kiên trì và hiệu quả trong việc cải cách, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, người dân.

Một trong những định hướng rất lớn, rất quan trọng trong văn kiện lần này là đặt vấn đề phát triển kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực thúc đẩy kinh tế Hà Nội phát triển.

Thủ tướng từng đánh giá Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện tốt nhất việc huy động nguồn lực từ xã hội. Tuy nhiên, sắp tới, nguồn lực từ ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 20% cho nhu cầu đầu tư phát triển, còn lại 80% phải huy động từ bên ngoài. Đó là nguồn đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, đặc biệt là của người dân.

Hà Nội kiểm tra thu nhập, con em học nước ngoài của nhân sự khóa mới

Trước khi trình Đại hội đề án nhân sự khóa mới, Hà Nội đánh giá lại toàn bộ hồ sơ pháp lý, bằng cấp, kê khai tài sản, thu nhập và việc con cái học tập ở nước ngoài của cán bộ.

Hiếu Công thực hiện

Ảnh: Việt Linh
Đồ họa: Phượng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm