Trả lời Zing, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết tinh thần của Chính phủ là mọi doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vaccine nhập khẩu đều được hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa để có vaccine sớm nhất.
Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết mọi loại vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép đều được nhập khẩu kể cả khi nhà sản xuất chưa làm thủ tục xin cấp phép, cấp số đăng ký tại Việt Nam.
Đối với những vaccine WHO chưa cấp phép nhưng đã được các nước cấp phép sử dụng thì khi có đơn vị tiếp cận được, Bộ Y tế cũng tiến hành cấp phép ngay theo thủ tục rút gọn, tối đa 5 ngày.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường. Ảnh: Tùng Hiếu. |
Được tạo mọi điều kiện
“Tất cả những doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vaccine nhập khẩu đều được hướng dẫn, tạo mọi điều kiện để có vaccine sớm nhất”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường nói.
Tuy nhiên, ông lưu ý các doanh nghiệp nên đàm phán với chính nhà cung cấp vaccine để đảm bảo nguồn tin cậy. Ông nhấn mạnh nguồn tin cậy nhất là phải được sự giám sát của Chính phủ nước sở tại hoặc Bộ Y tế.
Nếu không đàm phán được trực tiếp với nhà cung cấp, doanh nghiệp nên đàm phán với các công ty mà được nhà sản xuất ủy quyền bằng giấy tờ hợp lệ.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết cơ quan này đã cấp phép cho 36 doanh nghiệp đủ điều kiện để nhập khẩu vaccine về Việt Nam. Các doanh nghiệp sau khi đàm phán được với nhà cung cấp có thể liên hệ với Bộ Y tế hoặc 36 công ty trên để đưa vaccine về Việt Nam.
Tổ chức tiêm là vấn đề rất quan trọng. Nếu khi gây ra phản ứng phụ, phải có cán bộ chuyên môn cấp cứu kịp thời
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường
Thứ trưởng Cường giải thích vaccine là một mặt hàng đặc biệt, là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Do đó, chỉ doanh nghiệp nào đủ điều kiện mới được cấp phép nhập khẩu vaccine.
Ông giải thích doanh nghiệp nhập vaccine về phải có kho lưu trữ và bảo quản đủ tiêu chuẩn, có cán bộ chuyên môn về lĩnh vực vaccine, có xe và thiết bị chuyên dụng để vận chuyển vaccine…
Đặc biệt, khi tổ chức tiêm cũng phải có nhân viên y tế được đào tạo, để sẵn sàng xử lý các vấn đề nếu có rủi ro xảy ra như sốc phản vệ. “Tổ chức tiêm là vấn đề rất quan trọng. Nếu khi gây ra phản ứng phụ, phải có cán bộ chuyên môn cấp cứu kịp thời”, ông Cường nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết bất cứ doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh, nộp hồ sơ tới Bộ Y tế sẽ được xem xét cấp phép, chứ con số không dừng lại ở 36 doanh nghiệp như hiện tại.
Ai được ưu tiên tiêm trước?
Zing đặt câu hỏi: “Trường hợp doanh nghiệp nhập vaccine về nước thông qua các công ty đủ điều kiện, họ có được toàn quyền sử dụng số vaccine ấy không, hay tiêm cho ai là do Bộ Y tế quyết định?”.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết vì hiện lượng vaccine về Việt Nam rất hạn chế, do đó Chính phủ đang quyết định đối tượng được tiêm trước. Theo đó, vaccine đang được ưu tiên cho tuyến đầu chống dịch, các vùng dịch phức tạp.
Do đó, trước mắt nếu doanh nghiệp nhập vaccine về thì vẫn phải tuân thủ các nghị quyết của Chính phủ. Điều đó có nghĩa là vaccine sẽ được sử dụng cho các đối tượng ưu tiên trước.
Tuy vậy, ông Cường nói đối tượng ưu tiên hiện tại đã được mở rộng sang công nhân tại các khu công nghiệp, hoặc những người dễ gặp rủi ro về dịch bệnh. Việc tiêm vaccine cho đối tượng nào phải đảm bảo nguyên tắc công bằng trong việc tiếp cận vaccine.
Nghị quyết 21/NQ-CP quy định một số đối tượng ưu tiên tiêm vaccine là những người làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ thiết yếu như vận tải, hàng không, điện lực, du lịch. Ảnh: Thạch Thảo. |
Do đó, doanh nghiệp có công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp, hay thuộc các ngành nghề gặp rủi ro về dịch bệnh hoàn toàn có thể được ưu tiên tiêm chủng trước khi có nguồn vaccine.
“Khi dần dần có đủ vaccine để tiêm cho toàn dân thì chúng ta mới tính đến các đối tượng tiếp theo. Việc ưu tiên cho đối tượng nào còn phụ thuộc vào tình hình cung ứng vaccine nữa”, ông Cường chia sẻ.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc ủng hộ thứ tự ưu tiên tiêm vaccine nên đảm bảo nguyên tắc tiếp cận công bằng, căn cứ vào mức độ rủi ro, và căn cứ vào thứ tự đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Khi dần dần có đủ vaccine để tiêm cho toàn dân thì chúng ta mới tính đến các đối tượng tiếp theo
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường
Trong cuộc họp ngày 4/6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đánh giá trong lúc vaccine đang khan hiếm, tâm lý chung của từng người, từng doanh nghiệp, ngành nghề… đều muốn được tiêm trước. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh không thể vì doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ kinh phí mua vaccine mà lấy đi cơ hội của những người chịu rủi ro nhiều hơn.
“Cần được ưu tiên tiêm trước theo Nghị quyết 21 của Chính phủ và nguyên tắc tiếp cận công bằng vaccine của Liên Hợp Quốc”, ông nói.
Nghị quyết 21/NQ-CP đã quy định một số đối tượng ưu tiên tiêm vaccine là những người làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ thiết yếu như vận tải, hàng không, điện lực, du lịch.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần sớm cập nhật thêm nhóm đối tượng rủi ro cao là công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, công trường, các địa điểm tiếp xúc với nhiều người hay phải làm việc trong môi trường kín… vào diện khai báo y tế bắt buộc (qua máy tính, điện thoại, khai hộ, bằng giấy, sử dụng tổng đài gọi điện tự động…), cập nhật tình trạng sức khoẻ để đánh giá sàng lọc ban đầu, chuẩn bị cho công tác tiêm vaccine.
Bộ Y tế cho biết theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ nhập khẩu 150 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số từ đủ 18 tuổi trở lên.
Hiện Bộ Y tế đã đặt mua 5 triệu liều của Moderna, 31 triệu liều của Pfizer, 20 triệu liều Sputnik V (Nga), 30 triệu liều từ AstraZeneca, 38,9 triệu liều từ chương trình Covax Facility...
Đến ngày 5/4, Bộ Y tế cho biết đã đàm phán được 170 triệu liều trong năm nay.