Làm sao mà một đội bóng có thời gian cầm bóng đến 74% trận đấu, sút bóng 26 lần, dẫn trước 1 bàn đến phút 75 lại có thể thua ngược? Mà đây lại là đội tuyển Đức, còn đối thủ của họ là một đội châu Á?
Yếu tố kỷ luật đặc trưng đã biến mất
Bỏ lỡ nhiều cơ hội, sai lầm ở phòng tuyến, sự điều chỉnh hợp lý của đối thủ, may mắn của đối thủ… đều là những giải thích ở lớp bề mặt. Cái thua của Đức trước Nhật Bản là thua về thái độ, thua về cá tính. Không mấy người trong số các cầu thủ Đức bây giờ còn “chất Đức” như các tiền bối của họ. Và có lẽ sẽ mất một thời gian lâu nữa, ta mới thấy lại một đội tuyển Đức mạnh mẽ.
Thái độ và kỷ luật không tốt đã dẫn Đức đến thất bại. Ảnh: Reuters. |
Bàn thua thứ hai có lẽ là dễ nhất từng được ghi tại một trận đấu World Cup. Đó là nhận xét của tiền vệ Ilkay Gundogan. Nico Schlotterbeck và Antonio Rudiger cố gắng bẫy việt vị đối thủ còn Niklas Sule không tham gia. Đến khi Schlotterbeck nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình hình thì đã quá muộn.
Cả ba trung vệ Sule, Rudiger, Schlotterbeck đều chơi hời hợt, mang vẻ chế nhạo đối thủ trong nhiều pha bóng. Nếu Đức có một thủ lĩnh đích thực trên sân, thí dụ như Lothar Matthaus hay Stefan Effenberg, Michael Ballack, thì thái độ kể trên của các trung vệ sẽ bị khiển trách ngay trên sân bóng.
Bóng đá Đức thành công và thành danh trước tiên ở sự kỷ luật, sau đó mới đến các yếu tố thể lực, khoa học. Nếu không còn kỷ luật thì còn gì là chất Đức trong bóng đá Đức nữa? Phải chăng văn hóa kỷ luật của các hãng xưởng sản xuất ngày trước nay được thay bằng văn hóa đại chúng ẻo lả của xã hội tiêu dùng đã khiến yếu tố kỷ luật chuội khỏi đầu các cầu thủ bóng đá Đức.
Giờ đội tuyển Đức không còn thủ lĩnh có cá tính, uy tín lớn trên sân bóng, người mà chỉ một cái liếc mắt là các đồng đội phải xem lại thái độ của họ. Người đốc thúc họ chiến đấu khi gặp nguy khốn. Gundogan, Thomas Muller, Manuel Neuer chưa mạnh đến độ đó.
Tại World Cup 2018, Đức thua Hàn Quốc 0-2 ở trận cuối vòng bảng. Nhưng ít ra họ đã không ngừng lao lên hãm thành suốt trận đấu, cho đến khi nhận đòn hồi mã thương. Còn tối qua, khi bị Nhật Bản gỡ bàn rồi dẫn bàn, các cầu thủ Đức không thể hiện được sự quyết tâm, sự gấp gáp, như thể với họ, thắng hay thua không quá quan trọng. Đội Đức trong hiệp hai tối qua là đội Đức có lẽ bạc nhược nhất trong lịch sử.
Đổ gãy trong khâu đào tạo
Một điều khiến Đức gãy trận trước Nhật Bản là do HLV Hansi Flick rút hai cầu thủ kinh nghiệm nhất trên sân là Gundogan và Muller ra sân quá sớm. Họ rời sân trước khi Nhật Bản gỡ hòa. Khi tỉ số vẫn đang chỉ là 1-0, và cần thêm những bàn thắng nữa để đóng sập trận đấu lại.
Không Gundogan, Đức mất sự điềm tĩnh khi cầm bóng. Không Muller, Đức không còn sự kết dính trên hàng công. Chính Muller chạy hết từ cánh phải vào giữa, rồi sang cánh trái để cố gắng kết nối các mũi tấn công của Đức trong suốt thời gian anh có mặt trên sân.
Bóng đá Đức đang ở thời điểm thiếu tài năng. Ảnh: Reuters. |
Từ những cầu thủ tấn công có mặt trên sân tối qua, có thể nhận thấy bóng đá Đức đang thiếu tài năng nghiêm trọng. Jamal Musiala hay Youssoufa Moukoko chỉ là các cầu thủ trẻ có trình độ tốt mà nhiều đội khác cũng có, chưa chứng tỏ gì nhiều đến mức để được tung hô lên hàng sao.
Bóng đá Đức thiếu tiền đạo nghiêm trọng đến mức ông Flick phải gọi các cầu thủ tuổi teen Musiala, Moukoko và Adeyemi, một tuyển thủ hết thời Mario Gotze, hay một chân sút trước đó chưa từng tham dự ĐTQG, Niclas Fullkrug.
Họ không sản sinh ra được các trung phong ít nhất là cỡ Mario Gomez, Miroslav Klose, chứ chưa nói đến cỡ Rudi Voller, Jurgen Klinsmann, Karl Heinz Riedle. Các trung phong hàng đầu ở Bundesliga giờ toàn người nước ngoài: Marcus Thuram, Choupo Moting, Patrik Schick, Anthony Modeste…
Với chất lượng đội bóng hiện tại, việc cầm hòa Tây Ban Nha trận kế tiếp là điều khó khăn với đội tuyển Đức. Chia tay giải sớm cũng là lúc họ cần bắt đầu suy ngẫm lại về “chất Đức” trong bóng đá Đức, về hệ thống đào tạo cầu thủ. Có lẽ sẽ không thể nhanh chóng để có một đội Đức chất lượng vào thời điểm họ tổ chức Euro 2024 trên sân nhà.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...