Tình trạng trên đang diễn ra tại các xã Xuân Bắc, Xuân Thọ, Suối Cao (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai). Theo nông dân, 3 tháng trở lại đây, khu vực bước vào đợt cao điểm mùa khô nên nguồn nước ngầm ở các giếng khoan đều cạn kiệt.
Việc thiếu nước tưới khiến nhiều ha cây trồng bị ảnh hưởng, nhiều hộ dân buộc phải chặt bỏ cây bắp (ngô) non đem bán để tránh thua lỗ.
Vườn quýt gia đình ông Đảm mới trồng đang đối diện rủi ro do thiếu nước tưới. Ảnh: Ngọc An. |
Ông Hoàng Văn Đảm (ngụ xã Xuân Bắc) nói rằng gia đình ông có trên 7 ha xoài, bưởi, quýt. Giếng khoan cũ cạn kiệt nên ông phải thuê thợ khoan giếng mới để tìm nguồn nước tưới cho cây.
“Đến giờ, tôi cho khoan 7 cái giếng sâu từ 50-100 m nhưng không cái nào đủ nước để tưới. May lắm chỉ đủ cho gia đình tắm giặt, nấu ăn”, ông Đảm cho biết.
Theo nông dân này, 7 ha cây trồng của gia đình ông đang bị ảnh hưởng nặng bởi hạn hán. Ông nói: “Thiếu nước nên cây héo, năng suất giảm. Thời gian đủ nước tưới, trái cây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu còn giờ thành hàng dạt”.
Chung cảnh ngộ, gần 3 ha tiêu của gia đình bà Nguyễn Thị Vui (xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc) đang héo hon vì thiếu nước. Bà nói rằng mùa khô năm nào cũng khiến gia đình phải lo lắng. Bà đã sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt ở gốc cây để giữ ẩm nhưng nguồn nước không đảm bảo nên việc này nhiều lúc bị gián đoạn.
Theo người dân, hơn 10 năm trước, khi việc sản xuất nông nghiệp ở địa phương chưa ồ ạt thì chỉ cần khơi giếng sâu 20 m là đủ nước dùng qua mùa khô. Ông cho biết: “Bây giờ người dân làm rẫy lớn, khoan giếng nhiều nên nước ngầm cũng cạn kiệt”.
Một hộ dân làm đường ống dài nhiều km để đưa nước từ hồ thủy lợi về ao làm nước tưới. Ảnh: Ngọc An. |
Để cứu cây trồng, người dân buộc phải đầu tư đường ống dài nhiều km để dẫn nước từ các hồ thủy lợi về vườn.
Ông Nguyễn Trần Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc), cho biết xã có một dự án công trình thủy lợi dẫn nước từ sông La Ngà (huyện Định Quán, Đồng Nai) về phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng chưa được triển khai.
Theo UBND huyện Xuân Lộc, dự án dẫn nước từ sông La Ngà về địa phương đã được đề xuất với kinh phí dự kiến gần 800 tỷ đồng. Dự án được đánh giá, khảo sát 5 năm nay nhưng chưa thể triển khai do thiếu vốn.
Khu vực xảy ra hạn hán. Ảnh: Google Maps. |