Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 50 người

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay, tại kỳ họp khai mạc vào tuần tới, 50 người giữ các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn sẽ được lấy phiếu.

Ngày 17/10, tại buổi họp báo quốc tế giới thiệu kỳ họp thứ 8 (sẽ khai mạc ngày 20/10 tới) của Quốc hội. Phóng viên báo đặt câu hỏi về việc Tờ trình của Chính phủ trình lên Ủy ban thường vụ Quốc hội chậm nên nhiều đại biểu khi tiếp xúc cử tri chưa biết có nội dung về chủ trương đầu tư sân bay Long Thành liệu có gây khó khăn khi ra quyết định. 

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời “Về dự án sân bay Long Thành thì Chính phủ có báo cáo, đề xuất trình ra Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng hồ sơ đã đủ điều kiện trình Quốc hội. Tại kỳ họp này Quốc hội chỉ cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ, chứ Quốc hội chưa có nghị quyết về đầu tư xây dựng sân bay Long Thành”.

Buổi họp báo trước kỳ họp  kỳ họp thứ 8.

Sẽ lấy phiếu tín nhiệm với 50 người

Liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, trả lời câu hỏi của phóng viên các báo, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại kỳ họp này sẽ tiến hành lấy phiếu với 50 người giữ các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Quy trình lấy phiếu thực hiện theo đúng quy định tại nghị quyết 35 của Quốc hội, sau đó mới bàn đến việc sửa đổi nghị quyết này.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Trước câu hỏi về chủ trương sửa đổi nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, thể hiện qua tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội với một số nội dung chính như chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần/nhiệm kỳ với ba mức phiếu (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp). Đối với các đại biểu Quốc hội là đảng viên, có phải chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương của trung ương.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc ly giải: “Trung ương đã bàn rất kỹ vấn đề này. Thực ra thì phải có sự khác nhau giữa lấy phiếu và bỏ phiếu. Bỏ phiếu thì đúng là chỉ có 2 mức thôi, nhưng lấy phiếu thì phải có 3 mức vì đây là đánh giá, khảo sát tín nhiệm. Nếu mà lấy phiếu và bỏ phiếu cũng giống nhau thì chỉ cần 2 mức bỏ phiếu luôn chứ việc gì phải lấy phiếu nữa. Lấy phiếu là một kênh để đánh giá cán bộ, việc một năm hay hai năm tiến hành một lần thì trong quá trình thảo luận để sửa đổi cần phải xem xét rất kỹ để có quyết định, làm thế nào đủ cơ sở để đánh giá cán bộ.

"Tôi nghĩ rằng việc chúng ta trong quá trình sửa đổi có nghiên cứu rất kỹ cái này, qua thực tế triển khai, rồi phân tích, thảo luận làm rõ thêm chứ đến nay cũng chưa chốt vấn đề này”, ông Phúc nói.

Quốc hội sẽ nghe báo cáo về tình hình Biển Đông

Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội sẽ khai mạc ngày 20/10 và dự kiến bế mạc ngày 28/11.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa.

Quốc hội dành 2/3 thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, cụ thể: Sẽ xem xét, thông qua 18 dự án luật và 03 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 12 dự án luật khác.

Đây là kỳ họp có số lượng dự án luật được Quốc hội thông qua và cho ý kiến tại một kỳ họp nhiều nhất từ trước đến nay.

Quốc hội yêu cầu báo cáo tình hình Biển Đông

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Sẽ đề nghị Chính phủ báo cáo tình hình Biển Đông, đây là vấn đề rất thiêng liêng, hệ trọng vì liên quan đến chủ quyền của đất nước”.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20141017/quoc-hoi-chua-quyet-du-an-san-bay-long-thanh/659524.html

Theo Lê Kiên/Tuổi trẻ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm