“Giờ công ty nhập hàng ít lắm. Hàng hóa lưu thông khó mà chi phí đội lên lên rất nhiều”, bà Hoàng Thị Phùng, đầu mối chuyên phân phối thủy, hải sản ở Nha Trang, Khánh Hòa, than thở.
Hơn một tuần nay, bà Phùng liên tục nhận cuộc gọi của các đầu mối từ TP.HCM, Bình Dương đặt hàng hải sản, nhưng không có cách nào để nhận đơn. “Hiện tỉnh áp dụng giãn cách xã hội nên đi lại khó khăn. Các mối hàng ở cảng phải xuống tận nơi lấy mà chỗ tôi ở đang bị phong tỏa nên chịu”, bà nói.
Theo bà Phùng, công ty bà chuyên cung cấp hàng thủy sản cho TP.HCM 10 năm nay, nhưng chưa bao giờ gặp tình cảnh éo le như hiện tại. Đơn hàng có liên tục nhưng không thể nhận vì gom hàng rất khó khăn.
Thực tế hiện nay, khi các tỉnh, thành triển khai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều địa phương lúng túng khi xử lý tiêu thụ, lưu thông, khiến lượng thủy, hải sản ùn ứ rất lớn. Trong khi tại TP.HCM nguồn thực phẩm này đang dần khan hiếm.
Ngư dân miền Trung đang gặp khó khăn khi thủy, hải sản đánh bắt không có chỗ bán và giá cả thấp. Ảnh: Xuân Hoát. |
Miền Trung, miền Tây ùn ứ thủy, hải sản
Theo bà Phùng, khi dịch ở Nha Trang (Khánh Hòa) chưa bùng phát mỗi ngày doanh nghiệp xuất 3-4 tấn hải sản vào TP.HCM và Bình Dương. “Từ khi cảng cá Hòn Rớ và Chợ thủy sản Nam Trung Bộ đóng cửa tôi phải đi xa hơn ra cảng Vĩnh Lương để gom hàng. Nay các cảng đóng hết nên có đơn hàng cũng không dám nhận vì không thể nhập hàng”, bà nói.
Tương tự, công ty thủy, hải sản của ông Tường ở TP Cam Ranh (Khánh Hòa) mấy tuần nay cũng hoạt động cầm chừng. Hàng thì công ty có thể nhập, nhưng để vận chuyển được vào TP.HCM và các tỉnh miền Nam chi phí tăng lên rất nhiều.
“Giá thu mua không tăng, nhưng chi phí vận chuyển đội lên gấp 4, 5 lần khiến công ty không có lời”, ông Tường nói.
Theo ông, ngoài chi phí bến bãi, lương ăn ở của tài xế, đồ bảo hộ công ty còn chịu thêm khoản khử trùng hàng hóa, xét nghiệm PCR âm tính Covid-19. Mỗi chuyến hàng công ty phải bỏ thêm từ 1-1,5 triệu đồng tiền chi phí các loại nên lợi nhuận không còn.
“Đơn hàng thì có nhưng công ty không dám nhận nhiều vì rủi ro về dịch bệnh cho tài xế và chi phí quá lớn nên phải cắt giảm lượng hàng”, ông Tường nói và cho biết kho còn gần 20 tấn hàng thủy, hải sản nhưng chưa thể xuất đi được vì không có tài xế chở hàng.
Ngư dân các tỉnh miền Trung lo lắng khi hàng thủy sản đánh bắt đang tồn đọng do dịch Covid-19. Ảnh: Minh Hoàng. |
Cũng theo một số ngư dân, từ khi dịch bệnh, giá cả giảm xuống cũng khiến họ thất thu. Đi biển gần 20 ngày, anh Tiến (ngụ TP Nha Trang) thở dài khi hỏi về thu nhập: “Chuyến này đánh bắt không nhiều nhưng giá xuống khiến lời lãi không bao nhiêu”, anh nói.
Theo anh Tiến, tất cả các loại thủy, hải sản đều xuống giá. “Nhân công, dầu đều tăng chưa tính phải chạy vào cảng Đá Bạc (TP Cam Ranh) để bán hàng. Chi phí phình ra mà giá bán cá lại đi xuống, chuyến này coi như huề vốn”, anh Tiến nói.
Việc hàng thủy sản khó bán khiến các tiểu thương không mặn mà ra khơi dịp này. Theo khảo sát, hiện giá cá thủy sản đều giảm từ 20%-30%, cụ thể cá ngừ còn 75.000-90.000 đồng/kg, cá thu giá 180.000-205.000 đồng/kg, cá chim 120.000-130.000 đồng/kg….
Hiện, có gần 60% vựa thu mua thủy sản ở tỉnh Khánh Hòa ngưng hoạt động vì dịch bệnh và các cảng cá đóng cửa.
Kho của tôi còn gần 20 tấn hàng thủy, hải sản nhưng chưa thể xuất đi được vì không có tài xế chở hàng.
Ông Tường, Giám đốc công ty thủy hải sản ở TP Cam Ranh (Khánh Hòa).
Tương tự tại các tỉnh phía Nam như Tiền Giang, cũng ghi nhận tình trạng ùn ứ của tại đầu mối cung cấp thủy sản. Ngày 31/7, hầu hết thương lái không thu mua cá của người dân và chấp nhận bỏ tiền đặt cọc từ trước.
Nguyên nhân là tỉnh này thông báo các doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ" phải ngưng hoạt động để ngừa Covid-19.
Tại An Giang, hiện nay thủy sản tồn một số loại như: Cá nàng hai 100-200 tấn, diêu hồng 100 tấn/tuần, cá he và mè Vinh 100 tấn, cá hú 60 tấn, chạch lấu 4 tấn. Tương tự tại Đồng Nai, hiện các hộ dân tại Âp Cây Xoài, xã Vinh Tân, huyện Vĩnh Cửu có 100 tấn cá (cá rô lai, cá tra, cá Vồ Đém) đã quá lứa thu hoạch nhưng chưa được tiêu thụ.
Anh Diệu, đại diện cơ sở thủy sản Thái Minh Long (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) cho biết hiện nay đơn vị cần tìm đầu mối để tiêu thụ tôm, cá do không có xe giao hàng lên TP.HCM. "Cơ sở có khả năng cung cấp 0,5 - 1 tấn/ngày tuy nhiên lại gặp khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa vì không có tài xế nhận", anh nói.
Tại cuộc họp chiều 31/7, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) cũng cho biết khảo sát thực tế các tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy lượng hàng thủy sản cung vượt rất xa cầu.
Sản lượng cá tra ở các tỉnh miền Tây đang tồn đọng với khối lượng lớn. Ảnh: Phạm Ngôn. |
TP.HCM lại khan hiếm
Trong khi nông dân các tỉnh miền Trung, Tây đang gặp tình cảnh khó tiêu thụ mặt hàng thủy, hải sản thì tại TP.HCM nhiều nơi khan hiếm, khó tiếp cận nguồn.
Theo khảo sát của Zing ngày 1/8, nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm chỉ có một số loại thủy, hải sản trên quầy kệ. Đơn cử, tại siêu thị Big C (TP Thủ Đức) ở khu vực cá chỉ có cá biển như: Bạc má, ngừ và một ít tôm, ngoài ra không có bất cứ loại thủy sản nào.
Tương tự, tại cửa hàng Satrafoods (quận Bình Thạnh) chỉ có đúng một loại cá diêu hồng. Trong khi đó, bảng giá thủy, hải sản của cửa hàng này lên đến 20 loại.
"Hàng thủy hải sản hôm nay chỉ có loại cá diêu hồng này. Thịt mấy ngày nay cũng không thể nhập về vì Vissan gặp sự cố. Khách hàng có thể tham khảo các loại thịt, cá đông lạnh", một nhân viên cho biết.
Thất vọng vì trên kệ chỉ có cá diêu hồng, chị Thu (quận Bình Thạnh) cho biết nhiều ngày nay chị tìm mua tôm, cua cho con nhưng cả Bách Hóa Xanh và Satrafoods đều không có. "Gần đây rau, củ tại các siêu thị không còn thiếu nhưng cá, thịt lại có dấu hiệu khan hiếm, khó mua", chị nói.
Ngày 1/8, tại siêu thị Big C (TP Thủ Đức) ở khu vực cá chỉ có cá biển như: Bạc má, ngừ và một ít tôm. Ảnh: Mạnh D. |
Tại siêu thị Co.opmart Chu Văn An đa dạng hơn các loại thủy, hải sản nhưng ở mặt hàng cá chỉ có 3 loại là cá nục, cá chim, cá thu và đầu cá hồi. Ngoài ra, siêu thị có thêm các loại hải sản như: Tôm thẻ, mực ống, bạch tuộc... với mức giá ổn định như: Cá nục 79.000 đồng/kg, tôm thẻ 259.000 đồng/kg, bạch tuộc 169.000 đồng/kg.
Trên các trang chợ mạng, thủy hải sản được rao bán nhộn nhịp nhưng khách đặt hàng phải chờ chứ không có sẵn. "Cá bạc má 110.000 đồng/kg, cá ngừ lớn 130.000 đồng/kg, mực ống 260.000 đồng/kg...Vận chuyển khó khăn nên giá thủy, hải sản các loại cũng tăng lên", chị Nguyễn Chi (quận Bình Thạnh) nói.
Trao đổi với Zing, đại diện một hệ thống siêu thị cho biết thời gian gần đây các mặt hàng thủy hải sản sống, đơn vị rất khó để tìm được nguồn cung. Hiện chúng tôi vẫn đảm bảo cung cấp cho người dân các mặt hàng thủy hải sản tươi như: Ếch, tôm, mực, cá bạc má, cá nục, cá đồng...
Thực tế, tại các tỉnh miền Tây, nhiều thương nhân chuyên bán tôm tươi sống đã tạm dừng chuyển tôm về TP.HCM khiến siêu thị khan hiếm mặt hàng thủy sản này.
Đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, doanh nghiệp rất lo chuyện vận chuyển, nếu ách lại một vài chốt, tôm sẽ hư hao rất nhiều.
Anh H.H.T., chủ doanh nghiệp thu mua thủy sản tại huyện Long Phú (Sóc Trăng).
Tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) anh Hoàng Thảo chuyên mua tôm tươi sông bán về chợ đầu mối Bình Điền đã tạm dừng đưa hàng về TP.HCM từ một tháng trước. Trong 4 tuần qua, anh chỉ thu mua tôm ướp đá để giao cho các nhà máy thủy sản.
Giá tôm thẻ anh Thảo mua tại ao của nông dân vào chiều 31/7 chỉ còn 100.000-110.000 đồng/kg (loại 50 con/kg), giảm 10.000 đồng/kg.
Tương tự, anh H.H.T., chủ doanh nghiệp thu mua thủy sản tại huyện Long Phú (Sóc Trăng), cho biết đơn vị của anh không chỉ cắt giảm công nhân mà còn ngưng thu mua tôm tươi sống để chuyển về TP.HCM. Lý do tài xế của anh T. ngại chở hàng liên tỉnh vì sợ dịch Covid-19.
“Người dân mang tôm đến xưởng bán nhiều nhưng tôi không thu mua hết được vì công nhân đã cho nghỉ một nửa. Đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, doanh nghiệp rất lo chuyện vận chuyển, nếu ách lại một vài chốt, tôm sẽ hư hao rất nhiều”, ông chủ doanh nghiệp có xưởng sơ chế tôm ven sông Hậu nói.
Tại các tỉnh miền Tây, nhiều thương nhân chuyên bán tôm tươi sống đã tạm dừng chuyển tôm về TP.HCM. Ảnh: Duy Khang. |
Vẫn mắc ở khâu vận chuyển
Theo phản ánh của đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, tuy Chính phủ đã có văn bản tạo điều kiện, nhưng các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại khi lưu thông.
Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh - cho biết mặc dù Chính phủ có chỉ đạo về việc tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông cho các phương tiện vận tải hành hóa có mã QR code, với hàng nghìn trạm kiểm soát dịch bệnh trên đường, mà trong đó, nhiều trạm vẫn yêu cầu giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 với các xe đã có QR code nên vẫn gây nhiều khó khăn cho việc vận chuyển nông, thủy sản.
Đại diện các Sở NNPTNT đều cho rằng, cái vướng nhất hiện nay trong khâu lưu thông nông sản, vật tư nông nghiệp, vẫn là chưa có sự thống nhất giữa các tỉnh trong việc kiểm soát các phương tiện vận tải hàng hóa.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Công ty Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) cho biết lâu nay các bộ ngành nói nhiều tới việc tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp, hàng hóa … trên đường bộ, nhưng lại quên mất đường thủy.
Nhiều trạm kiểm soát vẫn yêu cầu giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 với các xe đã có QR code nên vẫn gây nhiều khó khăn cho việc vận chuyển nông, thủy sản. Ảnh: Chí Hùng. |
Trong khi đó, với các doanh nghiệp thủy sản ở miền Tây, nhất là doanh nghiệp cá tra, giao thông thủy rất quan trọng trong việc cung cấp con giống, thức ăn… cho các ao nuôi và thu mua cá tra nguyên liệu, do đó cũng cần phải tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải đường thủy.
Theo ông Võ Khắc Én, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, đang có tình trạng nơi khan hiếm, nơi bán không hết.
“Dịch bệnh và giãn cách xã hội khiến ngư dân gặp khó. Cả tỉnh Khánh Hòa giờ chỉ còn cảng cá Đá Bạc để ngư dân vào bán thủy sản. Trong khi giá cả thấp thì nơi thị trường cần như TP.HCM, Bình Dương lại không có hàng bán”, ông Én phân tích.
Cũng theo ông, chi cục cũng ý kiến lên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông, nhưng vướng rất nhiều quy định. “Giá cả thuộc ngành công thương quản lý. Còn lưu thông hàng hóa giờ đã có ‘luồng xanh’ nhưng lại đội chi phí của các doanh nghiệp, nên họ ngại thu mua, xuất hàng", ông nói thêm.
Việc cấp thẻ “luồng xanh” mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để phương tiện lưu thông. Người ở trên xe được cấp thẻ phải có thêm giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được qua các chốt.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải Khánh Hòa.
Trong khi đó, đại diện Sở Giao thông Vận tải Khánh Hòa cũng cho biết việc cấp thẻ “luồng xanh” mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để phương tiện lưu thông.
“Người ở trên xe được cấp thẻ phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được qua các chốt, ai không có hoặc hết hạn phải đến cơ sở y tế gần nhất để làm”, đại diện Sở GTVT Khánh Hòa cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, trong ngày 1/8, tổ công tác đã kết hợp với 7 tỉnh để kết nối và lên kế hoạch cùng doanh nghiệp thu mua 1.000 tấn thủy hải sản. Nguồn cung thuận lợi dẫn đến hàng tồn kho của một số doanh nghiệp lớn thủy sản còn nhiều.
Tuy nhiên, tổ công tác đã cố gắng kết hợp để giúp 246 đầu mối cung cấp thủy sản (trong tổng 562 đầu mối đăng kí qua Tổ công tác 970) thực hiện đơn hàng với doanh nghiệp. Hiện nay, các đầu mối đang thiếu nhân công. Khâu thu hoạch thủy sản mỗi lần 50-100 tấn nên cần rất nhiều công nhân.