Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính - tiền tệ, để kỳ vọng lãi suất giảm trong bối cảnh hiện nay rất khó khi nhu cầu tài chính quý cuối năm đang tăng và nhiều kênh đầu tư khác hút tiền tiết kiệm.
Thời điểm cuối năm chính là mùa kinh doanh cao điểm. Vì vậy, nhu cầu vốn vay cũng sẽ gia tăng. Thêm vào đó, với thị trường nhà, đất đang có dấu hiệu ấm dần, kích cầu vốn của cá nhân vay mua nhà gia tăng. Nhưng lãi suất vẫn được xem là một trong những rào cản đối với khách hàng khi có nhu cầu về vốn, nhất là vốn trung, dài hạn.
Cụ thể, hiện vốn cho vay trung, dài hạn ở các ngân hàng thương mại quy mô lớn có lãi suất phổ biến ở mức 9 - 10%/năm và 10 - 11%/năm ở các ngân hàng nhỏ. Còn với khách hàng cá nhân vay mua nhà, lãi suất được các nhà băng áp dụng vẫn dao động khoảng 10 - 12%/năm. Mức ưu đãi 7 - 8%/năm chỉ được áp dụng trong giai đoạn đầu giải ngân. Đáng chú ý, với nhu cầu vốn tín dụng tiêu dùng, các ngân hàng và công ty tài chính cho vay lãi suất cao hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM cho biết, mức lãi suất cho vay tiêu dùng được các NHTM áp dụng bình quân 9 - 11%/năm. Còn lãi suất vay tiêu dùng ở công ty tài chính phổ biến 30 - 40%/năm. So với ngân hàng, lãi suất cho vay ở công ty tài chính cao hơn nhiều. Tuy nhiên, theo ông Minh, đây là hai tổ chức cho vay với hai phân khúc khách hàng khác nhau nên không thể so sánh về lãi vay.
Mặc dù lãi suất vẫn được xem là rào cản lớn, song ông Minh cho biết, dư nợ tín dụng tiêu dùng gia tăng đáng kể. Chỉ riêng tại địa bàn TP HCM, dư nợ cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại và công ty tài chính chiếm 6,8% tổng dư nợ trên địa bàn (tương đương 80.000 tỷ đồng).
Vốn cho vay trung, dài hạn ở các ngân hàng lớn có lãi suất phổ biến 9 - 10%/năm, ở các ngân hàng nhỏ là 10 - 11%/năm. |
Không chỉ cho vay tiêu dùng, mà tín dụng nói chung của các ngân hàng đều cải thiện. Trong 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP HCM tăng 8%. Theo ông Minh, những tháng cuối năm là mùa cao điểm doanh nghiệp vay vốn sản xuất - kinh doanh, phục vụ hàng Tết nên có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Tín dụng toàn ngành đã có sự cải thiện trong hơn 3 quý đầu năm, với mức tăng trưởng trên 10%, song để có thể đẩy mạnh vốn trong quý IV/2015, cần thiết giảm thêm lãi vay.
Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho hay, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra cho năm 2015 tại TP HCM là 13 - 15%, từ nay đến cuối năm, các ngân hàng trên địa bàn phải cho vay 60.000 - 100.000 tỷ đồng (tương ứng tăng thêm 5 - 7%).
Thế nhưng, lãnh đạo các nhà băng cho rằng, khó có thể đáp ứng được kỳ vọng này. Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng, áp lực huy động tiền gửi tiết kiệm đang dồn về cuối năm khi nhu cầu rút vốn của các DN nhằm chi tiêu cho các dự án sản xuất - kinh doanh cũng như trang trải chi phí tiền lương, thưởng cuối năm tăng mạnh. Cùng với đó, sức ép từ việc thị trường bất động sản ấm dần lên đang hút dần tiền nhàn rỗi. Thậm chí, không ít khách hàng còn vay thêm vốn của ngân hàng để mua nhà.
Do đó, lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm khó đi xuống, cho dù lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và lãi suất USD vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa về mức 0%/năm. Trả lời ĐTCK, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho rằng, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay hiện nay ở Ngân hàng chỉ khoảng 3%, nên khó có thể giảm thêm lãi vay.
Tổng giám đốc một ngân hàng khác lý giải, hiện chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra (NIM) của các NHTM khá thấp, chỉ khoảng 2,7%, bình thường phải 3 - 3,5% thì mới bảo đảm các NHTM có lãi trong hoạt động tín dụng.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, khó có thể kỳ vọng lãi suất giảm thêm, ít nhất trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2015 và đầu năm 2016. Ngược lại, theo ông Nghĩa, khả năng sức ép còn gia tăng đối với lãi suất tiền gửi. Tuy vậy, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nhằm kích thích tín dụng tăng trưởng hơn nữa và chia sẻ khó khăn cho người cần vốn, lãi suất cần từng bước cần điều chỉnh giảm thêm, đặc biệt là tín dụng cá nhân.
Để có được điều đó, cần có thêm các công ty tài chính tham gia cho vay vốn tiêu dùng. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân, cạnh tranh về dịch vụ, lãi suất sẽ đem lại lợi ích tốt cho người dân, mà quan trọng hơn là thu hẹp dần thị trường tín dụng đen.