Cảnh sát Seoul đã lên kế hoạch triển khai hơn 10.000 nhân viên để giám sát cuộc biểu tình được tổ chức ở gần Tòa thị chính do lo ngại đụng độ xảy ra.
Trước đó, cựu tổng thống Park ngày 31/3 được đưa tới một trại giam gần thủ đô Seoul ngay sau khi Tòa án Quận Trung tâm Seoul công bố lệnh bắt giữ bà.
Hàng chục người ủng hộ Park Geun Hye đã tập trung bên ngoài nơi giam giữ bà. Một số người đã khóc và cúi mình về hướng trại giam, bày tỏ sự kính cẩn với cựu tổng thống. Những người này thề sẽ "bảo vệ" bà.
Người ủng hộ và phản đối bà Park Geun Hye xuống đường biểu tình. Ảnh: Reuters. |
Sau khi bị phế truất, bắt giam là bước tiếp theo khiến uy tín và danh dự của bà Park suy giảm trầm trọng. Đây cũng được coi là mong mỏi của hàng triệu người Hàn Quốc tham gia biểu tình phản đối bà trong nhiều tháng qua.
Ngày 30/3, cựu tổng thống Hàn Quốc tham dự một phiên tòa kéo dài gần 9 giờ để thẩm phán xem xét quyết định chính thức bắt giam bà.
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc hôm 30/3 đã ra phán quyết giữ nguyên quyết định của Quốc hội luận tội bà Park, đồng nghĩa bà bị phế truất khỏi cương vị tổng thống. Bà Park là tổng thống dân cử đầu tiên của Hàn Quốc bị phế truất.
Vụ bê bối xung quanh người bạn thân Choi Soon Sil đã khiến bà Park mất chức. Bà bị cáo buộc để bà Choi can thiệp vào công việc nhà nước, lợi dụng mối quan hệ với tổng thống để trục lợi.
Bà Choi được cho đã ép các tập đoàn lớn của Hàn Quốc quyên góp hàng triệu USD vào 2 quỹ phi lợi nhuận do bà lập ra, đổi lại là đặc quyền kinh doanh dành cho các tập đoàn. Bà Choi và Phó chủ tịch Samsung Lee Jae Yong đã bị bắt.
Những người phản đối và ủng hộ bà Park tiến hành nhiều cuộc biểu tình trên đường phố Seoul trong những tháng gần đây. Ba người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa người ủng hộ bà Park và cảnh sát hôm 10/3 sau khi Tòa án Hiến pháp quyết định phế truất bà.