Bà Park Geun Hye trở thành tổng thống dân cử đầu tiên của Hàn Quốc bị phế truất. Việc bà rời Nhà Xanh giúp chấm dứt thời kỳ khủng hoảng chính trị của Hàn Quốc, song vẫn chưa thể đem lại giải pháp cho những vấn đề nhức nhối của quốc gia này.
Khủng hoảng từ bên trong
Hàn Quốc "đang đối mặt với một núi thách thức", Rajiv Biswas, nhà kinh tế học khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại IHS Markit, nhận xét.
Bê bối chính trị gần đây khiến nền kinh tế Hàn Quốc lao đao với nhiều vấn đề mới nảy sinh trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại và triển vọng không mấy tươi sáng.
Vụ bê bối của bà Park Geun Hye cũng kéo nhiều công ty lớn của "con rồng châu Á" vào vòng lao lý. Người thừa kế đế chế Samsung, Lee Jae Yong, đang bị bắt và điều tra với nhiều cáo buộc, trong đó có hối lộ. Người lãnh đạo tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc có nguy cơ chịu án nhiều năm tù nếu bị kết tội.
Những mối liên hệ phức tạp xung quanh bê bối chính trị của cựu Tổng thống Park Geun Hye. Đồ họa: Nguyên Anh. |
Samsung có thể còn rơi vào tình hình khó khăn hơn nếu khoảng trống quyền lực khiến họ phải trì hoãn các quyết định quan trọng về chiến lược và đầu tư. Tập đoàn này ước tính đóng góp tới 15% GDP Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định chưa chắc tổng thống mới có thể giải quyết được các vấn đề kinh tế lớn của họ, bao gồm lực lượng lao động già hóa và thị trường lao động co hẹp.
Các nhà kinh tế học không mấy lạc quan về triển vọng của Hàn Quốc năm nay. "Nền kinh tế này khó mà bật lên mạnh được", Krystal Tan, nhà kinh tế học khu vực châu Á của Capital Economics, dự báo.
"Tăng trưởng có thể bị ghìm lại bởi nợ công cao, ngành vận tải biển vẫn đang tái cấu trúc và nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài". Ông Tan cho hay việc cải tổ Hàn Quốc rất ít được bàn đến. Quốc hội nước này thiếu một đảng nắm đa số ghế, "tức là bất kỳ ai đắc cử cũng sẽ rất khó thực hiện cải tổ".
Về mặt xã hội, phán quyết phế truất bà Park Geun Hye đã khiến xã hội Hàn Quốc căng thẳng và chia rẽ sâu sắc. Trong những tháng gần đây, hai phe phản đối và ủng hộ cựu tổng thống đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình trên đường phố thủ đô Seoul.
Phía ủng hộ bà Park chủ yếu là người cao tuổi, vốn đã chứng kiến giai đoạn bùng nổ phát triển kinh tế dưới thời cha bà là Tổng thống Park Chung Hee. Ngược lại, phe phản đối phần lớn là thanh niên và giới trung lưu, những người từ lâu đã bất mãn trước những vấn đề kinh tế và xã hội. Ngay hôm nay, hàng nghìn người ủng hộ bà Park tập trung tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc để kêu gọi thả bà.
Ngày 11/3, người ủng hộ cựu Tổng thống Park Geun Hye tràn ra đường biểu tình phản đối phán quyết phế truất bà của Tòa án Hiến pháp. Ảnh: Duy Tín. |
Mối đe dọa Triều Tiên
Việc thiếu người dẫn dắt cũng được dự đoán sẽ khiến Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc phản ứng với khủng hoảng và các mối đe dọa an ninh. Đặc biệt, an ninh Seoul đang phải đương đầu với nguy cơ từ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Ngay đầu năm 2017, giữa lúc Nhà Xanh đang loay hoay trong bê bối chính trị của và Park, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố nước này sẽ tiến hành thử tên lửa thường xuyên hơn.
Trong vòng 2 tháng, Bình Nhưỡng liên tiếp có những hành động khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại. Những thông tin về việc Triều Tiên đang tái khởi động lò hạt nhân Yongbyon hoàn toàn có căn cứ.
Theo Diplomat, đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền Kim Jong Un dần tiến tới việc sở hữu vũ khí hạt nhân nhằm trực tiếp đe dọa Hàn Quốc cũng như phản đối chính sách thù địch của Mỹ.
Triều Tiên nhiều lần thử tên lửa trong 3 tháng đầu năm 2017. Ảnh: Yonhap. |
Hồi tháng 2, sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo ra vùng biển của Nhật Bản, tất cả những gì Hàn Quốc làm là triệu tập họp an ninh tại Văn phòng tổng thống lên tiếng phản đối. Bê bối chính trị và khoảng trống quyền lực tại Seoul tạo cơ hội để Triều Tiên gây không khí căng thẳng trong khu vực.
Sự vắng mặt của tổng thống cũng khiến Hàn Quốc khó hợp tác với các quốc gia nhằm phản ứng lại trước động thái của Bình Nhưỡng cũng như nhiều vấn đề khác của khu vực và thế giới.
Loay hoay với đồng minh và láng giềng
Trong 3 tháng đầu của nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng 4. Tuy nhiên, kế hoạch về một cuôc gặp song phương giữa tân tổng thống Mỹ và người đồng cấp Hàn Quốc chưa được hé lộ. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi về tương lai quan hệ Mỹ - Hàn.
Trong khi chính quyền Trump đang tìm cách thiết lập một chính sách mới ở châu Á - Thái Bình Dương, cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đang ở trong trại giam, còn quyền tổng thống Hwang Kyo Ahn chỉ đóng vai trò tạm thời.
Điều này có nghĩa Seoul không thể bày tỏ quan điểm và cách tiếp cận của mình với Washington một cách rõ ràng, cho đến khi tổng thống mới xuất hiện sau cuộc bầu cử vào tháng 5 tới. Đặc biệt khi Tổng thống Trump vốn là người làm kinh doanh, luôn thẳng thắn và thực tế.
Ông Trump cùng đội ngũ của mình đang tỏ ra cứng rắn với Triều Tiên, trong khi Hàn Quốc đang gần như im lặng.
Cùng trong khoảng thời gian này, mối quan hệ Nhật - Hàn gặp không ít sóng gió xoay quanh vấn đề “phụ nữ mua vui” từ Thế chiến II. Dù đã nhận một khoản đền bù trị giá 9 triệu USD từ Tokyo, chính quyền Park Geun Hye không thể giải quyết vấn đề trên do đang mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng chính trị từ cuối năm 2016.
Quan hệ Nhật - Hàn gặp không ít sóng gió xoay quanh vấn đề "phụ nữ mua vui" từ Thế chiến 2. Ảnh: Reuters. |
Trong quan hệ với Trung Quốc, từ những ngày đầu nhậm chức, bà Park luôn tìm cách thúc đẩy mối quan hệ với quốc gia Đông Bắc Á này. Tuy nhiên, quyết định để Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc đã thay đổi mọi thứ.
Theo nhận định của các nhà quan sát, một trong những thách thức mà Hàn Quốc cần phải đương đầu là việc Bắc Kinh tăng cường các hành động “trả đũa” nhằm vào ngành du lịch và thương mại, do Seoul cho phép Mỹ triển khai THAAD.
Theo CNN, các công ty du lịch ngừng bán tour tới Hàn Quốc và gây khó dễ cho một tập đoàn lớn của nước này tại đây. Trung Quốc là thị trường cho 25% hàng xuất khẩu Hàn Quốc và đóng góp nửa khách du lịch hàng năm cho nước này. Nhà kinh tế học Biswas cho rằng kinh tế Seoul đang gặp rủi ro lớn vì đòn trả đũa của nước láng giềng.
Nhìn tổng quát, cuộc khủng hoảng chính trị của Hàn Quốc diễn ra đúng vào lúc mối đe dọa an ninh từ Triều Tiên tăng lên, quan hệ với các nước láng giềng xấu đi trong khi tương lai với đồng minh Mỹ bất định.
Khoảng trống quyền lực ở Nhà Xanh sẽ khiến Seoul gặp khó khăn hơn trong việc phối hợp và xây dựng chính sách rõ ràng, nhất quán, hiệu quả với Bình Nhưỡng và các đối tác khu vực.