Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khoét ruột rừng Phú Quốc: Rừng trống như sân banh

Rừng Phú Quốc (Kiên Giang) được ví như trái tim của hòn đảo này, mất rừng không chỉ mất nguồn nước, mà là mất đi môi trường sinh thái độc đáo của đảo.

Thế nhưng hiện nay rừng Phú Quốc đang bị băm nát để lấy đất đón đầu làm du lịch...

Phóng viên nhiều ngày len lỏi trong những khu rừng ở Phú Quốc và xót xa khi chứng kiến tình trạng phá rừng, chiếm đất với quy mô lớn chưa từng có tại hòn đảo du lịch này.

Để thực hiện được phóng sự này, nhiều người dân và cán bộ trên đảo Phú Quốc đã bí mật giúp đỡ chúng tôi với mong muốn góp phần ngăn chặn nạn phá rừng mà theo họ đã “lây lan thành dịch”.

Những khu rừng rỗng ruột

Trên đảo Phú Quốc, rất dễ nhận ra các thảm rừng phủ nhiều ngọn núi đã bị khoét trọc từ bên trong. Người dân địa phương mô tả rừng ở đây bị phá như những “đốm da beo”.

Rất nhiều nơi rừng được ngụy trang bằng lớp áo bên ngoài có vẻ như lành lặn. Thế nhưng, bên trong sự xanh tốt đó là hàng loạt khu rừng đã bị tàn sát có hệ thống.

Thị trấn An Thới, phía nam đảo Phú Quốc đang trở thành điểm nóng trên đảo khi hàng loạt vụ phá rừng với diện tích cực lớn được phanh phui.

“Tôi khẳng định các đối tượng phá rừng rất manh động. Không ít lần lực lượng chức năng đi phía trước thì dân phá rừng đi ngay phía sau. Có những đêm lâm tặc đốt rừng tới ba lần, 21g vừa chữa xong thì đến 2g sáng lại cháy, chữa xong 3g sáng lại cháy tiếp
Ông Dương Minh Tâm (Giám đốc ban quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc).

Không chỉ An Thới mà ở các xã như Dương Tơ, Hàm Ninh, Cửa Cạn... rừng phòng hộ, thậm chí rừng trong phạm vi vườn quốc gia cũng bị xâm phạm nghiêm trọng.

Từ khu phố 8, thị trấn An Thới, chúng tôi len qua khu dân cư chi chít dưới chân núi Cô Sáu. Chưa quá 50m xuyên qua dãy rừng rậm rạp là bãi đất trống hoang tàn, rộng lớn. Sẽ khó để nhận ra vị trí này là đất rừng.

Từ cột mốc số 702 kéo dài đến cột mốc 711, thuộc tiểu khu 81, thuộc diện tích rừng phòng hộ Phú Quốc, cây cối đã bị đốn hạ nằm rạp. Xen kẽ những thân cây bị chặt phá từ lâu là những vết búa còn mới tinh.

Không chỉ ở núi Cô Sáu, những khu rừng trong khu vực núi Bãi Khem (tiểu khu 81, rừng phòng hộ) cũng chung số phận.

Thậm chí, mức độ phá rừng tại núi Bãi Khem còn nghiêm trọng hơn. Hàng chục ngàn mét vuông cây rừng đã biến mất dù việc hạ sát một diện tích rừng rộng lớn không thể diễn ra trong ngày một ngày hai.

Một cánh rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 81 trên núi Cô Sáu (thị trấn An Thới) bị đốt trụi.

Tương tự, một diện tích lớn rừng cây lâu năm trên ngọn núi phía sau khu di tích nhà tù Phú Quốc cũng đã bị san phẳng. Trên thực địa cho thấy để phá được diện tích rừng rộng lớn này, lâm tặc phải thực hiện trong thời gian rất dài.

Bên diện tích rừng vừa hạ sát mới tinh, những gốc cây bị chặt từ trước đã mọc nhánh, đâm chồi, chứng tỏ “công cuộc” này diễn ra rất dai dẳng. Từ điểm rừng bị phá này, chỉ cách một lớp “áo” cây xanh, bụi rậm là đến khu đất đang triển khai dự án resort 5 sao.

Từ An Thới chạy dài lên Dương Tơ, Hàm Ninh... hầu như đến đâu người dân địa phương cũng có thể chỉ ra một địa điểm rừng bị khoét lỗ, bị lấn chiếm, “đánh tráo” bằng các loại cây khác.

Nơi gần những dự án lớn thì việc phá rừng càng nóng hơn. Mục đích phá rừng chiếm đất không gì hơn là chờ hợp thức hóa hoặc bán đất, hoặc chờ bồi hoàn khi dự án được triển khai.

Phải... tế nhị chút xíu (?!)

Những người dân sống lân cận khu vực rừng bị phát hoang không biết cụ thể bao nhiêu rừng bị phá. Họ chỉ có thể so sánh một cách dân dã là rừng “trống như sân banh”. Và những “sân banh” ấy cứ xuất hiện, lan ra ở nhiều nơi trên đảo.

Từ rừng phòng hộ cho đến rừng thuộc vườn quốc gia, việc phá rừng vẫn đang diễn ra hằng ngày hằng đêm với đủ thủ đoạn phá từ trong ra ngoài, từ dưới lên trên, từ tỉa từ từ cho đến phát hoang, đốt sạch...

Tại khu vực tổ 4, ấp Đường Bào (xã Dương Tơ), lâm tặc còn đưa cả cưa máy để xẻ gỗ ngay tại rừng. Rừng phá xong còn được làm ranh phân chia diện tích bao chiếm, làm chòi giữ đất, trồng cây(!). Đây là khu vực rừng phòng hộ đã được giao cho xã quản lý.

Tại xã Hàm Ninh, nhiều khu rừng vẫn tiếp tục bị bức tử. Trong đó, có cả rừng thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc. Thậm chí, tại một khu rừng nằm cặp con đường từ Hàm Ninh lên Cây Sao, đối diện một trường học, rừng đã bị cắm cọc bao chiếm lên đến tận chân núi.

Đi sâu bên trong, những thân gỗ to đã bị dùng sơn đánh dấu để chuẩn bị cho việc chặt hạ. Cạnh đó, một khu rừng rộng lớn khác cũng bị dọn hoang, trồng xoài.

Người dân ở đây cho biết “chủ” của những khu rừng bị bao chiếm này là người ở Hàm Ninh và một người trong đất liền. Cách không xa vị trí rừng bị bao chiếm này là trụ sở trạm kiểm lâm Cây Sao.

Ở rừng phòng hộ tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, lâm tặc che chòi, rào ranh đất và chặt phá cả những cây lâu năm.

Không chỉ có những khu đất đẹp, rừng gần mặt lộ mới bị bao chiếm, tại khu vực gần suối Rạch Cá (xã Hàm Ninh), vùng giáp ranh rừng phòng hộ và rừng thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc cũng đã bị phát hoang.

Thậm chí, song song với cột mốc số 272, thuộc tiểu khu 78, rừng phòng hộ còn xuất hiện các cột bêtông chạy dài vô rừng để chiếm đất. Tại khu vực này, việc phá rừng vẫn đang tiếp diễn.

Mặc dù trời mưa nhưng khi chúng tôi có mặt tại tiểu khu 78, những kẻ phá rừng vẫn đang dùng búa để triệt hạ cây. Nhác thấy có người, nhóm lâm tặc rút nhanh vào rừng sâu.

Cũng tại tiểu khu 78, rừng phòng hộ Phú Quốc dưới chân núi Hàm Ninh, nơi giáp ranh với khu vực rừng phòng hộ vừa được điều chỉnh ranh giới, phía sau biển “Cấm vào rừng”, những dãy rừng đã bị phát hoang, phân lô bao chiếm đất.

Nhiều cán bộ có trách nhiệm giữ rừng ở Phú Quốc tỏ ra “ngạc nhiên” về thực trạng rừng tan hoang mà phóng viên ghi nhận.

Ông Huỳnh Long Hải, hạt trưởng Hạt kiểm lâm Phú Quốc, khẳng định để xảy ra phá rừng thì kiểm lâm địa bàn phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng chịu trách nhiệm chính phải là lãnh đạo các xã, thị trấn có rừng bị phá.

Ông Nguyễn Văn Thái, phó chủ tịch UBND xã Hàm Ninh, thừa nhận đã phát hiện nhiều trường hợp bao chiếm trái phép đất rừng.

“Chúng tôi phải làm (xử lý - PV) dứt điểm. Nhưng phải tế nhị chút xíu” - ông Thái nói. Cũng theo lãnh đạo xã này, do cột mốc rừng di dời nhưng chưa bàn giao thực địa cho xã quản lý nên trách nhiệm để xảy ra phá rừng vẫn phải là chủ rừng.

Do lực lượng mỏng?

Trước tình trạng rừng bị phá nghiêm trọng, ông Phạm Quang Bình - Giám đốc ban quản lý Vườn quốc gia Phú Quốc - đổ lỗi cho lực lượng mỏng.

Ông nói: “Tính ra, hiện nay mỗi cán bộ kiểm lâm đang phải chịu trách nhiệm bảo vệ gần 1.000 ha rừng. Lực lượng chênh lệch với diện tích như vậy thì thử hỏi có bảo vệ rừng tốt được không.

Cho nên tôi đã kiến nghị tỉnh cần phải tăng cường biên chế, và đi kèm với con người thì phải có trang thiết bị đầy đủ. Nếu không xin thêm được biên chế thì phải thường xuyên tổ chức các đợt tăng cường lực lượng từ đất liền ra đảo”.

Bắt được nhưng khó xử

Theo ông Nguyễn Ngọc Quyết (Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang, trưởng đoàn liên ngành truy quét chống chặt phá rừng Phú Quốc), tính từ ngày 22/7 đến nay, đoàn liên ngành đã phát hiện sáu vụ phá rừng quốc gia Phú Quốc.

Trong số sáu vụ này chỉ có một vụ xác định được người vi phạm và ra quyết định xử phạt 2 triệu đồng. Năm vụ không có người đứng ra nhận.

Đoàn liên ngành cũng đã phát hiện 45 vụ chặt phá, đốt, lấn chiếm và mua bán đất rừng phòng hộ trái phép với tổng diện tích 44,3 ha, 10 căn nhà tạm cất trái phép trong rừng phòng hộ. Trong đó xác định được đối tượng vi phạm 22 vụ, 23 vụ chưa xác định được đối tượng.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150905/khoet-ruot-rung-phu-quoc-ky-1-rung-trong-nhu-san-banh/963573.html

Theo Tiến Trình - Khoa Nam/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm