Tối 27/4, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm đồng cho biết nguyên nhân ban đầu của vụ sụt lún tại phường 2, TP Đà Lạt, là nền đất yếu. Theo ông Phạm S, khu vực vừa xảy ra sự cố nứt, trượt có nền đất rất yếu nhưng lại chứa lượng nước ngầm lớn.
Đặc biệt, trong những ngày qua tại Đà Lạt có lượng mưa hơn 110 mm, do đó nước tích tụ về khu vực trên dẫn đến tình trạng nền đất đã yếu lại nhão ra. Trước sự đè nặng của các công trình được xây dựng trên bề mặt đất đã gây nên hiện tượng nứt, trượt mặt đất theo hướng từ đường Nguyễn Văn Trỗi xuống đường Phan Đình Phùng, Trương Công Định.
Để khắc phục sự cố trên, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất với các chuyên gia là đóng toàn bộ hệ thống nước dẫn tới khu vực trên; tiến hành bơm hút nước; đổ bê tông bịt kín những miệng đất bị trượt, nứt; đưa ra các giải pháp làm khô nền đất; đồng thời cho tháo dỡ những căn nhà có nguy cơ sập đổ.
Một căn nhà của người dân bị nứt toát tối 25/4. Ảnh: CTV. |
Trong ngày 27/4, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chủ trì cuộc họp với các cơ quan chức năng và đại diện khoa Địa chất (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) cùng Công ty Cổ phần địa chất Kawasaki (Nhật Bản) để để tìm nguyên nhân nứt đất tại trung tâm TP Đà Lạt tối 25/4.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết có 45 gia đình với 218 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc nứt trên đường Nguyễn Văn Trỗi.
Theo ông Trình, các vết nứt đang có dấu hiệu tăng thêm vào sáng 27/4 và nước bùn xì lên.
"Sáng nay nhiều gia đình tiếp tục di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm dưới sự hỗ trợ của lực lượng chức năng. Nhiều mảng tường nhà dân bị bong, tróc, có dấu hiệu xô đẩy nền đất từ hướng đường Nguyễn Văn Trỗi về hướng đường Phan Đình Phùng, Trương Công Định", ông Trình thông tin.
Theo đại diện Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng, bước đầu qua kiểm tra hệ thống nước thải và cấp nước sinh hoạt trong khu vực trên đều hoạt động bình thường, không phát hiện dấu hiệu bị rò rỉ.
Các cơ quan chức năng nghi vấn khả năng nứt do cống ngang đã được xây dựng cách đây từ rất lâu; kết cấu nhà ở, móng không đảm bảo, hầu hết nhà ở trong khu vực là móng đơn; mưa lớn kéo dài dẫn đến tình trạng trượt đất.
Người dân di dời đồ đạc đi nơi khác. Ảnh: Minh Quý. |
Đặc biệt, theo các cơ quan chức năng, tại khu vực xảy ra sự cố trước đây có một bãi rác. Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành khoan thăm dò địa chất để xác định vị trí của bãi rác trên.
“Nếu trước đây có bãi rác, bị san lấp, phân hủy theo thời gian thì chỉ cần sụt lún vài chục cm thì sẽ dẫn đến tình trạng sụt, nứt bề mặt đất. Tôi đề nghị các đơn vị liên quan phải chú ý đến nguyên nhân này”, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp các cơ quan chuyên môn đã đưa ra đề xuất, tiến hành khoan thăm dò, đánh giá tổng thể kết cấu địa chất tại khu vực này, đồng thời lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động khi có dấu hiệu bất thường, thay đổi địa chất.
Đường Nguyễn Văn Trỗi nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Google Maps. |