Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khởi công một số gói thầu đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ năm 2028

Thông tin này được Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể chia sẻ tại lễ công bố quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, diễn ra ngày 1/11.

Quy hoạch đề cập đến việc xây dựng 9 tuyến đường sắt mới dài 2.362 km, trong đó tuyến lớn nhất là đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TP.HCM. Ngoài ra, dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ sẽ được triển khai để phục vụ người dân miền Tây.

Theo quy hoạch, đến năm 2050, cả nước sẽ có 25 tuyến đường sắt tổng chiều dài 6.354 km. Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết từ nay đến năm 2030 sẽ bố trí và huy động khoảng 240.000 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, đảm bảo an toàn cho tuyến đường sắt hiện hữu; quy hoạch, nghiên cứu 9 dự án mới; nghiên cứu đường sắt kết nối cảng biển.

quy hoach duong sat Viet Nam anh 1

Lễ công bố quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia. Ảnh: Ngọc Tân.

Đề cập đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định công trình sẽ được đầu tư theo hướng phục vụ riêng cho hành khách. Hàng hóa trên trục Bắc - Nam sẽ được vận chuyển bằng tàu biển và tận dụng tuyến đường sắt cũ.

"Chúng tôi sẽ tham mưu cho Thủ tướng và cố gắng trong nhiệm kỳ này báo cáo dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cho Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, đặc biệt là xin Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư", Bộ trưởng Thể nói.

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định sang nhiệm kỳ tới, Bộ GTVT sẽ tập trung lập dự án, giải phóng mặt bằng và thiết kế một số đoạn của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để đến năm 2028-2029 có thể khởi công một số gói thầu.

"Trong quy hoạch, Thủ tướng giao nhiệm vụ khởi công một số đoạn của tuyến Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang trước năm 2030", ông Thể chia sẻ.

Kết luận tại sự kiện, tư lệnh ngành giao thông bày tỏ hy vọng các bộ ngành sẽ có tiếng nói chung để thông qua được các dự án đường sắt. Ông cũng mong các địa phương có đường sắt tốc độ cao đi qua ủng hộ, bởi dự án sẽ giúp địa phương hình thành, phát triển được đô thị, khai thác được nhiều tiềm năng.

"Mong người dân ở nơi có đường sắt đi qua vì lợi ích chung của quốc gia, xem xét nhận chế độ đền bù, bàn giao mặt bằng để chúng tôi thực hiện được dự án", ông Nguyễn Văn Thể nói.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã báo cáo toàn bộ 5 quy hoạch giao thông gồm đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy, cảng biển và được Hội đồng Thẩm định Quốc gia họp thông qua. Đến nay, 3 quy hoạch gồm đường bộ, cảng biển và đường sắt đã được phê duyệt. Riêng quy hoạch hàng không đã thông qua Hội đồng Thẩm định, đang chờ báo cáo Chính phủ.

Giá vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông 30.000 đồng một ngày

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ cung cấp hạng vé 30.000 đồng, tạo điều kiện cho hành khách không giới hạn số lần di chuyển trong ngày.

Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm