Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 41/2021 hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và chế độ kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vaccine phòng Covid-19.
Một trong những điểm đáng chú ý của thông tư này là việc cơ quan quản lý cho phép các tổ chức, doanh nghiệp tính các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện cho quỹ vaccine phòng Covid-19 vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp theo tại Nghị định số 44/2021/NĐ-CP.
Cũng theo thông tư mới ban hành, quỹ vaccine phòng Covid-19 được xác định sử dụng cho các nhiệm vụ hỗ trợ, tài trợ hoạt động mua, nhập khẩu vaccine; nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước; sử dụng vaccine phòng Covid-19.
Quỹ này sẽ được phép vận động và tiếp nhận và sử dụng các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vaccine và các loại hình vật chất khác từ tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, nhưng không bao gồm vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế hỗ trợ cho phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho phép quỹ vaccine được mở tài khoản giao dịch tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại để tiếp nhận các khoản đóng góp, tài trợ, hỗ trợ bằng tiền của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Các khoản đóng góp của doanh nghiệp vào quỹ vaccine phòng Covid-19 sẽ được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Ảnh: Bộ Y tế. |
Với số vốn nhàn rỗi thuộc quỹ là VND, quỹ được phép gửi có kỳ hạn tối đa không qua 3 tháng tại các ngân hàng thương mại để bảo toàn và phát triển nguồn vốn, nhưng phải đảm bảo an toàn.
Về hoạt động tiếp nhận các khoản đóng góp, Bộ Tài chính cho biết các khoản hỗ trợ, đóng góp bằng tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của quỹ mở tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng BIDV và Vietcombank.
Với các khoản tài trợ, đóng góp bằng vaccine, Bộ Y tế sẽ là đơn vị thực hiện tiếp nhận để quản lý, phân phối và sử dụng theo quy định.
Theo đó, Bộ Y tế có trách nhiệm xác định giá trị quy tiền đồng của vaccine được tài trợ cho quỹ và định kỳ 10 ngày lập báo cáo gửi quỹ để hạch toán phản ánh vào thu, chi.
Cơ sở để xác định giá trị quy tiền của vaccine là các hóa đơn, chứng từ do nhà tài trợ cung cấp. Nếu không có hóa đơn, chứng từ của nhà tài trợ thì giá trị quy tiền của vaccine được xác định theo giá tạm tính. Sau đó Bộ Y tế xác định giá chính thức của vaccine được tài trợ theo quy định của pháp luật rồi báo cáo quỹ để điều chỉnh hạch toán nếu có chênh lệch.
Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Thủ tướng về hoạt động quản lý, sử dụng tiền được cấp từ quỹ vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Chí Hùng. |
Với các khoản tài trợ, đóng góp bằng các loại hình vật chất khác, quỹ sẽ thực hiện tiếp nhận để quản lý, theo dõi và hạch toán phản ánh vào số thu khi xuất bán theo quy định.
Về thẩm quyền quyết định chi, Bộ Y tế sẽ là đơn vị chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu kinh phí để mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19. Số này sau đó phải trình Thủ tướng quyết định và căn cứ các nội dung chi được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Y tế lập hồ sơ đề nghị xuất quỹ.
Theo Thông tư 41/2021 của Bộ Tài chính, Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Thủ tướng về các hoạt động quản lý, sử dụng số tiền được cấp từ quỹ để mua, nhập khẩu vaccine, tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; quản lý, sử dụng vaccine đã mua, nhập khẩu và vaccine đã tiếp nhận từ các nhà tài trợ.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu quỹ vaccine phòng Covid-19 công khai báo cáo tài chính quỹ hàng tháng, 6 tháng và 1 năm, đồng thời thực hiện báo cáo quyết toán quỹ. Trong đó, nội dung cong khai gồm số tiền huy động; danh sách tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp; nội dung và số tiền đã chi; số dư quỹ còn lại.