Chỉnh trang lại y phục sau một đêm xộc xệch ngủ bụi, theo kế hoạch, chúng tôi khẩn trương hỏi thăm đường đến Ty Giáo dục Nam Hà. Tới nơi, chúng tôi được chỉ dẫn gặp ông Trần Nguyên Phả, trưởng phòng tổ chức.
Ông có dáng người đậm chắc. Khuôn mặt rắn đanh đượm nét khắc khổ. Mái tóc đã hai phần muối tiêu. Con người ông toát lên vẻ nghiêm nghị, khó tính. Sau phút xã giao chào hỏi, Hòa chủ động đưa trình ông giấy giới thiệu của trường. Ông đọc qua, lắc đầu buông một câu củn lủn:
- Khó lắm! Anh dạy học thế nào được!
Im lặng giây lát, ông lên giọng diễn giải cho lời khẳng định của mình bằng những lời khá mạch lạc:
- Các anh biết đấy! Nghề dạy học bao giờ cũng gắn với phấn trắng bảng đen. Anh Ký tay không cầm phấn được thì dạy dỗ sao được… Theo tôi, anh chỉ có thể làm nghiên cứu thôi!
- Thưa thầy - Tôi lên tiếng - Đây không phải chỉ là ý nguyện của cháu, của trường Tổng hợp mà là của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đấy ạ!
Ông Phả nói luôn:
- Của ai thì cũng thế thôi. Cái gì cũng phải gắn với thực tế. Từ xưa đến nay, từ Đông qua Tây, tôi biết có nhiều người liệt chân vẫn làm thầy giáo như thầy Cảnh ở Đại học Sư phạm; mù vẫn làm thầy như cụ Đồ Chiểu; nhưng chưa bao giờ thấy có trường hợp nào làm thầy giáo mà không có tay cả. Theo tôi, anh nên suy nghĩ lại. Tôi khẳng định với anh, anh không thể nào dạy học được đâu.
- Nhưng thưa thầy, nguyện vọng của Ký là về dạy ngay ở quê với học sinh cấp hai thôi ạ. Như vậy, Ký vừa tận dụng được nguồn hậu cần tại chỗ là gia đình, làng xóm lại vừa có vốn sống tuổi thơ để viết cho thiếu nhi như gợi ý của Thủ tướng đấy ạ! - Hòa thanh minh giúp tôi.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký. Ảnh: VTC. |
Ông Phả xua tay:
- Ồ, ồ! Dạy cấp hai mà không viết bảng càng không thể được.
- Vậy thưa thầy! Nếu cháu nghĩ ra cách viết bảng được thì sao ạ?
Trước ý tưởng mới của tôi, ông Phả một giây suy nghĩ rồi hỏi luôn:
- Sao? Anh dùng chân giơ lên bảng viết ư? Sao chuẩn được! Đấy là chưa nói đến chuyện mô phạm đó. Các anh biết rồi đấy. Người thầy khi lên lớp tất tật mọi cử chỉ, hành vi đều phải mẫu mực, phải mô phạm. Ông thầy không bao giờ cho phép mình làm bất cứ điều gì gây ra phản cảm trước mắt học trò. Đó là một nguyên tắc sư phạm bất di bất dịch mà ai cũng phải tuân thủ anh Ký ạ!
- Vâng, cháu biết mà! Cháu sẽ không bao giờ viết bảng theo cách thầy vừa nói đâu. Ý cháu là nếu cháu nghĩ ra cách viết bảng khác mà học sinh có thể chấp nhận được thì thầy có ưng thuận cháu vào làng giáo dục tỉnh ta không ạ?
- Cách viết khác là cách viết thế nào? Anh thử nói tôi nghe?
Đến đây, tôi thấy mặt bừng nóng, đâm lúng túng thực sự. Quả thật, tôi cũng chưa hình dung ra được mình sẽ tìm cách nào để viết được bảng. Song nghĩ đến thì tương lai tôi vẫn mạnh dạn đặt ra vấn đề như vậy để xem thái độ của ông ra sao. Thấy tôi ngập ngừng khó nói, ông Phả liền chốt vấn đề bằng một câu chắc nịch:
- Tôi biết mà. Anh chỉ có thể viết trên giấy, chứ viết trên bảng là bất khả thi. Tôi khuyên anh nên xin vào công tác ở một cơ quan nghiên cứu nào đó là phù hợp nhất.
- Dạ thưa bác, vậy nghĩa là Ty ta không chấp nhận việc Ký về công tác dạy học tại quê nhà? - Hòa cũng chốt vấn đề bằng câu hỏi rành rẽ.
- Thế thì bác vui lòng ghi ý kiến vào giấy giới thiệu của trường đây để chúng cháu về báo cáo lại.
Ông Phả chau mày ngẫm nghĩ hồi lâu, cầm bút lên rồi lại đặt bút xuống bàn:
- Thôi! Không cần tôi viết gì đâu. Các anh cứ mang về nói lại với trường ý của chúng tôi thế là được.
- Không được thầy ơi. Không có ý kiến của thầy ghi vào đây làm sao chứng minh được rằng chúng cháu đã về gặp Ty ta ạ? - Hòa đanh thép phản biện.
Trước yêu cầu kiên quyết của chúng tôi, ông Phả đành chấp nhận. Nhưng ông hoàn toàn không ghi gì về ý kiến của mình mà chỉ ký tên, ghi ngày tháng và chụp dấu.
Tôi và Hòa rời Ty Giáo dục Nam Hà với tâm trạng nặng nề khó nói. Để động viên nhau, Hòa vỗ vai tôi cười:
- Chẳng có gì phải buồn Ký ơi. Thua ván này ta bày ván khác.