Lễ khởi công được tổ chức đồng loạt ở 12 địa điểm tương ứng với 12 dự án, trong đó có 3 điểm cầu chính tại Quảng Bình, Quảng Ngãi và Hậu Giang (đại diện cho 3 khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ).
Dự lễ khởi công tại điểm cầu Quảng Ngãi, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại điểm cầu trung tâm tại Quảng Ngãi (dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn). Ảnh: Minh Hoàng. |
Thủ tướng ghi nhận sau một năm nỗ lực triển khai thực hiện với khối lượng công việc rất lớn, từ khâu chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng, thời gian chỉ bằng một nửa so với cách triển khai trước đây.
"Tôi yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu bảo đảm tiến độ dự án, Không được tăng tổng vốn đầu tư, chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư, không để xảy ra, tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, đến năm 2025, tuyến cao tốc Bắc - Nam phải được kết nối thông suốt từ Lạng Sơn đến Cà Mau", Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát biểu tại điểm cầu Quảng Bình, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 đã đủ điều kiện khởi công theo đúng quy định của pháp luật.
Sáng 1/1, nhà thầu thực hiện nghi thức khởi công dự án cao tốc Bùng - Vạn Ninh thuộc trục cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Vũ Thành. |
Theo tiến độ đề ra, 12 dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Trước đó, với mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành toàn bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án với tổng chiều dài 729 km, đi qua 12 tỉnh, thành phố. Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án gần 147.000 tỷ đồng; quy mô 4 làn xe được chia thành 12 dự án thành phần.
Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Chính phủ đã giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cho bộ, ngành, địa phương và quyết định một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Bộ GTVT đã yêu cầu cơ quan đơn vị của bộ, các ban quản lý dự án (chủ đầu tư), đơn vị tư vấn thực hiện lập dự án, thiết kế kỹ thuật và lựa chọn nhà thầu. Bộ yêu cầu công tác thiết kế phải tối ưu hóa, phát huy hiệu quả và chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực; công tác lựa chọn nhà thầu phải chặt chẽ, công khai, minh bạch.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại lễ khởi công dự án. Ảnh: Vũ Thành. |
Đến nay, các địa phương có 12 dự án đi qua đã cơ bản bàn giao trên 70% diện tích giải phóng mặt bằng, đáp ứng yêu cầu khởi công.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ GTVT gửi lời cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đồng thời cảm ơn sự chia sẻ, ủng hộ của người dân trong khu vực dự án đã sẵn sàng nhường đất, dời nhà bàn giao mặt bằng phục vụ thi công.
Cũng tại lễ khởi công, Bộ GTVT đã phát động phong trào thi đua Xuân Quý Mão trên các công trường giao thông, bắt đầu từ ngày 6/1 đến hết ngày 6/2 (16 tháng giêng năm Quý Mão) và tổng kết khen thưởng ngay sau khi kết thúc lễ phát động.
Lễ khởi công cao tốc Bắc - Nam tại điểm cầu Quảng Bình, dự án thành phần Bùng - Vạn Ninh. Ảnh: Vũ Thành. |
Trong tháng thi đua, Bộ GTVT kêu gọi các đơn vị thi công huy động đầy đủ nhân lực, tài chính và máy móc để tập trung thi công; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thi công và kết quả công tác giải ngân vốn đầu tư công...
Trong thời gian tới, Bộ GTVT đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo để sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng cho dự án; đảm bảo an ninh, trật tự, tổ chức giao thông thuận tiện, an toàn cho người dân trong quá trình triển khai.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063 km từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau, đi qua 32 tỉnh thành. Đến nay, ngành giao thông mới hoàn thành đưa vào khai thác 642 km.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.