Sáng 20/10, trong lời khai mạc kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém, đe dọa tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015.
“Chúng ta thực hiện nhiệm vụ năm 2014 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo. Xung đột xảy ra ở nhiều nơi. Căng thẳng trên biển Hoa Đông và Biển Đông”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, trong nước kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp trong khi yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao. Nhu cầu trong phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp.
Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội sáng 20/10. |
“Việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khó khăn, thách thức là rất lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nhận định nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều thách thức. Nhu cầu đầu tư cho quốc phòng an ninh rất lớn nhưng nguồn lực còn rất hạn hẹp.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, một trong những nội dung được nhấn mạnh tại kỳ họp lần này là tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
"Đây là lần thứ hai Quốc hội thay mặt cử tri và đồng bào cả nước thực hiện việc đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Với ý thức trách nhiệm và sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, Quốc hội tin tưởng sẽ hoàn thành tốt trọng trách hệ trọng này trước Nhân dân, trước Đảng và Nhà nước", Chủ tịch Quốc hội nói.
Bên cạnh đó, trật tự an toàn xã hội có mặt còn bức xúc, tình hình tội phạm nhiều nơi còn phức tạp. Tai nạn giao thông còn ở mức cao; hội nhập quốc tế có mặt chưa chủ động và hiệu quả giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế chưa cao. Việc khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư kinh doanh và tham gia hoạt động khoa học công nghệ kết quả còn hạn chế.
Về công tác phòng chống tham nhũng lãng phí, Thủ tướng nhận định "mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan đã xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử. Nhưng công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra".
"Một số vụ án xử lý chậm. Công tác kiểm tra thanh tra hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn còn nhiều", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2014 theo nghị quyết của Quốc hội. Với sự nỗ lực chung, kinh tế nước ta có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, 9 tháng đầu năm tăng 2,25%, thấp nhất trong mười năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2013. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 7,25% và dự kiến cả năm tăng 12-14%.
“Kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc. Bội chi ngân sách còn cao. Nợ công tăng nhanh... Nợ xấu còn cao, xử lý còn chậm. Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Niềm tin vào đồng Việt Nam tăng lên. Xuất khẩu chín tháng tăng 14,4%, nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng cao, ước cả năm xuất khẩu khoảng 148 tỷ USD trong khi nhập khẩu khoảng 146 tỷ USD. Bội chi ngân sách cả năm ước 5,3%, nợ công, nợ nước ngoài, nợ Chính phủ vẫn ở trong giới hạn cho phép. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm ước đạt 30,1% GDP.
Đồng thời Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém: “Kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc. Bội chi ngân sách còn cao. Nợ công tăng nhanh. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định của chiến lược nợ công là không quá 25%, nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại là khoảng 26,2%). Tổng cầu tăng chậm, tăng trưởng tín dụng chậm trong những tháng đầu năm…”
“Nợ xấu còn cao, xử lý còn chậm. Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu. Thị trường chứng khoán phát triển chưa vững chắc. Thị trường bất động sản phục hồi còn chậm. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn thấp”, Thủ tướng nói.