Sách Vùng đất quỷ tha ma bắt. Ảnh: Quỳnh Chi. |
Nếu quê hương của bạn là một “Vùng đất quỷ tha ma bắt”, nơi bạn từng bị kỳ thị, từng không được sống đúng với giá trị của bản thân mình, thì bạn có muốn quay trở về vùng đất đó không?
Bi kịch của những người không được sống là chính mình
Vùng đất quỷ tha ma bắt của Kevin Chen tựa một chiếc rương hành lý đã cất giữ nhiều món đồ cũ kỹ, và cả bẩn thỉu, trong một thời gian dài: ký ức, bí mật, bi kịch, lịch sử, chính trị, lựa chọn, hậu quả, tình dục… tất cả bị nén chặt cùng nhau. Khi mở chiếc rương ấy, dù chỉ một chút, cũng đủ để những câu chuyện tăm tối bắt đầu trào ra.
Nhân vật trung tâm của câu chuyện là Trần Thiên Hoành. Anh vừa trở về Vĩnh Tĩnh, một thị trấn nghèo ở miền Trung Đài Loan (Trung Quốc), sau thời gian thụ án vì tội giết người tại Berlin (Đức). Toàn bộ câu chuyện gói gọn trong một ngày duy nhất: rằm tháng bảy âm lịch.
Góc nhìn của câu chuyện liên tục dịch chuyển giữa các thành viên gia đình của Thiên Hoành, bao gồm cả người đang sống và người đã khuất: năm chị gái lớn, một anh trai, một người cha không bao giờ nói chuyện và một người mẹ nói không bao giờ ngừng. Mỗi người đều có một câu chuyện phía sau. Những câu chuyện này được tiết lộ nhanh chóng đến mức đôi khi người đọc cảm thấy “bị ngợp” đến mức khó nắm bắt.
Đó là câu chuyện về một cuộc hôn nhân mai mối không tình yêu; về một người mẹ chồng hằn học với con dâu theo cách mình từng bị đối xử; về những người con gái “không mong đợi” được sinh ra; về một người con trai đồng tính không thể nối dõi tông đường… Mỗi người đều có những bí mật muốn che giấu. Nhưng sau cùng, họ đều mang một bi kịch giống nhau: đó là không được sống đúng với giá trị bản thân mình.
Khác biệt địa lý, nỗi niềm giống nhau
Lật giở hơn 400 trang sách của Vùng đất quỷ tha ma bắt, có lẽ nhiều độc giả sẽ giống như tôi, không ít lần phải khóc, cười cùng nhân vật. Bởi, mặc dù bối cảnh câu chuyện ở tận vùng đất Đài Loan xa xôi, nhưng đâu đó ta vẫn bắt gặp những văn hóa, tập tục, lễ nghi được đề cập ở ngay chính cuộc sống quanh mình. Có không ít vùng nông thôn ở Việt Nam, tư tưởng mê tín dị đoan, trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại. Và kể cả khi những phong trào của cộng đồng LGBT không ngừng khởi sắc, đâu đó vẫn còn nhiều người phải sống với nỗi mặc cảm về xu hướng giới tính của mình.
Đặc biệt, gia đình chính là yếu tố dễ đồng cảm nhất. Có lẽ đối với phần đông người châu Á, gia đình luôn có sự tác động mạnh mẽ đến cuộc sống cá nhân. Dẫu có bao nhiêu mâu thuẫn, cuối cùng người ta vẫn không thể từ bỏ gia đình của mình. Giống các chị gái của Trần Thiên Hoành, dù có mâu thuẫn chị em gái, dù không được xem trọng như hai người con trai, họ vẫn dành tình yêu thương cho nhau và cố gắng bảo bọc em trai của mình. Giống người cha dù đã khuất từ lâu, vẫn canh cánh nỗi lòng vì không thể bảo vệ được người con trai đồng tính.
Và sau cùng, gạt qua những góc khuất, những “vùng đất quỷ tha ma bắt” trong nội tâm mỗi người, ta sẽ thấy ai cũng có những điểm đáng yêu, đáng đồng cảm.
Nếu bạn yêu thích phong cách hài kịch đen và sẵn sàng dành thời gian để chiêm nghiệm, Vùng đất quỷ tha ma bắt sẽ là cuốn sách xứng đáng có trên kệ. Với sức nặng về nội dung được truyền tải, tôi tin rằng mỗi người sẽ tìm thấy trong sách câu chuyện của chính bản thân mình.
Bài viết của độc giả Quỳnh Chi, được gửi từ email nq...k@gmail.com.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.