Sự việc khoảng 10 học sinh trường tiểu học Mỹ Tân (Nam Định) mới đây phải nhập viện vì có biểu hiện nôn, đau bụng sau khi uống sữa Cô Gái Hà Lan đã gây xôn xao dư luận. “Khi đó, các cháu có biểu hiện đau bụng nhưng xoa một chút thì hết. Học sinh vẫn chơi bình thường, khoảng 1 tiếng thì tự đi ăn cháo, chạy nhảy trong bệnh viện. Do thấy các cháu đã khỏe mạnh trở lại nên chúng tôi đồng ý cho xuất viện về nhà. Ngày hôm sau thì không có học sinh nào quay lại tái khám”, bác sĩ Đinh Công Minh, Trưởng khoa Cấp cứu Sơ sinh – trực lãnh đạo Bệnh viện Nhi Nam Định hôm đó cho biết.
Sữa giống như thức ăn và khi đã vào trong cơ thể thì tùy theo cơ địa từng người mà có những phản ứng khác nhau. |
Bác sĩ Minh cho biết thêm, các em học sinh bị đau bụng đều không ăn bán trú, mà ăn trưa ở nhà rồi mới đến trường. Đến 15h30, các em uống sữa, sau đó thì có hiện tượng trên và được đưa vào bệnh viện. Theo bác sĩ, khó có thể kết luận học sinh bị nôn do sữa mà có thể vì thực phẩm khác.
Đồng quan điểm, bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Minh Ngọc, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cho rằng, với số lượng 700 học sinh uống sữa như ở trường tiểu học Mỹ Tân nhưng chỉ có khoảng chục em bị nôn ói thì khó có thể kết luận được nguyên nhân. Chưa kể, ngoài uống sữa, các học sinh có thể ăn vặt trong giờ ra chơi hoặc tay dính bẩn khi ăn uống... “Sữa được vận chuyển cả thùng nên nếu có vấn đề sẽ kéo theo vài chục học sinh bị nôn ói chứ không dừng lại ở con số khoảng 10 em”, bác sĩ nói.
Theo bác sĩ Ngọc, sau khi uống sữa, trẻ em bị nôn ói có thể do ba nguyên nhân chính. Một là do không thích, không chịu được mùi sữa nên nôn. Hai là do biểu hiện của bệnh lý khác nên nôn trùng hợp vào đúng lúc uống sữa. Cuối cùng, có thể do cơ thể người không dung nạp sữa nên khi uống vào sẽ bị nôn, tiêu chảy.
“Sữa giống như thức ăn và khi đã vào trong cơ thể thì tùy theo cơ địa từng người mà có những phản ứng khác nhau. Có người hợp với thức ăn này nhưng không hợp với thức ăn kia hoặc hôm này ăn không sao nhưng hôm sau ăn vào lại nôn mửa do thể trạng không tốt”, bác sĩ Ngọc giải thích.
Về vấn đề cho trẻ uống sữa, Thầy thuốc ưu tú - BS.CK II Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khuyên các bà mẹ nên hiểu sữa là thực phẩm trong danh mục dinh dưỡng cần thiết cho con người. Tuy nhiên, không nên chọn sữa theo trào lưu. Phụ huynh cần có sự tư vấn của của bác sĩ dinh dưỡng, bác sĩ nhi khoa hay các cán bộ dinh dưỡng chuyên trách tại các địa phương để chọn những sản phẩm phù hợp với tình trạng sức khỏe, bệnh lý của con mình.
BS Trần Văn Ký, Phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam. |
"Bất cứ một loại sữa nào cũng có một tỷ lệ hư hỏng rất nhỏ tùy theo giám sát quy trình lưu thông hàng hóa trên thị trường của nhà sản xuất. Tuy nhiên, không vì thế mà không cho trẻ uống sữa. Khi uống sữa, nếu thấy hộp sữa bị méo hoặc phồng (mặc dù hộp sữa kín) thì không nên sử dụng hộp sữa đó. Nếu đã lỡ uống mà thấy mùi, vị khác với bình thường thì nên ngưng ngay. Sau khi uống sữa hay ăn thực phẩm mà có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy thì nên đến cơ sở y tế địa phương để được thăm khám".
BS Trần Văn Ký (Phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam)