Gần một tuần qua, một số doanh nghiệp kinh doanh thủy, hải sản ở miền Tây gặp khó khăn trong khâu vận chuyển do nhiều tỉnh, thành phía Nam đồng loạt áp dụng Chỉ thị 16 từ ngày 19/7.
Giá tôm, cua cùng giảm
Ông Huỳnh Hoàng Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thảo Trang (huyện Long Phú, Sóc Trăng), cho biết những ngày đầu giãn cách, tài xế của doanh nghiệp khó tìm được nơi xét nghiệm SARS-CoV-2 do không qua được chốt kiểm soát Covid-19. Khi xét nghiệm được, doanh nghiệp mất thêm nhiều ngày làm thủ tục đăng ký luồng xanh cho xe tải.
“Để chở hàng qua được các chốt, doanh nghiệp phải cho người đi nhiều nơi để làm các thủ tục xác nhận. Còn đăng ký luồng xanh cho xe thì cơ quan chức năng không cho biết bao nhiêu ngày có thẻ nên tôi không dám mua hàng. Nếu có hàng tôi cũng ngại sản xuất vì không biết khi chở đi có qua chốt được hay không. Nói chung là lo lắng lắm”, ông Thảo chia sẻ.
Giá tôm ở miền Tây giảm nhẹ do vận chuyển và tiêu thụ gặp khó. Ảnh: Thiên Trang. |
Theo ông Thảo, giá tôm thẻ mua tại doanh nghiệp loại 200 con/kg trước đây 60.000 đồng/kg nhưng hiện nay còn 56.000 đồng/kg, thậm chí có lúc giảm xuống 52.000 đồng/kg.
Lãnh đạo Công ty TNHH Khánh Sủng (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), cho biết tôm thẻ loại 30 con/kg giá dao động 130.000-135.000 đồng một kg; loại 40/kg từ 120.000-125.000 đồng.
“Giá này giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với trước đây do doanh nghiệp vận chuyển khó khăn và cắt giảm nhân công còn 50% nên mua tôm để sản xuất ít lại so với lúc trước giãn cách. Tuy nhiên giá tôm chỉ giảm nhẹ nên người nuôi vẫn có lãi tốt”, lãnh đạo Công ty TNHH Khánh Sủng nói.
Theo một chủ vựa cua biển tại TP Bạc Liêu (Bạc Liêu), giá cua thịt và cua gạch giảm khoảng 10.000-20.000 đồng/kg so với trước khi có dịch Covid-19. Nguyên nhân cua giảm giá được cho là do vận chuyển khó khăn, doanh nghiệp thêm chi phí xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tài xế…
“Tôi bán lẻ cua thịt 4 con một ký giá 200.000-220.000 đồng/kg; loại 3 con một ký 250.000-270.000 đồng/kg. Cua gạch từ 300.000-330.000 đồng/kg”, chủ vựa cua ở Bạc Liêu cho biết.
Tạo điều kiện cho người thu mua tôm, cua lẻ
Nói với Zing, anh Lê Văn Dũng, một chủ vựa tôm sú tại xã Phước Long, huyện Phước Long (Bạc Liêu), cho biết địa phương vẫn tạo điều kiện cho các hộ thu mua hải sản nhỏ, lẻ. Mỗi ngày, xe thu mua tôm trên bờ và vỏ lãi (giống như xuồng máy) vẫn chạy dưới sông để thu mua tôm, cua của nông dân.
Giá tôm sú loại 40 con/kg dao động 160.000-162.000 đồng một kg. Ảnh: Đức Vinh. |
Theo anh Dũng, tôm sú loại 40 con/kg giá 162.000 đồng mỗi kg; 50 con/kg giá 140.000 đồng. Giá này giảm 5.000-6.000 đồng/kg so với một tháng trước.
Tại Cà Mau, sau những ngày giãn cách các huyện đã phản ánh với lãnh đạo UBND tỉnh về những phát sinh từ thực tế nhưng chưa được các địa phương thống nhất. Đó là nơi cho kinh doanh hàng rong, nơi không cấm người đi thu mua tôm lẻ…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân cho rằng người dùng xe máy bán hàng trong nông thôn cũng là một kênh phân phối nông sản, thực phẩm. Người mua tôm lẻ giúp nông dân không phải mang hàng hóa đến vựa để bán, tránh đi lại để hạn chế tiếp xúc nhiều người.
“Xe máy bán hàng giúp cho các chợ giảm áp lực. Người đi mua tôm lẻ cần có giấy xác nhận của chính quyền nơi công dân cư trú là chuyên đi mua tôm. Những kênh mua, bán hàng hóa này tôi đã cho chủ trương ủng hộ. Tài xế xe tải chở hàng hóa nội tỉnh không cần giấy xét nghiệm”, ông Quân nói.
Cua thịt và cua gạch ở tại ĐBSCL đang giảm 10.000-20.000 đồng/kg. Ảnh: Đức Vinh. |
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung, sau khi nghe các địa phương trình bày vướng mắc sau vài ngày thực hiện Chỉ thị 16, lãnh đạo tỉnh này đã cho chủ trương tạo điều kiện cho người dân vận chuyển nông, thủy, hải sản và thu hoạch tôm, lúa.
“Hàng hóa của doanh nghiệp này là nguyên liệu cho doanh nghiệp kia thì mình bắt buộc phải cho bà con vận chuyển, lưu thông. Lúa tới vụ thu hoạch hay tới kỳ phun thuốc thì nông dân phải ra đồng. Người dân ra đồng không cần giấy xác nhận vì cán bộ địa phương đều biết mặt”, ông Trung nêu quan điểm.