Từ hôm qua (5/10), Thông tư 15 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn giao dịch ngoại tệ đối với các ngân hàng có hiệu lực. Thông tư này chỉ rõ sẽ không cho phép doanh nghiệp (DN) chưa có nhu cầu thanh toán ngay được vay ngoại tệ.
Điều này cũng có nghĩa nhu cầu ngoại tệ để thanh toán trong tương lai sẽ buộc phải chờ đến thời điểm thanh toán thực để giao dịch giao ngay, thay vì mua và găm trước như thời gian vừa qua gây áp lực lên tỷ giá.
Ngân hàng mua mạnh ngoại tệ
Ngay trong ngày đầu tiên áp dụng thông tư mới, giá ngoại tệ ở các ngân hàng được niêm yết khá ổn định. Tại Vietcombank mua vào 22.445 VND/USD, bán ra 22.505 VND/USD, không thay đổi nhiều so với cuối tuần trước. Trong khi đó, trên thị trường tự do, USD tiếp tục giảm giá từ 20 đồng so với cuối tuần trước. Hiện USD tự do bán ra chỉ khoảng 22.510 VND/USD.
Cùng với thông tư trên, việc áp trần lãi suất USD 0%/năm của NHNN để ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ của DN và người dân đã tác động đến thị trường này. Động thái này trên thực tế đã tạo thêm lợi thế cho VND, kích thích thêm nguồn cung ngoại tệ.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, nói Thông tư 15 và việc hạ lãi suất đồng USD giúp thị trường ngoại hối có nhiều chuyển biến tích cực. Suốt trong một tuần qua, doanh số mua vào USD tăng trung bình 2,2 lần so với 10 ngày trước đó. Ngược lại, lượng tiền USD ở các ngân hàng thương mại bán ra lại giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 60% so với 10 ngày trước.
“Điều đó cho thấy việc hạ lãi suất đồng USD đã góp phần tích cực cho sự ổn định của thị trường ngoại hối, giảm áp lực lên tỷ giá. Đặc biệt làm giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ như trước đây” - ông Minh nhận xét.
Tại thời điểm này, gửi VND có lợi hơn so với USD. |
Doanh nghiệp sợ vay ngoại tệ
Với xu hướng lãi suất tiền gửi đồng USD giảm thì lãi suất cho vay ngoại tệ cũng có khả năng giảm, vậy DN có “hào hứng”? Ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Nông sản Xuất khẩu Sài Gòn (AGX), phân tích: Công ty là đơn vị xuất khẩu, xuất hàng đi thu ngoại tệ về và phải bán ngay chứ không găm giữ. “Lý do chúng tôi cũng phải sử dụng VND để thanh toán cho các đơn vị cung cấp đầu vào. Là đơn vị xuất khẩu, chúng tôi được ưu đãi vay USD lãi suất 2,5%-3% nhưng tỷ giá biến động nên vay sẽ gặp áp lực rủi ro lớn. Chính vì lẽ đó chúng tôi không lựa chọn vay USD mà vay VND sẽ lợi hơn” - ông Long nói.
Riêng với các DN bắt buộc phải vay ngoại tệ như Công ty Cổ phần Sách Phương Nam (PNC), phát biểu tại đại hội cổ đông bất thường vừa diễn ra, bà Phan Thị Lệ - Chủ tịch HĐQT công ty cho biết từ nay đến cuối năm phải dành ra một khoản để trích lập dự phòng rủi ro cho tỷ giá.
Trái ngược với các DN này, một DN có liên doanh với Singapore tại quận Tân Bình cho hay vốn lưu động của công ty do phía Singapore góp vốn vào. Sau khi xây dựng xong công trình còn hơn 1 triệu USD đang được gửi tiết kiệm trong ngân hàng. Số tiền này công ty để đó phục vụ cho việc sửa chữa, sản xuất, đầu tư… khi cần thiết.
“Vì đây là vốn nước ngoài nên bán hay không bán USD phải họp HĐQT quyết định. Nhưng chắc chắn công ty sẽ mất đi một khoản tiền kha khá hằng tháng từ nguồn này do lãi suất USD giảm” - vị lãnh đạo này nói.
Ở góc độ người dân, ông Thanh Bình (quận 2) cho biết gia đình có ba sổ tiết kiệm gửi bằng ngoại tệ tại các ngân hàng. “Ngoại tệ hay vàng đối với gia đình là tài sản tích trữ nên chúng tôi không quan tâm nhiều tới lãi suất. Do vậy, khi lãi suất tiền gửi ngoại tệ giảm gia đình vẫn chưa đổi từ USD sang VND. Tuy nhiên, tôi thấy nhiều người lựa chọn bán USD lấy VND gửi tiết kiệm. Nói chung giữ hay bán USD phụ thuộc vào khả năng tính toán của mỗi cá nhân”, ông Bình nói.
Giữ VND có lợi hơn USD
Trả lời câu hỏi của chúng tôi “thời điểm này nên giữ VND hay ngoại tệ?”, ông Đặng Quốc Tiến, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng gửi VND hay USD phụ thuộc vào khả năng tính toán của cá nhân mỗi người. Tuy nhiên, người dân gửi tiết kiệm sau khi đã đổi từ USD sang VND sẽ có lợi hơn. Bởi NHNN cam kết từ nay đến cuối năm không thay đổi tỷ giá nên giữ đồng USD không có lợi.
Hơn nữa, lạm phát hiện nay vẫn ở mức thấp, tăng trưởng tín dụng khoảng 6,5% và đến cuối năm tín dụng tiếp tục được bơm ra. Điều này có nghĩa lãi suất tiền gửi khó có khả năng hạ xuống. “Với mức lãi suất VND đang được các ngân hàng huy động khoảng 6%-7%/năm trong khi lãi suất USD chỉ 0,25% thì cái nào có lợi hơn. Ngay cả khi sắp tới NHNN điều chỉnh tỷ giá thì lãi suất VND vẫn cao hơn và có lợi hơn gửi USD” - ông Tiến phân tích.
Đại diện một ngân hàng cho hay lượng ngoại tệ mua vào tăng vọt dù giá USD trong tuần qua được niêm yết khá ổn định.