Thiên nhiên luôn luôn sáng tạo và chuyển hóa, nơi mọi sinh linh đều bình đẳng, sống động - là suối nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều thế hệ nhà văn và nhà tư tưởng.
Tuy nhiên, trong những trang văn của cây bút Nga Mikhail Prishvin (1873-1954), thiên nhiên không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là nhân vật chính, là nàng thơ, là người mẹ, người bạn, người thầy, là quê hương để mỗi chúng ta trở về trong cuộc hành hương của đời mình.
Có lẽ bằng bản năng và trực giác nhiều hơn là sự kế thừa có ý thức, những trang văn của Prishvin luôn thấm đẫm tinh thần “thiên nhân tương cảm” của Đông phương. Trong tác phẩm Giọt rừng cũng như Phacelia và chuyện đi săn, chúng ta có thể mường tượng ra hình ảnh tác giả bước từng bước khoan thai giữa núi rừng, lặng ngắm sự chuyển hóa của bốn mùa, của trời đất và ghi chép lại những quan sát tinh tế của mình bằng ngôn ngữ mộc mạc, chân phương không hoa mỹ.
Sách Phacelia và chuyện đi săn. |
Mikhail Prishvin luôn ngắm nhìn thiên nhiên mà không nỗ lực lý giải nó, không nhằm mục đích “thấy vũ trụ trong một hạt cát và bầu trời trong một đóa hoa rừng” như thi sĩ William Blake, dường như “cái tôi” văn chương của ông không hề hiển lộ.
Cảm nghiệm của Prishvin về thiên nhiên rất gần với những hiền nhân phương Đông xưa, rất gần với những gì Basho ghi lại trong tác phẩm Oi no kobun (Cập chi tiểu văn: Ghi chép nhỏ trong túi hành hương): “Đó là tâm hồn của fuga (phong nhã), kẻ nào ấp ủ nó đều đón nhận thiên nhiên và trở thành người bạn của bốn mùa. Nhìn thấy gì, người ấy đều nhớ đến hoa, nghĩ điều chi người ấy cũng liên tưởng tới trăng” (Nhật Chiêu dịch).
Prishvin đến với văn chương muộn mằn và chọn một con đường “chậm” để bước đi, như những gì ông thú nhận: “Tôi đến với văn chương ở độ tuổi mà một người đàn ông không còn bất cứ nhu cầu thể hiện gì nữa và không có ý định giành được chỗ đứng nào trong xã hội”.
Khi có vài tác phẩm đầu tiên, nhà văn Alexey Remizov đã đưa Prishvin vào một nhóm các nhà văn trẻ. Tuy nhiên, ông khá xa lạ với họ. Trong số các nhà văn có ảnh hưởng lâu dài đối với ông, ông chỉ đề cập đến Lermontov, Tyutchev, Aksakov và Lev Tolstoy.
Dù khẳng định “thể loại hư cấu chưa bao giờ hấp dẫn tôi”, đôi khi Prishvin cũng có những mong muốn mô tả mảnh đất quê hương và những năm tháng tuổi trẻ của mình bằng một cuốn tiểu thuyết. Nhưng ông không thể nghĩ ra một nhân vật chính làm trung tâm nào.
Prishvin đã tự hỏi mình: “Phải chăng quê hương yêu dấu của tôi không sản sinh ra một người hùng nào? Tôi đã nghĩ về nhiều người đàn ông đáng chú ý sinh ra trên vùng đất này. Ở phía kia, cách đây không xa, là những cánh đồng từng được Tolstoy cày xới, là khu rừng nơi Turgenev đã đi săn thú rừng, Gogol cũng từng đến đây để tìm lời khuyên từ một thầy tu già. Có bao nhiêu người vĩ đại đã được sinh ra từ vùng đất đen này, nhưng dường như họ đã đến và đi như những linh hồn còn vùng đất vẫn bị bỏ lại, ngày càng kiệt quệ, bị chia cắt bởi những khe nước bờ đất sét, toàn những ngôi nhà lụp xụp không xứng đáng với con người...”.
Nhà văn nhận ra ở vùng đất quê ông có những người nông dân cả đời chẳng biết gì ngoài việc chăm sóc những vườn cây trong khe núi để giữ đất, có lẽ còn xứng đáng làm nhân vật chính của ông hơn là những con người vĩ đại đã rời bỏ quê hương. Con người trong văn của ông là những nông dân, thợ săn, những đứa trẻ... sống trong mối hòa hợp tuyệt diệu với thiên nhiên, trời đất.
Hình Mikhail Prishvin trên một con tem. |
Konstantin Georgiyevich Paustovsky, tác giả của Bông hồng vàng và bình minh mưa, đã viết: “Cuộc đời Prishvin là tấm gương của một người từ bỏ tất cả những gì không phải của mình, do hoàn cảnh áp đặt và bắt đầu sống chỉ 'theo mệnh lệnh của trái tim'. Trong lẽ sống đó hàm chứa một minh triết vô cùng vĩ đại. Người sống theo trái tim, theo sự hòa hợp với thế giới nội tại của mình bao giờ cũng là người sáng tạo, là người làm giàu cho cuộc sống, là nghệ sĩ”.
Prishvin đã đóng góp những điều hoàn toàn mới mẻ đến hiểu biết của chúng ta về thiên nhiên và mối quan hệ của con người với thiên nhiên. Thời nay, giữa thời đại của “phê bình sinh thái”, những nghiên cứu về mối quan hệ này cho thấy không thể có sự cưỡng bách hay quy phục, cộng sinh sáng tạo là lựa chọn duy nhất. Prishvin luôn tin rằng chúng ta sẽ hiểu ra nhiều điều khi soi vào tấm gương thiên nhiên mà suy tưởng, bởi “mọi hiểu biết đã sẵn có trong linh hồn con người”.
Di sản mà Mikhail Prishvin để lại cho hậu thế là một kho tàng minh triết, tấm lòng nhân ái và tinh thần lạc quan. Ông đã thắp sáng một thế giới nhiều kỳ thú rồi lẳng lặng bước ra để lại không gian suy tư cho độc giả, để độc giả được hít thở trong một bầu không khí thanh thoát nhẹ nhàng của thiên nhiên và tình yêu.