Chiều 18/10, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV.
Theo chương trình, kỳ họp thứ 2 sẽ khai mạc vào 20/10, dự kiến làm việc trong thời gian 26 ngày (không kể ngày nghỉ).
Tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật được quan tâm và chú trọng (chiếm khoảng 65% thời gian của kỳ họp) vì chương trình nghị sự của kỳ họp thứ nhất tập trung cho công tác nhân sự của Nhà nước.
Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 13 dự án luật khác.
Các dự án luật và nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật về hội; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự…
Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến gồm: Luật đường sắt (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ…
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Thắng Quang. |
Đặc biệt, Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TAND tối cao, VKSND tối cao và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước.
Quốc hội thảo luận các báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016; Báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường và bài học kinh nghiệm, các giải pháp để bảo vệ môi trường; Báo cáo về tình hình Biển Đông.
Trả lời báo chí về việc Quốc hội sẽ nghe báo cáo về sự cố môi trường biển ở miền Trung, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay Quốc hội đã giao Uỷ ban Khoa học - Công nghệ vào giám sát sớm, kiến nghị cụ thể, yêu cầu Formosa trước khi vận hành chính thức phải đảm bảo tất cả các điều kiện an toàn mới cho phép vận hành.
"Vấn đề đền bù thì Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, đánh giá, phân loại để đền bù", ông Phúc nói.
Về câu hỏi Chính phủ đã thực hiện khoán xe công, Quốc hội tới đây có thực hiện không? Ông Phúc nói rất hoan nghênh chủ trương này.
Ông cho biết cách đây hơn chục năm đã có lãnh đạo Văn phòng Quốc hội thực hiện khoán xe công và nay cũng đang có người thực hiện.
"Chúng tôi ủng hộ và thực hiện từ sớm. Nhưng như Bộ Tài chính khoán xe công chưa phải hiệu quả lắm vì thực ra khoán là phải bớt được đầu xe đi. Cái chính là giải quyết bài toán khoán xe công bằng biện pháp xã hội hoá, gom một đầu mối chung.
Còn chỉ khoán từ nhà đến cơ quan thì không hiệu quả, mỗi thứ trưởng vẫn có một xe như thế thì hiệu quả làm sao được. Chúng tôi đang xây dựng đề án làm sao để hiệu quả hơn nữa", ông Phúc khẳng định.