Hiện tại, bà Phạm Phương Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, đang có khoản vay vài tỷ đồng ở các ngân hàng thương mại với lãi suất sau ưu đãi khoảng 10%. Đây là khoản vay cá nhân nhưng dùng để làm vốn lưu động cho công ty duy trì hoạt động, trả lương cho nhân viên, bởi doanh nghiệp không thể đứng ra vay ngân hàng dù dòng tiền đang rất tốt.
"Nhiều doanh nghiệp du lịch không thể vay ngân hàng vì không có tài sản thế chấp, cũng không thể vay tín chấp, dù có thể chứng minh được dòng tiền và lịch sử tín dụng", bà Phương Anh nói tại một hội nghị mới đây giữa ngành ngân hàng và du lịch TP.HCM.
Tại đây, ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt, cũng cho biết khi liên hệ một số ngân hàng thương mại, ông đều nhận được phản hồi đã hết "room" tín dụng, không thể cho vay. Nếu vay được, doanh nghiệp cũng phải có tài sản thế chấp, nhưng sau 2 năm "ngủ đông" thì tài sản thế chấp đã nằm hết ở ngân hàng.
"Cần có chính sách thoáng hơn giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng vì sau 2 năm khó khăn, đến giờ những ai trụ lại đều thật sự cần vốn mới dám vay, thậm chí phải cân não tính toán từng đồng vốn để hiệu quả", ông Luân nêu ý kiến.
Ngành du lịch TP.HCM đang phục hồi nhưng "khát" vốn. Ảnh: C.H. |
Thậm chí, với những doanh nghiệp đủ điều kiện để vay vốn, khó khăn cũng chưa hết. Ông Bùi Thế Duy, Giám đốc điều hành Công ty Lửa Việt Tours cũng cho biết 2 tháng qua, ngân hàng thường giải ngân chậm, trễ hơn cam kết trong hợp đồng vài ngày. Trong khi đó, các khoản chi phí vé máy bay, khách sạn, nhà hàng đều phải trả đúng hẹn để khởi hành tour. Lượng khách đông khiến doanh nghiệp phải tăng dự trữ tiền mặt khi ngân hàng giải ngân chậm, làm chi phí vốn tăng.
Trả lời các vướng mắc của doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM cho rằng ngân hàng vẫn cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật khi cho vay.
"Các trường hợp vướng mắc liên quan đến doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, tài chính, sổ sách kế toán không minh bạch, sử dụng vốn vay không đúng mục đích... thì các doanh nghiệp phải tự hoàn thiện, thay đổi tốt hơn để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vì ngân hàng cho vay phải đúng quy định, đúng chuẩn. Đặc biệt là các gói hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thì cần phải rà soát kỹ để cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng vốn để ngân hàng có thể quyết toán được với Bộ Tài chính", ông Nguyễn Đức Lệnh chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông, trước các khó khăn chung của doanh nghiệp, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Chính phủ đã ra đời nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn.
Đồng thời mới đây, 10 ngân hàng cũng đã tham gia ký kết, cho vay hỗ trợ 2% lãi suất cho 10 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng, lữ hành của TP.HCM. Tổng số vốn cam kết là 634,6 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 5, các ngân hàng đã hỗ trợ cho vay với 852 doanh nghiệp du lịch, đạt 18.822 tỷ đồng.
Dù vậy, số tiền này chắc chắn vẫn chưa thể giải được cơn "khát" vốn của doanh nghiệp du lịch. Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho rằng cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ hơn trong việc tiếp cận các chính sách và giải pháp hỗ trợ về vốn.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp không tránh khỏi tình trạng nợ xấu hoặc thiếu điều kiện tiêu chuẩn tiếp cận nguồn vốn vay sau 2 năm dịch bệnh, trong khi đây là giai đoạn họ rất cần nguồn vốn xoay vòng để tái khởi động.
Do đó, bà đề nghị các ngân hàng thương mại cùng xem xét có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng với từng doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các gói vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả của doanh nghiệp.
Đồng thời, bà hy vọng sẽ có sự hợp tác, kết nối khác trong thanh toán, giao dịch du lịch, liên kết thực hiện các chương trình khuyến mãi kích cầu du lịch giữa các ngân hàng và doanh nghiệp.