Đối với mỗi hành khách đi máy bay, ác mộng tồi tệ nhất hẳn là thời khắc phi công bật loa và thông báo: "Đây là cơ trưởng. Hãy ngồi vững để chuẩn bị cho va chạm".
Đó là những gì đã xảy ra cách đây hơn 10 năm, khi chuyến bay 1549 của US Airways va phải một đàn ngỗng ngay sau khi cất cánh từ sân bay LaGuardia của thành phố New York, khiến máy bay bị hỏng động cơ.
Phi công Chesley “Sully” Sullenberger III đã hạ cánh an toàn chiếc Airbus A320 ở sông Hudson ngoài trung tâm Manhattan trong sự kiện được gọi là "Phép lạ trên sông Hudson".
Phi công Chesley "Sully" Sullenberger đã được trao huy chương cho hành động anh hùng trong "Phép lạ trên sông Hudson". Ảnh: Los Angeles Times. |
Tất cả 155 hành khách và phi hành đoàn đều sống sót sau vụ tai nạn. Tuy nhiên, bất chấp sự điềm tĩnh của mình trong vụ tai nạn, Sully tiết lộ với Telegraph rằng ông được huấn luyện rất ít cho việc hạ cánh xuống nước (hay "rẽ nước").
"Huấn luyện duy nhất chúng tôi nhận được cho hạ cánh xuống nước là đọc vài đoạn trong sách hướng dẫn và có cuộc thảo luận ngắn trong lớp học", ông nói.
"Rất ít thay đổi được thực hiện kể từ chuyến bay của chúng tôi. Cục Hàng không Liên bang (FAA) chỉ chấp nhận sáu trong số 35 khuyến nghị an toàn do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (NTSB) đưa ra trong báo cáo cuối cùng về Chuyến bay 1549", ông cho biết.
"Phép lạ trên sông Hudson" được NTSB ca ngợi là "lần hạ cánh xuống nước thành công nhất trong lịch sử hàng không". Mặc dù cực kỳ hiếm nhưng đã có một vài trường hợp khác mà các máy bay thương mại buộc phải hạ cánh trên mặt nước.
"Phép lạ trên sông Hudson" đã được tái hiện trong bộ phim năm 2016 "Sully: The Miracle on the Hudson". Ảnh: Warner Bros. |
Năm 1970, chuyến bay ALM từ New York đến đảo St Maarten hết nhiên liệu sau ba lần hạ cánh trong điều kiện thời tiết bất lợi và cuối cùng buộc phải hạ cánh xuống biển Caribbean. 20 trong số 57 hành khách đã chết trong vụ tai nạn.
Năm 1996, một chuyến bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines rơi xuống đại dương gần quần đảo Comoros sau khi hết nhiên liệu. Phi công đã cố gắng hạ cánh trên mặt nước trong khi chống lại những tên không tặc. Trong số 175 người trên máy bay, 125 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn.
Chuyên gia hàng không John Turner, thành viên Hiệp hội Hàng không Hoàng gia và Giám đốc Đoàn Phi công Hàng không Danh dự, cho biết một số máy bay được thiết kế đặc biệt để hạ cánh trên mặt nước như Albatross hay thủy phi cơ khổng lồ AG600 của Trung Quốc.
"Mặc dù hầu hết máy bay hiện đại không được thiết kế để cất cánh và hạ cánh trên mặt nước, thiết kế của chúng bao gồm các tính năng để cải thiện cơ hội hạ cánh khẩn cấp thành công", Turner nói.
"Hầu hết hướng dẫn đề nghị hạ cánh dọc theo sóng, tức là song song, chứ không phải ngang qua sóng. Rõ ràng, điều này sẽ dễ dàng hơn và cơ hội sống sót cao hơn nếu mặt nước phẳng lặng hơn thay vì nhấp nhô, và nếu là ánh sáng ban ngày thì phi công có thể nhìn rõ bề mặt", ông cho biết.
Theo ông, thiết kế máy bay giữ cho nó nổi đủ lâu để mọi người có thể thoát ra. Ngoài ra, những chiếc áo phao có thể giúp hành khách an toàn, ngay cả khi họ bất tỉnh.
Ông cũng khuyên các hành khách thắt dây an toàn đúng cách để có thể tháo dây và di tản khi cần thiết và dành vài phút nghiên cứu các hướng dẫn thoát hiểm để tự giúp mình khi tai nạn xảy ra.