Thời gian gần đây, Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo với tần suất chưa từng có khiến cộng đồng quốc tế quan ngại. Đặc biệt, ngày 4/7, Bình Nhưỡng ghi nhận bước nhảy vọt trong công nghệ tên lửa bằng vụ thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Trong khi mọi sự chú ý dồn về Triều Tiên, phía bên kia vĩ tuyến 38, Hàn Quốc lặng lẽ củng cố kho vũ khí tấn công tầm xa của mình bằng các loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Tuy không rầm rộ nhưng Seoul có đủ quân bài chiến lược để tấn công bao trùm bán đảo Triều Tiên.
Quân bài chiến lược
Theo tạp chí National Interest, Hàn Quốc bắt đầu phát triển công nghệ tên lửa từ những năm 1970, đồng thời Seoul cũng theo đuổi khả năng phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Washington đã gây áp lực để Seoul từ bỏ tham vọng hạt nhân nhưng cho phép phát triển tên lửa.
Mỹ đã đồng ý cho Hàn Quốc sao chép và sửa đổi tên lửa Nike Hercules vốn chế tạo cho nhiệm vụ phòng không thành tên lửa đạn đạo. Phiên bản do Hàn Quốc sản xuất được gọi là NHK-1 (Baekgom). Đây là tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn có chiều dài 12 m, đường kính 0,8 m.
Tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2 phóng thử từ tàu hàng trên biển. Ảnh: Yonhap. |
Dưới áp lực từ Washington, Seoul đồng ý giới hạn tầm bắn ở cự ly 180 km, cùng đầu đạn nặng 480 kg. NHK-1 được phát triển bởi Cơ quan Phát triển Quốc phòng (ADD) và được thử nghiệm lần đầu vào năm 1978.
Sau đó, ADD bắt tay phát triển phiên bản NHK-2, còn gọi Hyunmoo-1, được thử nghiệm vào năm 1985. Tên lửa NHK-2 có khả năng linh hoạt cao hơn so với phiên bản trước. Nó có thể mang đầu đạn liều nổ cao hoặc đạn chùm, với tầm bắn 250 km.
Ban đầu, Mỹ không cho phép Hàn Quốc phát triển tên lửa đạn đạo có tầm bắn trên 200 km. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc đàm phán, năm 2001, Washington nhượng bộ cho Seoul tham gia Quy chế Kiểm soát Công nghệ tên lửa (MTCR).
Tầm bắn của tên lửa đạn đạo Hàn Quốc. Đồ họa: Ariang News. |
Điều này cho phép Hàn Quốc phát triển tên lửa đạn đạo có tầm bắn tới 300 km và đầu đạn nặng 500 kg, trong khi không hạn chế tầm bắn cho các tên lửa có tải trọng đầu đạn nhỏ hơn.
Sau thỏa thuận, Hàn Quốc bắt tay phát triển phiên bản mới của NHK-2 được gọi Hyunmoo-2, tầm bắn 500 km. Những hạn chế đối với chương trình tên lửa Hàn Quốc được nới lỏng dần theo sự tiến bộ của Triều Tiên.
Năm 2012, Mỹ và Hàn Quốc đạt được thỏa thuận mới bật đèn xanh cho phép Seoul phát triển tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2C, tầm bắn 800 km, đầu đạn 500 kg. Tên lửa Hyunmoo-2C được cho là đã tiến hành thử nghiệm trong tháng 6, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2017.
Tầm bắn của Hyunmoo-2C cho phép bao phủ toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên, một bước tiến chiến lược quan trọng của Seoul. Với Hyunmoo-2C, Hàn Quốc có trong tay quân bài chiến lược để đáp trả Triều Tiên nếu xảy ra xung đột.
Hoàn thiện năng lực tấn công
Bên cạnh tên lửa đạn đạo, Hàn Quốc còn đẩy mạnh phát triển tên lửa hành trình tấn công mặt đất dẫn đường công nghệ cao, nhằm hoàn thiện khả năng tấn công chính xác tầm xa. Năm 2006, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa hành trình Hyunmoo-3.
Tên lửa hành trình tấn công mặt đất Hyunmoo-3 trong một cuộc diễu binh. Ảnh: Wikipedia. |
Tên lửa này được ví von là Tomahawk của Hàn Quốc. Năm 2016, Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS) báo cáo tên lửa hành trình Hyunmoo-3 tương tự Tomahawk của Mỹ về cấu trúc và công nghệ dẫn hướng nhưng có tầm bắn ngắn hơn.
Hyunmoo-3A được triển khai lần đầu vào năm 2006 với tầm bắn 500 km. 3 năm sau, phiên bản 3B, tầm bắn 1.000 km được tiết lộ. Năm 2010, Hàn Quốc bắt tay phát triển phiên bản Hyunmoo-3C tầm bắn 1.500 km. Tên lửa mới được đưa vào sử dụng từ năm 2012.
Với tên lửa hành trình phiên bản 3C, Hàn Quốc có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên, thậm chí cả Trung Quốc và Nhật Bản. Ngoài ra, năm 2013, Hàn Quốc ký hợp đồng mua 180 tên lửa hành trình tấn công mặt đất phóng từ trên không Taurus KEPD 350K do Đức và Thụy Điển chế tạo.
Tên lửa này được trang bị cho tiêm kích F-15K của Không quân Hàn Quốc. KEPD 350K có tầm bắn trên 500 km với độ chính xác rất cao. Tên lửa này cho phép Không quân Hàn Quốc có thể tấn công Bình Nhưỡng từ bên trong không phận nước này.