Sau sự cố Formosa thải chất độc làm cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung, có ý kiến cho rằng ta nên làm sạch đáy biển bằng cách hút sạch trầm tích dưới đáy biển miền Trung. TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Ông nói:
- Nguyên nhân gây chết san hô rất nhiều. Về tác động tự nhiên thì rất phổ biến như bão tố gây tổn thất hoặc quét sạch một vùng có san hô. Ngoài ra, những hiện tượng san hô bị tẩy trắng khi mất sắc tố, mất tảo phục sinh trong thời gian dài.
Việt Nam từng xảy ra hiện tượng này ở rất nhiều vùng biển. Ngoài ra, những nguyên nhân như ảnh hưởng của nước ngọt trầm tích từ đất liền, nếu mưa lớn sẽ tràn ra biển; bùng nổ của các sinh vật ăn san hô như sao biển gai cũng gây ra hiện tượng san hô chết.
TS Võ Sĩ Tuấn. Ảnh: An Bình |
Nguyên nhân thứ hai là do tác động của con người như san lấp ven biển; ô nhiễm; mất cân bằng sinh thái như dinh dưỡng trong nước biển quá nhiều làm cho các sinh vật khác bùng nổ như rong tảo có thể tiêu diệt san hô….
Nếu vùng nước bị phủ trầm tích thì chịu thua
- San hô các tỉnh miền Trung bị tẩy trắng là do hóa chất từ sự cố Formosa thải ra?
San hô ở đảo Cồn Cỏ không hề bị ảnh hưởng, san hô ở Vũng Chùa, Đảo Yến (Quảng Bình) bị hủy hoại một ít, vùng Sơn Dương bị nặng hơn.
TS Võ Sĩ Tuấn
- Từ 4, 5 năm trước, phân tích số liệu quan trắc nhiều năm của Tổng cục Môi trường 4 tỉnh này chúng tôi đã phát hiện dấu hiệu suy thoái môi trường. Có nghĩa, sự số Formosa là sự cố cấp tính. Còn mãn tính là chúng ta đang càng ngày càng làm suy thoái môi trường và cái này không riêng gì 4 tỉnh nêu trên.
Hiện nay vùng 4 tỉnh này vẫn có rạn san hô ở một số nơi, như ở Sơn Dương, Đảo Yến, Cồn Cỏ, chân đèo Hải Vân đến đảo Sơn Chà (Huế)… Các rạn san hô này quy mô nhỏ, không có tính chất quyết định đến hệ sinh thái biển như các rạn san hô ở nơi khác, nhưng cũng có vai trò quan trọng cho sự lưu trú, phát triển của các loài thủy sinh.
Cụ thể, san hô ở đảo Cồn Cỏ không hề bị ảnh hưởng, san hô ở Vũng Chùa, Đảo Yến (Quảng Bình) bị hủy hoại một ít, vùng Sơn Dương bị nặng hơn.
Trầm tích đáy ở một số điểm bị phủ lớp màu vàng - nâu sậm. Ảnh: Tiền Phong. |
- Hiện nay chúng ta đang tìm giải pháp để làm sạch biển, phục hồi các rạn san hô của các tỉnh bị ảnh hưởng sau sự cố Formosa. Ông có tư vấn gì?
- Chúng ta phải có quan điểm chính xác về vấn đề làm sạch và phục hồi. Cái này hội tụ rất nhiều yếu tố và cách làm, nếu quản lý tốt bảo vệ tốt thì quá trình phục hồi tự nhiên sẽ tự diễn ra, còn không ta sẽ phục hồi nhân tạo. Và cũng có thể làm song song được.
Phục hồi tự nhiên trước hết phải giảm áp lực do con người lên biển. Nếu vùng nước đó môi trường chưa bị thay đổi hoàn toàn ta có thể để rạn san hô bị suy thoái tự phục hồi. Nhưng nếu vùng nước bị phủ trầm tích rồi thì chịu thua không phục hồi được nữa.
Ví dụ những vùng tác động cấp tính như do bão hoặc cái gì đó đột ngột tẩy trắng san hô chẳng hạn, nó chết nhưng vẫn có thể phục hồi tự nhiên, giai đoạn này con người cần hỗ trợ quá trình phục hồi tự nhiên như, tạo ra được môi trường thuận lợi, không có các áp lực khai thác hủy diêt, không tiếp tục làm suy thoái môi trường...
Phục hồi nhân tạo hiện nay Việt Nam mình dùng kỹ thuật di chuyển các mảnh tập đoàn san hô còn tốt đến vùng san hô suy thoái. Cái này ta phải chọn lọc được loài phù hợp với nơi tiếp nhận, nếu nhận sại thì có thể nó không tồn tại được. Phương pháp này khá an toàn, chúng tôi đã áp dụng ở nhiều vùng như Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm… và đã đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên làm kỹ thuật này rất công phu và tốn kém khi phải huy động nhân công, tìm được vùng có loại san hô phù hợp. Trồng cây trên đất liền còn khó, huống chi trồng dưới biển. Còn các rạn san hô được quản lý bảo vệ, chúng ta có thể tổ chức tái tạo các sinh vật trên rạn san hô, sinh vật cộng sinh. Sau đó di chuyển nguồn san hô bố mẹ đến khu vực này cho nó sinh sản phát triển.
TS Võ Sĩ Tuấn: San hô ở Hòn Sơn Dương bị hủy hoại nặng. Ảnh: Tiền Phong. |
Phục hồi xong không ai quản lý thì đừng thực hiện mất công
- Trong trường hợp 4 tỉnh miền Trung vừa qua, để phục hồi các rạn san hô chết thì cách nào hiệu quả nhất?
- Nên kết hợp giữa phục hồi nhân tạo và việc quản lý để thúc đẩy việc phục hồi tự nhiên. Phục hồi nhân tạo là cái mình hỗ trợ nhưng phải làm đồng thời với việc quản lý, chứ phục hồi nhưng không ai quản lý thì đừng thực hiện mất công.
Chúng tôi có kinh nghiệm rồi, làm hai năm có kết quả phục hồi tốt, nhưng khi hết dự án, chỉ cần mấy tháng sau trở lại thì không còn cái gì cả. Vì san hô tốt lên cá đến nhiều lại quẳng mìn xuống là xong, chưa tính đến chuyện ta không kiểm soát chất thải độc hại
- Hiện có một số nhà khoa học phát biểu trên báo chí là nên làm sạch biển bằng cách hút sạch trầm tích ở những chỗ san hô chết ở miền Trung. Phương pháp này có khả thi?
- Việc này nói dễ chứ làm không dễ. Anh mang cái gì ra đó để hút, hút ở đâu, hút bao nhiêu và xử lý thế nào. Chưa kể biển mênh mông thế anh có hút được hết biển không, khi hút hết thì lấy gì bù lại số anh đã hút…
Nếu đã quyết làm bằng phương pháp đó thì phải có một phương án thật cụ thể và có đánh giá tác động đến từng chi tiết nhỏ nhất. Phải có một sự đánh giá tác động và quy trình rất chặt chẽ. Làm việc này phải hết sức thận trọng và theo tôi tính khả thi của phương án này cần xem lại. Chúng ta không phải vì nạo cho hết chất độc dưới đáy biển mà lại gây ra cái độc hại khác lớn hơn dưới đó được.