Phát biểu trước 193 nguyên thủ và đại diện các thành viên Liên Hợp Quốc ngày 24/9, Tổng thống Trump không hề nhắc đến “Ukraine”, nhưng chắc chắn ông và nhiều người nghe diễn văn đều đang nghĩ đến chủ đề đó.
Ông nói mình đang đại diện cho “quốc gia mạnh nhất thế giới”, nhưng trong nội bộ nước Mỹ, ngày càng nhiều ý kiến yêu cầu luận tội ông sau khi lộ ra thông tin ông gây áp lực buộc Ukraine điều tra đối thủ chạy đua vào Nhà Trắng năm sau Joe Biden.
Cuối ngày 24/9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuyên bố mở cuộc điều tra chính thức để đi đến luận tội đối với Tổng thống Trump về bê bối Ukraine.
Vị tổng thống đã vượt qua hết bê bối này tới khủng hoảng khác một lần nữa phải thanh minh, giải thích về các bàn bạc bí mật của ông với một chính phủ nước ngoài.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phát biểu hôm 24/9. Ảnh: Reuters. |
Lại bê bối giữa ông Trump và chính phủ nước ngoài
Đối lập ở chỗ bài phát biểu của Tổng thống Trump nêu bật sự chống đối mạnh mẽ của ông đối với toàn cầu hóa, nhưng vụ bê bối Ukraine lại nêu bật những lần ông giành lợi thế trong bầu cử nhờ chính phủ nước ngoài.
Mâu thuẫn còn nằm ở lời giải thích của ông Trump về cuộc bàn bạc với Ukraine. Ngày 24/9, trước khi bước vào Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Trump đã xác nhận với các phóng viên rằng ông đã treo khoản viện trợ 391 triệu USD cho Ukraine ngay trước khi gọi điện chúc mừng tân tổng thống nước này.
Ông Trump nói khoản viện trợ trên bị treo, dù đã được Quốc hội phân bổ, vì các nước châu Âu chưa chi đủ để cùng hỗ trợ Ukraine. Nhưng giải thích này mâu thuẫn với lý do ông đưa ra mới ngày 23/9, tức trước đó một ngày, nói ông chặn khoản viện trợ vì lo ngại tham nhũng ở Ukraine, rồi lấy ông Biden làm ví dụ.
Lý do ông Trump đưa ra ngày 24/9 được cho là ít liên quan hơn tới ông Biden và cáo buộc ông đã ép Ukraine điều tra Biden, New York Times nhận định.
Ngoài ra, ông Trump cũng cho biết cuối cùng ông đã chấp thuận khoản viện trợ, và vì vậy không làm gì sai. Nhưng theo New York Times, ông Trump chỉ từ bỏ việc treo viện trợ sau khi các nghị sĩ từ cả hai đảng đe dọa các biện pháp trừng phạt.
Tổng thống Mỹ một lần nữa gọi các lời yêu cầu luận tội từ các nhà lập pháp đảng Dân chủ là “cuộc săn phù thủy”, giống cuộc điều tra Nga suốt hai năm của công tố viên đặc biệt Robert Mueller mà sau đó không tìm đủ chứng cứ để truy tố ông.
“Tôi đang dẫn đầu các cuộc thăm dò, và họ không có cách nào cản bước tôi”, ông Trump nói. “Cách duy nhất là luận tội”.
Nhưng theo New York Times, trên thực tế, ông Trump đang thua ông Biden và các ứng viên Dân chủ khác trong hầu hết thăm dò, và những người chỉ trích cho rằng điều này khiến ông càng muốn tìm thông tin bê bối từ Ukraine về cựu phó tổng thống Mỹ.
Mâu thuẫn nữa là sự thiếu rõ ràng của ông Trump về việc hỗ trợ Ukraine. Có lúc, ông cho phép chuyển vũ khí tự vệ cho Ukraine mà người tiền nhiệm Barack Obama từ chối viện trợ, để giúp Kiev chống lại lực lượng ly khai thân Nga ở phía đông trong cuộc chiến 5 năm đã làm chết 13.000 người. Nhưng ông Trump cũng nói việc Nga can thiệp vào Ukraine không đáng để Mỹ trừng phạt, cô lập Moscow.
Tổng thống Trump phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters. |
Chú ý đổ dồn về cuộc gặp Mỹ - Ukraine
Ồn ào về Ukraine diễn ra trong bối cảnh ông Trump đang có một loạt cuộc gặp nhanh với các nguyên thủ bên lề cuộc họp Đại hội đồng, bao gồm cuộc gặp với với Thủ tướng Anh Boris Johnson, người cũng đang chao đảo vì chống đối trong nước.
Nhưng cuộc gặp được chờ đón nhất sẽ vào ngày 25/9 với Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine. Chính cuộc gọi điện ngày 25/7 của ông Trump chúc mừng tân tổng thống Ukraine đã tạo ra bê bối mới nhất đe dọa chiếc ghế tổng thống Mỹ.
Tổng thống Trump đang ở trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York để tham dự hàng loạt các cuộc họp và cuộc gặp song phương. Ảnh: Reuters. |
Ông Trump cũng xác nhận đã nhắc đến ông Bien, cáo buộc ông Biden tham nhũng ngay trong cuộc gọi. Một số người khác biết về cuộc gọi nói tổng thống liên tục yêu cầu ông Zelensky điều tra ông Biden dù cáo buộc tham nhũng chưa có căn cứ, nhưng họ cho biết ông Trump không dọa treo viện trợ.
Các nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ đã kêu gọi ông Trump công bố toàn văn cuộc gọi. Ông Trump ban đầu từ chối, nhưng ngày 24/9 đã đồng ý sẽ công bố.
“Khi bạn đọc toàn văn cuộc gọi, mà tôi tin rằng cũng sớm thôi, bạn sẽ hiểu rằng nó chả có vấn đề gì”, ông nói với các phóng viên.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 24/9 tuyên bố Hạ viện sẽ chính thức điều tra nhằm đi đến luận tội đối với Tổng thống Donald Trump. Cuộc điều tra xoay quanh liệu ông Trump có lạm dụng quyền lực tổng thống và tìm kiếm sự trợ giúp của nước ngoài để làm suy yếu đối thủ Joe Biden.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa, tay trái đặt trên bàn) dự cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. Ông là tâm điểm trong vụ bê bối dẫn đến Hạ viện chính thức điều tra Tổng thống Trump. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine. |