Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khó có chuyện Công Vinh đá cặp với Công Phượng ở Tuyển

Thầy Giôm từng ước HAGL có cặp tiền đạo Công Vinh - Công Phượng, nhưng sự kết hợp của họ ở tuyển Việt Nam lại là câu chuyện khác.

Công Vinh từng là tiền đạo không thể thay thế của ĐT Việt Nam. Giờ đây, gánh nặng tuổi tác và những vũ khí tốt nhất của Vinh như tốc độ, sự lăn xả đã không cùng song hành. Thiếu đi những yếu tố ấy, Vinh chẳng thể củng cố vị trí “số 1” của anh ở ĐT Việt Nam.

Hơn thế, đã quá lâu người ta không thấy Công Vinh được sử dụng như một mũi nhọn chơi cao nhất nơi tuyến đầu. Vinh thường được bố trí đá dạt trái, hoặc chơi hộ công phía sau trung phong. Trong cả màu áo CLB lẫn ĐT Việt Nam, điều này xảy ra thường xuyên.

Công Vinh thường được HLV Miura sử dụng ở vị trí hộ công. Ảnh: Anh Tuấn.

Ngay cả khi dấn thân ở xứ người, Vinh cũng không được Leixoes của Bồ Đào Nha (2009) hay Consadole Sapporo (2013) của Nhật sử dụng làm mũi nhọn. Vinh được bố trí chơi thấp như một tiền vệ, thỉnh thoảng sắm vai tiền đạo cánh.

Tại AFF Cup 2014, Vinh cũng không đá chính mà vào sân từ ghế dự bị. Tất nhiên, HLV Miura cũng chẳng khác những người đồng nghiệp của mình, dùng Vinh ở vị trí không phải trung phong.

Lần tập trung này, chắc chắn ông thầy người Nhật cũng không sử dụng Vinh khác đi so với cách đây 1 năm, nhất là trong tay ông vẫn còn đó Mạc Hồng Quân, Nguyễn Hải Anh, hai cầu thủ có thể đá cắm.

Vai trò của Vinh vô tình liên quan chặt chẽ đến… Công Phượng. Tiền đạo HAGL nếu được đôn lên ĐT Việt Nam, nhiều khả năng sẽ được bố trí chơi như Vinh. Tức là, Phượng không phải đá cắm, mà đá hộ công hoặc dạt cánh.

Sự trùng lặp vị trí của Công Vinh – Công Phượng khiến cơ hội cả hai ra sân cùng lúc khá hạn chế. Thậm chí, trong một số trường hợp, HLV Miura sẽ phải lựa chọn hoặc Vinh, hoặc Phượng cho sơ đồ chiến thuật của mình.

Thêm nữa, từ khi cầm quân ở cả U23 lẫn ĐT Việt Nam, ông thầy sinh năm 1963 hiếm khi dùng sơ đồ hai tiền đạo đá song song, kiểu như Huỳnh Đức – Minh Chiến ở SEA Games 1995.

Với tư tưởng thận trọng, ưa thủ vững trước khi tính đến công cường, HLV Miura thường dùng hàng tiền vệ 5 người, trong đó có một cầu thủ đá thấp hẳn, làm nhiệm vụ tranh chấp, thu hồi ngay trước mặt hàng phòng ngự. Tiêu chí này đương nhiên buộc ông phải bớt đi một người nơi tuyến đầu.

Cách bố trí ấy đã thành phong cách, thành triết lý điều binh khiển tướng của HLV Miura, nên để thay đổi nó không phải là chuyện đơn giản. Có chăng, ông thầy Nhật sẽ chỉ phá lệ nếu ĐT Việt Nam lâm vào thế cùng đường hoặc quá bế tắc về phương án tấn công.

Công Phượng cũng chỉ hợp với vị trí đá sau lưng trung phong nên khó có chuyện cả hai cùng được sử dụng ở đội hình chính. Ảnh: Tùng Lê.

Tại Vòng loại U23 châu Á vừa qua, U23 Việt Nam sử dụng chiến thuật này trong hai trận đấu khó khăn với U23 Nhật Bản và U23 Malaysia. Sự khác biệt chỉ được tạo ra ở trận đấu cuối với U23 Macau khi U23 Việt Nam phải ghi nhiều bàn thắng. Tại trận đấu đó, ông thầy 52 tuổi vẫn chỉ sử dụng Thanh Bình đá cao nhất, Công Phượng đá hộ công phía sau và hiếm khi cả hai cùng băng lên như hai mũi nhọn thực thụ.

Công Vinh và Công Phượng sẽ rất khó có cơ hội đá cặp tiền đạo với nhau trong ĐT Việt Nam. Thậm chí, hai tiền đạo gốc Nghệ An có thể sẽ phải thi đấu với nhau để giành 1 vị trí chính thức từ HLV Miura. Trong cuộc chiến này, sức trẻ và thời gian đang ủng hộ người em, Công Phượng!

3 trụ cột của U23 VN bị chấn thương

Hoàng Thịnh, Phi Sơn, Ngọc Hải phải vào Bệnh viện Thể thao Việt Nam để chụp, chiếu nhằm đánh giá mức độ chấn thương sau trận đấu với U23 Hàn Quốc.

Bảo Thắng

Bạn có thể quan tâm